Chào bác sĩ, cháu ngoại tôi được 2 tuổi, nặng 12kg, cao 87cm, bé chỉ bú sữa, không biết ăn gì cả dù cả nhà vô cùng cố gắng tập cho bé ăn đủ thứ. Bé không biết cắn, nhai mà chỉ liếm vào đồ ăn. Thấy mọi người ăn cơm thì không sao nhưng thấy mẹ bé ăn cơm là bé có thể nôn hết chỗ sữa đã bú trước đó ½ giờ.
Mẹ cho bé tập ăn cháo với thức ăn xay nhuyễn nhưng bé không há miệng ra. Bé ăn một chén cơm mất hơn 1 giờ. Mẹ bé bị stress nặng, tôi thì lo âu đến nỗi bị bệnh hạ canxi máu. Tôi bối rối không biết phải làm sao giải quyết tình trạng này, bác sĩ tư vấn giúp cho tôi. Cám ơn nhiều.
Trả lời của bác sĩ dinh dưỡng:
Chào bạn,
Chúng tôi hiểu và thông cảm với sự lo lắng, bối rối của bạn và gia đình. Tuy nhiên bạn có thể tạm yên tâm vì hiện tại cân nặng, chiều cao của bé đạt chuẩn – nếu là trai và hơi dư – nếu là gái (trung bình 24 tháng tuổi bé trai nặng 12,2kg, cao 87,8cm; bé gái nặng 11,5kg, cao 86,4cm). Như vậy là hiện tại bé vẫn nhận đủ năng lượng để tăng trưởng. Theo mô tả của bạn có lẽ hiện tại chế độ ăn của bé quá nhiều sữa, và rất nhiều khả năng bé đã được tập ăn bổ sung chưa phù hợp.
Ở lứa tuổi này cho đến (tròn 36 tháng tuổi) trong ngày (24 giờ) bé cần khoảng 500ml sữa (sữa công thức và các sản phẩm từ sữa) và 3 – 4 bữa cơm nát (cháo, mỳ, phở, súp…), có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, tổng tăng dần từ khoảng: 150 – 200g gạo (nếu ăn bún, phở… thì bớt gạo), 130 – 160g thịt (tôm, cá… cách ngày cho bé ăn 1 quả trứng), 30 – 40g dầu (mỡ), rau xanh 200g, quả chín 200g…
Bạn nên xem xét cho bé không chịu nhai chỉ nuốt chửng ăn đầy đủ, cân đối phù hợp với hướng dẫn trên. Bạn lưu ý nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, thay đổi món ăn cho bé, không nên ép bé ăn, cần chia nhỏ bữa ăn, thời gian ăn không quá 30 phút/1 bữa, giảm dần sữa và tăng thức ăn khác từ từ để cân đối, phù hợp với lứa tuổi, không nên căng thẳng mà nên ân cần, giải thích, khuyến khích động viên bé tập ăn từng loại thức ăn mới… Tuyệt đối không nên cho bé uống nước ngọt, ăn bánh kẹo, quả chín quá ngọt trước các bữa ăn.
Nếu tình trạng này của bé không được cải thiện, bạn nên đưa bé gặp bác sĩ để nhận được tư vấn cụ thể hơn!
Hỏi bác sĩ: Bé 18 tháng không chịu nhai chỉ nuốt chửng, phải làm sao?
Chào bác sĩ, con tôi 18 tháng có 8 răng, bé không chịu nhai chỉ nuốt chửng cháo; dù gia đình có tập bằng cách cho cháu ăn thêm thức ăn khác, cháu chỉ cầm bánh, rau củ nhưng không nhai.
Ban đêm thì cháu ngủ ngon nhưng tới gần sáng thì vật vã, khóc mè nheo khoảng một tiếng rồi mới ngủ tiếp. Bác sĩ cho hỏi, với độ tuổi 18 tháng cháu đã ăn cơm được chưa? Và biểu hiện ngủ của cháu có vấn đề gì không? Xin cảm ơn.
Trả lời từ bác sĩ dinh dưỡng:
Chào bạn,
Việc bé 18 tháng chỉ chịu ăn cháo, chưa muốn nhai cơm là bình thường. Bạn có thể đợi thêm, khi con 24 tháng mới cho con ăn cơm. Tuy nhiên, bạn có thể tập cho con nhai bằng cách chế biến thực phẩm cho bé từ mềm tới cứng dần lên, mức độ thô tăng lên, giới thiệu với bé nhiều loại thức ăn khác nhau, từ bánh mềm, quả chín… Mẹ cũng có thể dạy con cách nhai bằng cách vừa làm các điệu bộ nhai vừa kể những câu chuyện, bài hát ngộ nghĩnh gắn với các hình ảnh con vật ăn.
Bạn cũng cần phân biệt giữa việc bé không chịu nhai chỉ nuốt chửng với ngậm thức ăn. Nếu trẻ ngậm, chứng tỏ bé biếng ăn, không thích đồ ăn vì chế biến không vừa miệng, không đổi món. Khi đó, mẹ cần thay đổi thực đơn, làm phong phú các món ăn, gia giảm hợp khẩu vị để kích thích con thèm ăn.
Việc trẻ hay khóc mè nheo, vật vã lúc gần sáng do nhiều nguyên nhân. Có thể khi đó thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp hơn, trẻ lạnh, hoặc bố mẹ đắp chăn khiến con nóng, hay phòng quá bí, trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, đói bụng… Bạn phải kiểm tra lại các yếu tố trên, để tùy từng trường hợp mà điều chỉnh, giúp con ngủ ngon. Nếu được, nên đưa bé đi khám dinh dưỡng để bác sĩ xem xét và đưa ra hướng dẫn cụ thể.
Nguyên nhân của việc bé không chịu nhai chỉ nuốt chửng đa số là do thói quen cho bé ăn của mẹ. Việc bé không nhai chỉ nuốt chửng thức ăn có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, khiến bé chững cân, chậm lớn. Để kích thích việc nhai thức ăn của bé, mẹ cần tập cho bé ăn sớm, đúng bữa, ăn đa dạng món và trang trí món ăn bắt mắt trẻ. Từ đó, đảm bảo cho quá trình phát triển của bé diễn ra thuận lợi.