🔥 Bài đăng hot nhất

Những triệu chứng mà mẹ bầu thường gặp phải và cách khắc phục

Trong suốt thai kỳ, sản phụ dễ gặp một số vấn đề phổ biến như ốm nghén, chuột rút, rạn da, táo bón, són tiểu… Đây là các biểu hiện bình thường có thể xử trí được.

Sau đây là những triệu chứng mà mẹ bầu thường gặp phải và cách khắc phục.

1. Thay đổi bầu ngực

Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ nhận thấy một số thay đổi ở bầu ngực. Ngực của bạn sẽ tăng kích thước khi các tuyến sữa và mô mỡ phát triển, gây ra tình trạng căng tức. Các tĩnh mạch có màu xanh cũng có thể xuất hiện khi lượng máu tăng lên. Núm vú có thể bị sẫm màu, và đôi khi chảy một chất lỏng đặc gọi là sữa non. Tất cả những thay đổi này đều là bình thường.

Lời khuyên:

  • Mặc áo ngực dành riêng cho bà bầu, làm từ cotton hoặc sợi tự nhiên, với kích cỡ vừa vặn, chắc chắn mà không gây kích ứng núm vú;
  • Thử mặc áo ôm ngực thoải mái vào ban đêm;
  • Nhét một chiếc khăn bông hoặc miếng gạc vào áo ngực để thấm dịch chảy ra từ núm vú.
  • Rửa ngực bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để không làm khô da.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

Bắt đầu

2. Mệt mỏi

Thai nhi đang lớn dần đòi hỏi người mẹ cần thêm năng lượng nên dễ bị mệt mỏi. Đôi khi mệt mỏi cũng là dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt - một vấn đề thường gặp khi mang thai.

Lời khuyên:

  • Nghỉ ngơi nhiều, ngủ sớm hơn và ngủ trưa;
  • Sinh hoạt điều độ;
  • Cân bằng vận động với nghỉ ngơi;
  • Tập thể dục vừa phải hàng ngày;
  • Đến bệnh viện kiểm tra thiếu máu thiếu sắt thường xuyên.

3. Buồn nôn hoặc ói mửa

Buồn nôn hoặc ói mửa là triệu chứng rất phổ biến khi mang thai, được gọi chung là ốm nghén. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố (hormone) trong thai kỳ và thường xảy ra vào giai đoạn sớm khi cơ thể chưa thích nghi.

Buồn nôn thường biến mất vào tháng thứ 4 mang thai, mặc dù vẫn có trường hợp kéo dài trong suốt 9 tháng. Buồn nôn có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng nặng nhất là vào buổi sáng - khi dạ dày trống.

Lời khuyên:

  • Ăn thực phẩm khô như ngũ cốc, bánh mì nướng hoặc bánh quy trước khi ra khỏi giường mỗi sáng;
  • Ăn một bữa nhẹ giàu protein với thịt nạc hoặc phô mai trước khi đi ngủ;
  • Nếu đói nhưng lại buồn nôn, hãy thử ăn chuối, gạo và uống trà gừng, cũng như các thực phẩm có vị nhạt;
  • Chia nhiều bữa nhỏ để ăn nhẹ mỗi 2-3 giờ, ăn chậm và nhai kỹ;
  • Liên tục uống một ít nước ép trái cây mát trong suốt cả ngày. Tránh uống một cốc lớn cùng một lúc;
  • Tránh thức ăn cay, chiên, dầu mỡ hoặc có mùi mạnh;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng vitamin B6, các phương pháp điều trị tự nhiên và thuốc theo toa khác nếu muốn dùng thử;
  • Đến bệnh viện ngay nếu nôn mửa liên tục hoặc nghiêm trọng đến mức không thể kiểm soát.

4. Đi tiểu nhiều khi mang thai

Tử cung đang phát triển lớn dần làm chèn ép bàng quang, khiến thai phụ đi tiểu nhiều khi mang thai trong 3 tháng đầu. Tình trạng này sẽ lặp lại một lần nữa trong 3 tháng cuối khi đầu của thai nhi di chuyển xuống xương chậu trước ngày sinh.

Lời khuyên:

  • Không mặc đồ lót hoặc quần dài bó sát;
  • Nếu cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu cần đến bệnh viện điều trị ngay.

5. Đau đầu khi mang thai

Nhức đầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời kỳ thai nghén. Nguyên nhân là do căng thẳng, sung huyết, táo bón hoặc trong một số trường hợp tiền sản giật (được phát hiện sau 20 tuần).

Lời khuyên:

  • Đặt một túi nước đá lên trán hoặc sau gáy;
  • Nghỉ ngơi, ngồi hoặc nằm yên trong phòng tối. Nhắm mắt và cố gắng thư giãn lưng, cổ và vai;
  • Thuốc Acetaminophen không kê đơn (Tylenol) có thể hiệu quả. Nhưng nếu những cơn đau đầu khi mang thai dai dẳng, nghiêm trọng, khiến bạn buồn nôn hoặc ảnh hưởng đến thị lực thì cần trình bày với bác sĩ.

6. Chảy máu và sưng nướu

Sự thay đổi tuần hoàn máu và nồng độ hormone có thể làm cho nướu của bạn mềm và sưng, khiến chúng dễ chảy máu hơn. Nhiều thai phụ cũng dễ bị chảy máu mũi.

Lời khuyên:

  • Thăm khám nha khoa sớm trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Gặp nha sĩ nếu nhận thấy vấn đề bất thường;
  • Đánh răng thường xuyên và súc miệng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn.

7. Táo bón

Hormone, các vitamin và chất sắt bổ sung có thể khiến thai phụ khó đi đại tiện hoặc đi không thường xuyên. Áp lực của tử cung lên trực tràng cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón.

Lời khuyên:

  • Bổ sung nhiều chất xơ (như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả) vào chế độ ăn uống;
  • Uống ít nhất 6-8 ly nước và 1-2 ly nước ép trái cây mỗi ngày. Nên uống nước ấm, đặc biệt là vào buổi sáng;
  • Tập thể dục hàng ngày;
  • Tránh căng thẳng khi đi đại tiện;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân.

8. Chóng mặt, choáng váng

Chóng mặt có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ giữa đến cuối thai kỳ. Tử cung đang phát triển cũng cần nhiều máu hơn. Điều này có thể gây giảm huyết áp, đặc biệt là khi thay đổi tư thế - và khiến bạn chóng mặt.

Lời khuyên:

  • Không nên đứng yên trong thời gian dài;
  • Nằm nghiêng về bên trái khi nghỉ ngơi giúp máu lưu thông khắp cơ thể;
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, đứng lên chậm rãi sau khi ngồi lâu;
  • Ăn thường xuyên các bữa nhỏ trong suốt cả ngày để ngăn ngừa hạ đường huyết;
  • Uống nhiều nước.

9. Khó ngủ

Việc tìm được một tư thế để nghỉ ngơi thoải mái sẽ trở nên rất khó khăn vào giai đoạn sau của thai kỳ.

Lời khuyên:

  • Không nên uống thuốc ngủ, thay vào đó hãy thử uống sữa ấm trước khi lên giường;
  • Tắm nước ấm hoặc ngâm bồn trước khi đi ngủ;
  • Sử dụng thêm gối hỗ trợ bà bầu trong khi ngủ để hạn chế căng cơ và nâng đỡ thoải mái;
  • Nên nằm nghiêng bên trái để cải thiện lưu thông máu trên khắp cơ thể.

10. Ợ nóng hoặc khó tiêu

Chứng ợ nóng là cảm giác nóng rát bắt đầu trong dạ dày và gần như dâng lên đến cổ họng. Khi mang thai, việc thay đổi nồng độ hormone làm chậm hệ tiêu hóa, suy yếu cơ thắt dạ dày và tử cung, có thể gây tắc nghẽn dạ dày. Chính những yếu tố này đã đẩy axit dạ dày lên cao.

Lời khuyên:

  • Ăn chậm và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn;
  • Uống nước hoặc sữa ấm;
  • Tránh đồ chiên, cay, hoặc ăn quá nhiều những món khó tiêu;
  • Không nằm xuống ngay sau khi ăn;
  • Kê đầu cao hơn chân hoặc đặt gối dưới vai để ngăn axit dạ dày trào lên cổ họng;
  • Không trộn thực phẩm béo và đồ ngọt, chất lỏng và rắn trong một bữa ăn;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc như Tums, Maalox, Titralac, Mylanta, Riopan hoặc Gaviscon.

11. Bệnh trĩ

Trĩ là tình trạng các tĩnh mạch sưng thành cục u, gây đau đớn ở hậu môn. Khi mang thai, trĩ có thể hình thành do thai nhi đang lớn làm tăng áp lực lên trực tràng và âm đạo.

Lời khuyên:

  • Cố gắng giảm táo bón để hạn chế nguy cơ bị trĩ hoặc khiến trĩ đau đớn hơn;
  • Tránh ngồi hoặc đứng lâu, thay đổi tư thế thường xuyên;
  • Đừng căng thẳng, rặn quá nhiều khi đi đại tiện;
  • Chườm lạnh hoặc tắm nước ấm một vài lần mỗi ngày;
  • Tránh mặc đồ lót hoặc quần bó sát.

12. Giãn tĩnh mạch

Mang thai có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu, làm to hoặc sưng tĩnh mạch ở chân của bạn. Một số cách để phòng ngừa như:

  • Tránh đứng hoặc ngồi yên trong thời gian dài. Điều quan trọng là cần di chuyển thường xuyên;
  • Tránh tạo tư thế làm hạn chế lưu thông máu ở chân, ví dụ bắt chéo chân khi ngồi;
  • Kê cao chân và bàn chân trong khi ngồi;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Mang vớ hỗ trợ cho người giãn tĩnh mạch, nhưng tránh bó chân quá chặt.

13. Chuột rút chân

Tử cung đang phát triển có thể tạo ra áp lực và gây chuột rút hoặc đau nhói ở chân.

Lời khuyên:

  • Ăn và uống thực phẩm giàu canxi, như sữa, bông cải xanh hoặc phô mai;
  • Mang giày gót thấp, vừa vặn và thoải mái;
  • Mang vớ hỗ trợ nhưng không bó quá chật;
  • Kê cao chân khi ngồi và tránh bắt chéo chân;
  • Tập thể dục hàng ngày;
  • Làm động tác duỗi chân trước khi đi ngủ;
  • Tránh nằm ngửa, vì trọng lượng của cơ thể và áp lực của tử cung mở rộng có thể cản trở lưu thông máu ở chân, từ đó gây ra chuột rút;
  • Nhẹ nhàng kéo căng phần cơ bắp đang bị chuột rút, duỗi thẳng chân, uốn cong bàn chân và kéo ngón chân về phía thân người;
  • Massage hoặc chườm nóng vào vùng bị đau.

14. Nghẹt mũi

Hormone thai kỳ sẽ làm khô niêm mạc mũi, làm cho mũi bị viêm và sưng. Do đó thai phụ có thể bị nghẹt mũi hoặc cảm thấy như bị cảm lạnh.

Lời khuyên:

  • Chườm khăn thấm nước ấm lên má, mắt và mũi để giảm nghẹt;
  • Tránh sử dụng thuốc xịt mũi trừ khi có chỉ định của bác sĩ;
  • Uống nhiều nước (ít nhất 6-8 ly/ngày) để làm loãng chất nhầy;
  • Kê thêm 1 chiếc gối trong khi ngủ để nâng cao đầu, ngăn chất nhầy làm tắc cổ họng;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc phun sương trong phòng;
  • Tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn.

15. Khó thở

Khó thở có thể xảy ra do tăng áp lực từ tử cung và thay đổi chức năng sinh lý của phổi

Lời khuyên:

  • Đi bộ chậm và thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi một lát;
  • Tránh nằm ngửa và cố gắng ngủ với tư thế kê cao đầu;
  • Nếu khó thở kéo dài liên tục hoặc bạn cảm thấy đau nhói khi hít vào, hãy gặp bác sĩ ngay vì bạn có nguy cơ bị thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi).

16. Rạn da

Vết rạn da là mô sẹo hình thành khi độ đàn hồi bình thường của da không đủ cho sự kéo căng của tăng cân thai kỳ. Vết rạn thường xuất hiện ở bụng, ngực, mông hoặc đùi, và không thể ngăn ngừa. Mặc dù không biến mất hoàn toàn, song vết rạn da sẽ mờ dần sau khi sinh.

Lời khuyên:

  • Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho làn da khỏe mạnh (đặc biệt là vitamin C và E);
  • Thoa kem dưỡng da giúp làm mềm và giảm khô;
  • Tập thể dục hàng ngày.

17. Sưng chân và bàn chân

Tử cung đang phát triển tạo ra áp lực lên các mạch máu ở phần dưới cơ thể và gây ứ nước. Kết quả là sưng (phù) ở chân và bàn chân.

Lời khuyên:

  • Không đứng yên một chỗ trong thời gian dài;
  • Uống nhiều nước;
  • Tránh thực phẩm chứa nhiều muối (natri);
  • Kê cao chân và bàn chân trong khi ngồi. Tránh bắt chéo chân;
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh làm chậm lưu thông và tăng lưu giữ chất lỏng;
  • Không mang giày chật, chọn giày gót thấp, rộng;
  • Ăn uống giàu protein để hạn chế ứ nước;
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bàn tay hoặc khuôn mặt của bạn cũng bị sưng lên. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật;

Nằm nghiêng khi nghỉ ngơi để giúp tăng lưu lượng máu đến thận.

18. Tiết dịch âm đạo

Thông thường, dịch tiết âm đạo sẽ tăng lên trong thai kỳ do nguồn cung cấp máu và hormone lớn hơn. Dịch âm đạo bình thường có màu trắng hoặc trong, không gây kích ứng và không mùi. Trên quần lót của thai phụ có thể có vết khô màu vàng.

Lời khuyên:

  • Chọn đồ lót bằng cotton hoặc sợi tự nhiên;
  • Tránh quần jean hoặc quần dài bó sát;
  • Không thụt rửa sâu để tránh đưa không khí vào hệ tuần hoàn hoặc phá vỡ túi ối;
  • Làm sạch vùng kín thường xuyên bằng xà phòng và nước;
  • Lau khô từ trước ra sau;
  • Gặp bác sĩ nếu cảm thấy ngứa, rát kích ứng hoặc sưng vùng kín, hay dịch tiết có mùi hôi, chảy máu, màu vàng hoặc xanh lá cây. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

19. Đau lưng

Đau lưng thường do áp lực đặt lên cơ lưng, thay đổi nồng độ hormone và tư thế không phù hợp.

Lời khuyên:

  • Mang giày gót thấp (nhưng không quá bằng phẳng để tránh trơn trượt);
  • Tránh nâng vật nặng;
  • Ngồi xổm xuống khi nhặt đồ lên thay vì cúi mình xuống;
  • Không đứng yên một chỗ trong thời gian dài. Nếu cần thiết hãy đặt một chân lên ghế hoặc hộp để gác tạm;
  • Ngồi ghế tựa hỗ trợ lưng, hoặc đặt một chiếc gối nhỏ phía sau. Đồng thời, đặt bàn chân lên chỗ gác;
  • Kiểm tra xem giường nệm có bị giảm chất lượng hay không thoải mái không;
  • Nằm nghiêng bên trái và ôm gối giữa hai chân khi ngủ;
  • Chườm nóng vào lưng, ngâm mình trong nước ấm hoặc vòi hoa sen, massage lưng;
  • Thực hiện các bài tập theo lời khuyên của bác sĩ giúp cơ lưng mạnh mẽ hơn và giảm đau nhức;
  • Liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị đau lưng thấp xung quanh dạ dày, và không thuyên giảm trong vòng một giờ sau khi đã đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi. Đây có thể là một dấu hiệu của chuyển dạ sớm.

20. Đau bụng hoặc khó chịu

Những cơn đau nhói, đột ngột xuất hiện ở hai bên dạ dày của bạn có thể là do căng giãn các mô để hỗ trợ tử cung đang lớn dần. Cơn đau này cũng có thể lan xuống đùi và chân của thai phụ.

Lời khuyên:

  • Thay đổi tư thế hoặc vận động cho đến khi cảm thấy thoải mái, tránh vặn người quá nhanh, đột ngột;
  • Cúi người về phía trước để giảm áp lực và thư giãn các mô nếu bị đau nhói ở bụng;
  • Chườm nóng, đắp chăn sưởi, hoặc tắm nước ấm;
  • Thử các động tác massage;
  • Uống đủ nước;
  • Có thể dùng Tylenol (acetaminophen);
  • Gặp bác sĩ nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc liên tục hoặc nếu mang thai dưới 36 tuần và có dấu hiệu chuyển dạ (chuột rút nhiều lần như co thắt).

21. Cơn gò chuyển dạ giả

Các cơ tử cung sẽ co lại (thắt chặt) ngay từ tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ. Các cơn co thắt không đều, không thường xuyên được gọi là cơn co thắt Braxton-Hicks. Đây là những dấu hiệu bình thường trong thai nghén.

Lời khuyên:

  • Cố gắng thư giãn;
  • Thay đổi tư thế để làm giảm các cơn co thắt;
  • Gọi cho bác sĩ nếu tử cung co thắt không ngừng.

Trên đây là những triệu chứng mà mẹ bầu thường gặp phải và cách khắc phục. Trải nghiệm thai nghén của mỗi phụ nữ là duy nhất, vì vậy bạn có thể không gặp hết tất cả những triệu chứng khó chịu, mệt mỏi khi mang thai được mô tả trong bài viết này. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào đáng lo ngại, hãy trình bày sớm với bác sĩ sản khoa.

Những triệu chứng mà mẹ bầu thường gặp phải và cách khắc phục
Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
4
4
5

Mẹ bầu khi mang thai vốn dĩ gặp rất nhiều khó khăn và vất vả, chẳng hạn như ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên, đau lưng trong tam cá nguyệt thứ hai, và bị mất ngủ thường xuyên trong tam cá nguyệt thứ ba

3 tháng trước
Thích
Trả lời

khi mang thai mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lí và kết hợp với tập thể dục nhẹ nhàng vừa phải để cơ thể vận động, giãn cơ. tốt cho sức khỏe của mẹ và bé nha

3 tháng trước
Thích
Trả lời

khổ thân mẹ bầu, đọc mới thương mẹ mình biết nhường nào, ngày xưa mẹ mang thai mình chăc cũng khó khăn như này

3 tháng trước
Thích
Trả lời

mang thai đúng là nhiều triệu chứng thế này

3 tháng trước
Thích
Trả lời

Toàn những kiến thức cơ bản mà các mẹ cần phải biết thôi.

3 tháng trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!