Thay vì để con chơi những đồ chơi không được phép, tôi đưa con chơi những đồ chơi được phép chơi. Ví dụ: Con rất thích chơi những quyển sách nhưng chủ yếu là vò và xé sách. Những lúc như vậy tôi liền lấy ngay quyển sách bé hay chơi đưa cho con và nói với con rằng: “Đây là sách của mẹ, con không được chơi với cuốn sách này, đừng xé sách của mẹ nhé!”. Tất nhiên bé không phải lúc nào bé cũng đồng ý trao đổi món đồ chơi mà bé đang chơi. Những lúc như vậy tôi vừa âu yếm con, vừa nói một cách nhẹ nhàng để con đồng ý.
Trong trường hợp khác, nếu bé không đồng ý trả lại quyển sách thì tôi sẽ cương quyết hơn, không chiều theo ý con và lấy lại quyển sách của mình. Tôi cũng không quát mắng con, không đánh con nhưng điều chỉnh cho giọng nói, nét mặt nghiêm hơn.
Tôi sẽ đánh lạc hướng bé bằng những món đồ chơi khác. Khi bé khóc thì tôi sẽ dỗ dành bé những bằng những món đồ chơi đó, và nói chuyện cho bé quên đi. Ví dụ: Tôi chỉ con gấu bông kia và nói: “Chú gấu này xinh quá, chú mặc bộ đồ màu xanh thật đẹp”. Bé sẽ chú ý ngay và quên đi chuyện trước đó, tôi đã làm rất nhiều lần và lần nào cũng thành công.
Bé hay nhõng nhẽo, hay đòi theo mẹ. Những lúc như vậy tôi sẽ không bế bé ngay, mà để con chơi, chỉ con vào những đồ chơi xung quanh và nói với con về những đồ chơi đó. Chỉ một lúc sau, con tôi đã vui vẻ chơi với những đồ chơi đó mà không đòi mẹ bế nữa.
Đó là một số cách mà tôi đã làm và thấy hiệu quả và muốn chia sẻ với các bà mẹ khác. Vấn đề mà tôi quan tâm bây giờ là làm sao tập cho bé có tính tự giác, trong mọi hoạt động hằng ngày tôi luôn tập cho bé tính tự giác như: khi bé đòi đồ chơi ở xa, tôi không lấy cho bé mà đỡ bé đứng dậy, hoặc để bé bò ra lấy,… Nhưng để con luôn tự giác là điều không phải dễ dàng, tôi mong có nhiều ý kiến chia sẻ của các bà mẹ về vấn đề này.
Ý kiến của Thạc sĩ Tâm lý Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy – Giảng viên ĐH Hoa Sen TP.HCM: “Khi thấy con mình bướng bỉnh, cha mẹ thường cho rằng như thế là không ổn và ngay lập tức muốn trẻ phải thay đổi, muốn con phải nghe theo bất cứ yêu cầu nào của mình. Tuy nhiên, có phải chính cha mẹ cũng muốn sau này lớn lên con cũng có chính kiến riêng của mình, biết bảo vệ ý kiến và không dễ bị bắt nạt, nghe theo lời người khác? Vì vậy, trong sự bướng bỉnh ấy của trẻ cũng có một phần rất tốt mà cha mẹ nên giữ lại, giúp con từ một đứa bé bướng bỉnh thành đứa bé biết quản lý cảm xúc, biết ra quyết định và biết tự giác làm việc.
Trước hết, chính ba mẹ phải là một tấm gương cho trẻ về khả năng kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh trước những hành vi ương bướng của con hay những sự việc khác thay vì la hét, ném đồ đạc. Trẻ bướng bỉnh thường không thích bị người khác sai khiến, vì vậy cho trẻ thêm sự chọn lựa là giải pháp thích hợp. Dĩ nhiên những lựa chọn bạn đưa ra đều là những điều trẻ được phép.
Chúng ta cũng hoàn toàn có thể cho con tham gia góp ý kiến vào những quyết định nho nhỏ của gia đình. Đồng thời, tính tự giác ở trẻ không tự nhiên mà có, cha mẹ cần phải giúp trẻ lập nội quy sinh hoạt và lặp đi lặp lại những công việc ấy nhiều lần để hình thành thói quen.
Khi thói quen đã hình thành, bạn sẽ thấy ở trẻ một sự tự giác trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày. Điều này cũng có nghĩa, cha mẹ đừng vội nóng lòng muốn tập cho con tính tự giác khi con mới chỉ biết bò, trườn hay đi chập chững. Khi con bắt đầu vào mầm non, những sự tác động của chúng ta giúp trẻ tự lập sẽ thích hợp và mang lại hiệu quả hơn nhiều bởi khi đó nhận thức của trẻ cũng đã phát triển hơn và vận động của trẻ cũng đã hoàn thiện.”
Anh Tuấn