Bé nhà em 25 tháng nói mới vài từ đơn có bị chậm nói không ạ? Các mẹ chia sẻ em các tips hay để bé nói câu dài được không ạ?
Chuyên gia cảnh báo nguyên nhân học sinh bị ngộ độc thực phẩm
Năm học mới vừa mới bắt đầu nhưng liên tiếp xảy ra hàng loạt các vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại trường học khiến dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm học đường.
Nhà trường xin lỗi vì học sinh đau bụng do ăn bán trú
Liên quan tới việc một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy và một số em phải nhập viện điều trị sau bữa ăn bán trú tại trường trưa ngày 13/10, bà Phạm Minh Thảo – Hiệu trưởng nhà trường vừa có thư ngỏ xin lỗi tới phụ huynh dù chưa xác định được nguyên nhân.
Theo nội dung thư, bà Thảo cho hay, nhà trường đã và đang hợp tác chặt chẽ để xác định nguyên nhân cụ thể, đảm bảo rằng các biện pháp an toàn thực phẩm sẽ được tuân thủ một cách nghiêm ngặt để ngăn ngừa tình huống tương tự. “Sự việc này xảy ra là điều không một ai trong chúng ta mong muốn, nhà trường xin được gửi lời xin lỗi tới quý phụ huynh và mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông”, bà Thảo viết trong thư ngỏ.
Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GDĐT quận Ba Đình, sau khi tiếp nhận thông tin, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo Phòng GDĐT, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, UBND phường, Trạm y tế phường... nắm bắt thông tin, kiểm tra, xác minh bước đầu đồng thời ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra công tác Y tế học đường xuống kiểm tra tại trường Tiểu học Thành Công B.
UBND quận Ba Đình cũng đã chỉ đạo các trường vệ sinh môi trường, khử khuẩn tất cả các trường học trên địa bàn quận. Cụ thể, 64 trường mầm non, tiểu học, THCS cùng 72 lớp mầm non độc lập đã tập trung nhân lực khử khuẩn, tổng vệ sinh trường lớp học, đảm bảo vệ sinh, chống dịch bệnh.
Quận yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai các đơn vị, sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo theo quy định.
Tránh mọi rủi ro về con người
Sự việc trên chỉ là một trong số những vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học thời gian gần đây. Trước đó, 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) cũng bị ngộ độc sau khi ăn bánh ngọt tại lớp. Sau khi điều tra, xác minh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình xác định, khoảng hơn 10h sáng 28/9, lớp tổ chức liên hoan Trung thu cho 37 học sinh.
Thực phẩm gồm 2 bánh bông lan trứng muối đặt tại cơ sở bánh kem ở xã An Ninh (huyện Tiền Hải). Có 28 học sinh ăn, 9 học sinh không ăn. Đến chiều, 28 học sinh có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó 25 học sinh phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, 3 học sinh nhẹ hơn được theo dõi tại nhà.
Theo đánh giá của Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình, nguyên nhân ngộ độc là món bánh bông lan trứng muối, căn nguyên do vi sinh vật.
Tương tự, vào cuối tháng 9, sau khi trải nghiệm làm trà sữa ngay trên lớp, một số học sinh tại một lớp học Trường THPT Pom Hán, TP Lào Cai (Lào Cai) xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, đau đầu. Các em đã kịp thời được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để thăm khám, điều trị và đã ổn định sức khỏe ra viện.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, đặc biệt là các bếp ăn phục vụ đông người.
Theo chuyên gia, thực phẩm có nhiều nguồn nhiễm độc khác nhau. Nhưng ngay sau khi ăn xong, trẻ bị đau bụng, nôn mửa là đã nhiễm độc tố của vi sinh vật do quá trình bảo quản thực phẩm.
Bếp ăn càng đông người thì lượng thực phẩm cần mua và dự trữ càng lớn. Trong quá trình dự trữ có 2 giai đoạn: dự trữ của người cung cấp thực phẩm và dự trữ của cơ sở nấu ăn cho học sinh. Nếu không bảo quản đúng tiêu chuẩn thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm độc là rất lớn, đặc biệt là các thực phẩm giàu protein như thịt, cá.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, với các bữa ăn đông người cần tránh mọi rủi ro về con người từ các khâu: chọn thực phẩm, đơn vị cung ứng sản phẩm; công tác vệ sinh trong tiêu dùng; người tham gia bếp ăn phải bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh; điều kiện bảo quản thực phẩm; dụng cụ chế biến…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, để xảy ra việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm trong trường học cần kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhà trường và người phụ trách bếp ăn. Thậm chí, nếu hậu quả nghiêm trọng cần truy trách nhiệm hình sự với những người liên quan.
Theo Đại Đoàn Kết