Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Bích Trâm
Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung
Cập nhật 15/12/2023

Sự phát triển của thai nhi 28 tuần tuổi và những thay đổi của mẹ

TÀI TRỢ BỞI:

Sự phát triển của thai nhi 28 tuần tuổi và những thay đổi của mẹ
Tuần thứ 28, đôi mắt của bé đang tiếp tục hoàn thiện. Các cơ bắp vững chãi hơn. Phổi cũng đã có thể hít thở được không khí. Đặc biệt, bộ não bé đang phát triển hàng triệu neuron thần kinh.

Thai 28 tuần nặng bao nhiêu? Sự phát triển của thai 28 tuần như thế nào? Giai đoạn này con nặng bao nhiêu, biết làm gì và có gì thú vị? Mẹ hãy cùng khám phá trong bài viết này nhé!

Sự phát triển của thai 28 tuần

1. Thai 28 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Thai 28 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), ở tuần thai thứ 28, bé đã đạt trọng lượng 1kg và dài hơn 37,6cm, kích cỡ bằng một bắp cải thảo.

Ngoài cân nặng và chiều dài, bạn cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số khác của thai nhi 28 tuần trở đi như:

  • Chu vi bụng (AC): 216 – 275mm, trung bình là 246mm.
  • Chu vi đầu (HC): 251 – 281mm, trung bình là 266mm.
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 65 – 77mm, trung bình là 71mm.
  • Cân nặng ước tính (EFW): 1004g – 1416g, trung bình là 1210g.
  • Chiều dài xương đùi (FL): 49 – 59mm, trung bình là 52mm.
  • Chiều dài xương mũi (FNBL): 6.3mm – 8.5mm
  • Vậy mẹ đã biết thai 28 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn và những chỉ số thai nhi 28 tuần rồi đó. Bạn hãy đọc tiếp những thông tin dưới đây để hiểu hơn về các cột mốc phát triển của con nhé!

    >> Bạn có thể xem thêm: Trọng lượng thai BPV là gì? Trẻ nhẹ cân hay nặng cân từ đây mà ra đó mẹ!

    2. Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào?

    Các cơ bắp của thai nhi đã trở nên vững chãi hơn. Phổi đang dần phát triển hoàn thiện để có thích nghi với việc hít thở ở môi trường bên ngoài. Đặc biệt, bộ não bé đang phát triển hàng triệu neuron thần kinh.

    Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé, bạn sẽ cần bổ sung rất nhiều protein, vitamin C, axit folic và sắt trong thực đơn hàng ngày đấy nhé. Dưới đây là những thắc mắc liên quan đến sự phát triển của bé ở tuần 28.

    2.1 Thai 28 tuần đã quay đầu chưa?

    Nhiều mẹ thắc mắc không biết thai 28 tuần đã quay đầu chưa? Trong tuần này, em bé đang cố định vị trí thích hợp để chào đời; con sẽ hướng đầu xuống về phía ống dẫn sinh để chuẩn bị cho ngày chào đời.

    >> Bạn có thể xem thêm: Thai nhi bao nhiêu tuần thì quay đầu & dấu hiệu ngôi thai ngược là gì?

    2.2 Đôi mắt của bé đang tiếp tục hoàn thiện

    Khi thai 28 tuần, em bé rất thích thú với việc chớp mắt để chuẩn bị cho việc chào đời. Hành động chớp mắt là điều cần thiết để giúp tránh các vật lạ ra khỏi mắt của em bé khi đã chào đời.

    Bên cạnh việc chớp mắt, thai nhi cũng đang tập rất nhiều hành động phản xạ để tập luyện cho ngày chào đời; chẳng hạn như ho, mút ngón tay, nấc cụt và có lẽ quan trọng nhất là cách hít thở.

    2.3 Thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì?

    Trong quá trình tìm hiểu sự phát triển của thai 28 tuần, nhiều phụ huynh thắc mắc thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì?

    • Em bé vẫn có thể vặn mình và thay đổi tư thế trong tử cung: phần lớn thời gian đầu bé sẽ hướng xuống ống dẫn sinh và chân hướng lên ngực mẹ điều này sẽ tăng thêm áp lực lên cơ hoành của người mẹ.
    • Em bé có thể đang mơ về mẹ của mình: Hoạt động sóng não được đo ở thai nhi đang phát triển cho thấy các chu kỳ giấc ngủ khác nhau, bao gồm giai đoạn chuyển động nhanh của mắt (Rapid Eye Movement – REM) – đây là giai đoạn xuất hiện giấc mơ.

    >> Bạn có thể xem thêm: Em bé trong bụng mẹ ngủ khi nào? 11 mẹo giúp thai nhi ngủ đúng giờ để mẹ đỡ cực khi con quấy đêm!

    2.4 Xương của bé đang hấp thụ nhiều canxi

    Thời điểm này xương của bé đang hấp thụ rất nhiều canxi, do đó bạn hãy nhớ uống sữa hoặc bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi như phô mai, sữa chua, rau xanh; có thể uống canxi dạng viên hoặc dạng nước .

    Ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển thai kỳ, mỗi ngày bé cần khoảng 250mg canxi để hỗ trợ bộ xương phát triển cứng cáp. Do đó, bạn cần bổ sung lượng canxi từ 500-1000 mg/ngày, có thể lên đến 2000mg/ngày nếu không bổ sung từ nguồn thực phẩm khác.

    2.5 Thai nhi 28 tuần tuổi đạp như thế nào?

    Thời gian này con rất hiếu động. Vì vậy, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ cách theo dõi cử động đạp của em bé trong những khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Nếu bạn nhận thấy em bé ít hoạt động hơn thì cần đi khám thai để được bác sĩ kiểm tra và theo dõi nếu có vấn đề nguy hiểm nhé.

    2.6 Cách đếm cử động thai

    • Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.
    • Bạn cần đi tiểu để làm trống bàng quang trước khi đếm cử động thai.
    • Sau đó, bạn đặt tay lên bụng để cảm nhận và đếm số đợt cử động của thai nhi trong vòng 1 giờ.
    • Bạn nên chọn 1 thời điểm nhất định trong ngày và sau bữa ăn 15-30 phút để thực hiện đếm cử động thai.
    • Nếu có ít hơn 4 cử động thai, bạn đứng dậy đi 1 vòng, uống 1 ngụm nước lọc rồi tiếp tục đếm trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ có ít hơn 10 cử động, nghĩa là có giảm cử động thai.

    3. Thai 28 tuần là mấy tháng?

    Nếu mẹ đang mang thai 28 tuần, mẹ đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là mẹ gặp mặt bé rồi. Vậy là mẹ đã biết mang thai 28 tuần là mấy tháng rồi đó!

    >> Bạn có thể xem thêm: Đau nhói bụng dưới khi mang thai 7 tháng có nguy hiểm?

    thai 28 tuần
    Thai 28 tuần của bé, các cơ bắp đã vững chãi hơn. Phổi cũng đã có thể hít thở được không khí. Đặc biệt, bộ não bé đang phát triển hàng triệu neuron thần kinh.

    Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi tuần 28

    1. Có thể bị đau thần kinh tọa

    Khi em bé đã ổn định vị trí sinh, đầu của bé và tử cung của bạn đang lớn dần có thể đè lên dây thần kinh tọa ở phần dưới của cột sống. Do đó, bạn có thể cảm thấy đau nhói, ngứa ran hoặc tê nhức bắt đầu ở mông và lan xuống mặt sau của chân; tình trạng được gọi là đau thần kinh tọa.

    Cơn đau thần kinh tọa đôi khi có thể khá dữ dội nhưng có thể giảm nhẹ nếu em bé thay đổi tư thế. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể kéo dài cho đến khi bạn sinh xong.

    Để giảm bớt sự khó chịu và cơn đau thần kinh toạ, bạn hãy sử dụng đệm sưởi, ngâm mình trong bồn nước ấm, nằm dài hoặc nghỉ ngơi trên giường nhé.

    2. Làn da trở nên nhạy cảm hơn

    Làn da của bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai; ngay cả đối với những người chưa từng có làn da nhạy cảm trước đó. Một số vùng da trên cơ thể có thể bị khô và bong tróc. Một số vùng da khác cũng có thể bị phát ban nhiệt hoặc ảnh hưởng bởi tác nhân kích ứng bên ngoài; chẳng hạn như bị kích ứng kem dưỡng da mà bạn đang sử dụng. Vùng da nhạy cảm nhất có lẽ là da bụng, vì nó bị căng ra. Một số nơi khác bao gồm hông và đùi của mẹ cũng có thể bị ảnh hưởng.

    Điều này là do sự thay đổi hormone khiến da của bạn trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với các chất mà bình thường có thể không ảnh hưởng đến mẹ; chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, nhiệt, chất tẩy rửa, clo và thậm chí một số loại thực phẩm nhất định. Nếu bạn đã từng bị bệnh chàm có thể sẽ bị tái lại trong giai đoạn này.

    Đối với những nốt ngứa, mẹ nên thoa một chút kem dưỡng da calamine. Nếu bất kỳ vùng da nào bị phát ban hoặc kích ứng kéo dài hơn vài ngày; bạn hãy đi khám bệnh và xin tư vấn từ bác sĩ. Tốt nhất, bạn nên tránh các sản phẩm chứa nhiều chất phụ gia, thuốc nhuộm hoặc hương thơm, bất kỳ chất nào trong số đó có thể làm tình trạng da của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

    >> Bạn có thể xem thêm: Dưỡng da cho bà bầu: Thành phần, sản phẩm phù hợp là gì?

    3. Tình trạng ợ nóng và táo bón

    Một số triệu chứng như ợ nóngtáo bón có thể quay lại làm phiền bạn khi thai nhi 28 tuần. Tình trạng giãn cơ ở đường tiêu hóa do hormone thai kỳ (đặc biệt khi bạn ăn nhiều) sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, gây ra đầy hơi và ợ nóng dễ dẫn tới táo bón.

    Để ngăn ngừa táo bón, bạn hãy ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục đều đặn. Mặt khác, khi tử cung to ra cũng có thể góp phần gây ra bệnh trĩ thai kỳ khiến cho những mạch máu sưng lên ở vùng hậu môn dẫn đến táo bón thai kỳ. May mắn thay, tình trạng táo bón này thường mất đi vài tuần sau khi sinh.

    Nếu bị ngứa hoặc đau hậu môn, bạn hãy thử ngâm mình trong bồn tắm hoặc chườm lạnh kết hợp thoa thuốc chống sưng ở vùng đau ngứa. Bạn cần tránh ngồi hoặc đứng quá lâu. Nếu có ý định dùng thuốc để cải thiện tình trạng này, bạn đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé. Đặc biệt, nếu búi trĩ làm bạn chảy máu thì nên trao đổi với bác sĩ ngay.

    >> Bạn có thể xem thêm: Bà bầu bị trĩ có tự khỏi được không và cách điều trị hiệu quả như thế nào?

    4. Hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa

    Trong thời kỳ mang thai, một số mẹ cũng có thể bị “hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa”. Đây là hiện tượng thay đổi nhịp tim và huyết áp khi nằm ngửa. Nó khiến mẹ cảm thấy chóng mặt cho đến khi thay đổi tư thế. Mẹ cũng có thể thấy chóng mặt nếu đứng lên quá nhanh. Để tránh chóng mặt, hãy nằm nghiêng và từ từ thay đổi tư thế từ nằm chuyển sang ngồi rồi đứng.

    5. Tiền sản giật khi mang thai

    Tiền sản giật là một biến chứng của thai kỳ có thể dẫn đến huyết áp cao, tình trạng lượng protein trong nước tiểu cao gây tổn thương thận (protein niệu) hoặc các dấu hiệu tổn thương nội tạng khác.

    Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai ở những phụ nữ có huyết áp trước đó ở mức bình thường. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng; thậm chí gây tử vong cho cả mẹ và bé.

    6. Hội chứng chân không yên (Restless legs syndrome RLS)

    RLS là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể liên quan đến thai kỳ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc RLS ở phụ nữ mang thai dao động từ 10 đến 34%. Thông thường, các triệu chứng sẽ thuyên giảm hoàn toàn ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra sau khi sinh.

    7. Tâm trạng thay đổi

    Khi thai nhi 28 tuần, tâm trạng của bạn có thể trở nên lẫn lộn với cảm xúc buồn, lo lắng và căng thẳng. Điều này có thể là do sự thay đổi nội tiết tố gây ảnh hưởng đến tâm trạng và năng lượng của bạn. Sẽ có những bạn cảm thấy khó chịu hoặc cáu kỉnh và điều này hết sức bình thường.

    Tuy nhiên, những thay đổi về mặt cảm xúc của bạn kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của vợ chồng bạn. Nếu bạn nhận thấy tình trạng này ngày càng nghiêm trọng thì hãy đi khám sức khoẻ. Vì đôi khi đó có thể là dấu hiệu của sự lo lắng trước khi sinh, trầm cảm khi mang thai hoặc một số vấn đề về tâm lý khác.

    8. Chuẩn bị nghỉ thai sản

    Khi thai được 28 tuần, bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ thai sản. Bạn có thể sắp xếp và bàn giao công việc cho đồng nghiệp để chuẩn bị nghỉ thai sản bắt đầu từ tuần thứ 34-36. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nghỉ sớm hơn hoặc trễ hơn khoảng thời gian này, miễn là bạn thấy ổn.

    thai 28 tuần
    Ở mốc thai 28 tuần, đôi mắt của bé đang tiếp tục hoàn thiện.

    Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 28 tuần

    1. Chế độ dinh dưỡng: Mang thai 28 tuần nên ăn gì?

    • Uống thật nhiều nước mỗi ngày để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, sinh non, táo bón,…Trung bình mẹ bầu nên nạp khoảng 2,5-3 lít nước/ngày là đảm bảo vừa đủ cho cơ thể và đồng thời cũng giúp tăng lượng nước ối cần thiết.
    • Bổ sung sắt: Thai nhi hấp thụ phần lớn lượng sắt dự trữ trong tam cá nguyệt thứ ba. Vì vậy, ở tuần thai 28 này, mẹ hãy tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt gà, rau chân vịt, đậu phụ, rau muống, gan, thịt bò và ngũ cốc giàu dinh dưỡng.
    • Bổ sung thêm axit folic và vitamin để tạo máu và phát triển cơ thể. Do đó, bạn nên ăn nhiều rau củ như cải bó xôi, rau chân vịt, ngũ cốc, các loại đậu,… Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm nhiều trái cây để tăng cường vitamin C, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt nhất khi mang thai như quả cam, quýt, bưởi,….

    >> Bạn có thể xem thêm: Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng cuối để con chào đời khỏe mạnh?

    2. Chế độ vận động dành cho mẹ bầu 28 tuần

    Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ lưu ý rằng, phụ nữ mang thai có thể tiếp tục thực hiện tập thể dục nếu nhịp tim duy trì dưới 140 nhịp/phút. Điều đó có nghĩa là hầu hết các bài tập cardio đều phù hợp với thai phụ, miễn là họ không gắng sức quá mức nhịp tim tối đa của mình.

    Mẹ bầu cũng cần đặt mục tiêu dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục an toàn, chẳng hạn như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu trước khi sinh và khiêu vũ. Hãy bỏ qua các bài tập thể dục có thể khiến bạn gắng sức quá mức; hoặc mất thăng bằng như kickboxing và lướt ván nước.

    Bạn cũng cần tránh các động tác giãn cơ hoặc nằm ngửa. Khi thực hiện bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối, bạn phải trang bị áo ngực thể thao để ngăn bị tổn thương cơ do ngực đang tăng size.

    >> Bạn có thể xem thêm: Bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối để dễ sinh con

    3. Chăm sóc bản thân khi mang thai

    3.1 Mua sắm vài thứ cần thiết

    Hãy lên danh sách từ mốc thai 28 tuần những thứ cần chuẩn bị trước cho một vài tuần đầu tiên sau sinh khi bạn không thể ra ngoài mua sắm được:

    • Bột giặt an toàn cho trẻ sơ sinh.
    • Tã bỉm sơ sinh, quần áo và khăn em bé.
    • Khăn giấy và chén đĩa giấy để tiện dọn dẹp sau bữa ăn.
    • Quần lót giấy, băng vệ sinh cho mẹ (vì mẹ sẽ chảy sản dịch trong vài tuần sau sinh).
    • Đồ dùng cho trẻ sơ sinh như bấm móng tay, nhiệt kế, hút mũi cao su, nước muối sinh lý, kem chống hăm.

    3.2 Tận hưởng sự tự do

    Hãy tận hưởng những tuần cuối trước khi sinh để làm những việc bạn yêu thích như xem phim, chăm sóc da hoặc một bữa tối lãng mạn với chồng chẳng hạn.

    Những lưu ý khi thai 28 tuần

    1. Tìm hiểu về Rh

    Bạn có biết tình trạng rhesus (Rh) của mình không? Nếu không, điều quan trọng là phải tìm hiểu. Nếu bạn là Rh âm, chồng Rh dương mà mẹ chưa có kháng thể với Rh, bạn sẽ cần tiêm globulin miễn dịch Rh giống như vắc-xin, được gọi là RhoGAM, vào tuần này để ngăn chặn sự phát triển của các kháng thể.

    2. Hỏi về những thay đổi ở vú

    Nếu có những cục u ở vú, bạn nên đi khám sức khoẻ ngay. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mắc ung thư vú khi mang thai là rất hiếm, đặc biệt là nếu mẹ dưới 35 tuổi. Song cẩn tắc vô áy náy, đi khám cho chắc nhé bạn.

    thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối

    Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 28 tuần

    1. Thai 28 tuần cần làm xét nghiệm gì?

    • Xét nghiệm nước tiểu: Thai 28 tuần cần làm xét nghiệm gì? Bạn cần làm xét nghiệm nước tiếu nếu có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tăng huyết áp.
    • Tiêm uốn ván: Bạn có thể tiêm mũi uốn ván nếu chưa tiêm đủ 5 mũi trước khi mang thai. Tiêm uốn ván khi mang thai nên tiêm sau 22 tuần và trước khi sinh ít nhất 30 ngày mới có hiệu quả.
    • Xét nghiệm dung nạp glucose: Đây là xét nghiệp giúp bạn sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ. Huyết sắc tố có thể được kiểm tra lại để xem xét các dấu hiệu cảnh báo sinh non hoặc huyết áp cao sớm.
    • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp kiểm tra thiếu máu và nồng độ tiểu cầu trong máu. Bạn cũng có thể kiểm tra lại bệnh giang mai, viêm gan B, viêm gan C và HIV. Nếu nhóm máu của bạn âm tính Rh, có thể tiêm thuốc immunoglobulin chống D.

    2. Mang thai tuần 28 có nên quan hệ không?

    Tình dục là một phần tất yếu của thai kỳ nếu bạn đang mang thai. Sự thâm nhập và chuyển động khi giao hợp không gây hại cho em bé. Vì thai nhi được bảo vệ bởi bọc nước ối và thành cơ bụng của tử cung.

    Đa số gần tới ngày sinh, cơ thể chị em luôn trong trạng thái mệt mỏi vì lúc này bụng bầu đã khá lớn, phần khác thì do đau lưng, nóng trong người, chân tay bị sưng phù,…Vì những điều đó mà chị em hoàn toàn không còn hứng thú để “yêu” nữa.

    Một số thai phụ khác lại cực kỳ khỏe mạnh, do đó bạn có thể yêu trong giai đoạn này nếu có nhu cầu nhé. Vì điều này không hề có sự khuyến cáo y tế từ phía bác sĩ nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm để gần gũi chồng kể cả khi đã bước vào tháng thứ 7 của thai kỳ.

    >> Bạn có thể xem thêm: Khi mang thai có nên quan hệ không? Các tư thế quan hệ khi mang thai

    Trên đây là những lưu ý khi thai 28 tuần. MarryBaby hy vọng mẹ đã khám phá được những điều thú vị về bé yêu giai đoạn này, từ đó biết cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý để bé yêu phát triển khỏe mạnh nhé.

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    1. Third trimester
    https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-28/
    Truy cập ngày 15/12/2023

    2. Reference Values for Valve Circumferences and Ventricular Wall Thicknesses of Fetal and Neonatal Hearts
    https://doi.org/10.1371/journal.pmed.1002220
    Truy cập ngày 15/12/2023

    3. The World Health Organization Fetal Growth Charts: A Multinational Longitudinal Study of Ultrasound Biometric Measurements and Estimated Fetal Weight
    https://doi.org/10.1371/journal.pmed.1002220
    Truy cập ngày 15/12/2023

    4. Ultrasonographic Characteristics of Cortical Sulcus Development in the Human Fetus between 18 and 41 Weeks of Gestation
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28397721/
    Truy cập ngày 15/12/2023

    5. Preeclampsia
    https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745
    Truy cập ngày 15/12/2023

    6. Restless legs syndrome and pregnancy: prevalence, possible pathophysiological mechanisms and treatment
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5562408
    Truy cập ngày 15/12/2023

    7. 28 weeks pregnant
    https://raisingchildren.net.au/pregnancy/week-by-week/third-trimester/28-weeks
    Truy cập ngày 15/12/2023

    x