Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Trần Nguyễn Thục Uyên
Thông tin kiểm chứng bởi Huỳnh Phong
Cập nhật 3 ngày trước

Những điều cần biết về bệnh thủy đậu

Những điều cần biết về bệnh thủy đậu
Người bị bệnh thủy đậu thường khỏi sau khoảng 2 - 3 tuần, nhưng có một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm.

Vậy các biến chứng có thể xảy ra khi bị bệnh thủy đậu là gì? Mức độ nguy hiểm như thế nào và làm sao để phòng ngừa? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về bệnh thủy đậu và các biến chứng của nó.

Bệnh thủy đậu là gì?

Thủy đậu (Chickenpox) là một loại bệnh nhiễm trùng do vi rút varicella-zoster gây ra. Bệnh có thể nhận thấy qua tình trạng phát ban ngứa, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ chứa đầy dịch trên da. Thủy đậu từng là một vấn đề phổ biến, nhưng ngày nay việc tiêm phòng vắc-xin đã giúp ít người mắc phải căn bệnh này hơn.

Nguyên nhân gây bệnh thuỷ đậu

Thủy đậu là bệnh do vi-rút varicella-zoster (VZV) gây ra. Vi rút này có kích thước khoảng 150- 200nm (nanomet), và có nhân là DNA. Khi một người đã nhiễm phải loại vi-rút này, nó vẫn sẽ nằm ở trong các tế bào thần kinh của người bệnh, ngay cả sau khi họ đã khỏi bệnh. Về sau, vi-rút varicella-zoster có thể tái hoạt động và gây ra các triệu chứng khác như bệnh zona (giời leo).

Theo một nghiên cứu của Đại học Miami (Mỹ), hơn 90% số người chưa tiêm vắc-xin có thể bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Bệnh chủ yếu lây lan từ những người bị thủy đậu sang những người chưa từng mắc bệnh. Thủy đậu là bệnh lây lan rất nhanh và bạn có thể sẽ nhiễm bệnh khi:

  • Chạm vào chất dịch từ mụn nước thủy đậu.
  • Nếu ai đó mắc bệnh ho hoặc hắt hơi gần bạn.

Bệnh thủy đậu là gì?

Triệu chứng bệnh thuỷ đậu qua từng giai đoạn

Nhìn chung, có 4 giai đoạn của bệnh thủy đậu và biểu hiện phát bệnh trong từng giai đoạn cũng sẽ khác nhau.

1. Giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn khi bạn vừa nhiễm vi-rút và thời gian này thường kéo dài từ 10 – 20 ngày. Người bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết rằng bạn đã bị bệnh.

2. Giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Sau giai đoạn ủ bệnh, cơ thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng giống cúm như: sốt, đau họng, đau đầu, chán ăn và mệt mỏi; đây chính là giai đoạn mà bệnh bắt đầu khởi phát. Ngoài ra, trên da bạn lúc này cũng bắt đầu xuất hiện những nốt phát ban đỏ có đường kính vài milimet. Giai đoạn này sẽ kéo dài từ 1 – 2 ngày.

3. Giai đoạn bệnh

Ở giai đoạn này, bạn sẽ sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ và mụn nước sẽ xuất hiện trên mặt, ngực và lưng bạn, sau đó lan ra phần còn lại của cơ thể. Các mụn nước này có đường kính từ 1 – 3 mm, gây ngứa, rát và khó chịu cho người bệnh. Một số trường hợp bị nhiễm trùng thì mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong có màu đục do chứa mủ.

Các giai đoạn của bệnh thùy đậu
Giai đoạn bệnh thủy đậu chính thức thường kéo dài khoảng 4-7 ngày.

4. Giai đoạn hồi phục

Sau khi bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày, các mụn nước vỡ dần, khô lại và bong vảy. Nếu diễn tiến của bệnh có chiều hướng tích cực và không có biến chứng gì thì các mụn nước sẽ khô, bong vảy và không để lại sẹo. Trừ khi người bệnh gãi mạnh làm bong tróc da, nhiễm trùng các vết mụn nước thì như vậy có thể sẽ để lại sẹo vĩnh viễn.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu thường được coi là nhẹ và có thể khỏi sau 2 tuần nếu được điều trị đúng cách, ít khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và cũng không chăm sóc y tế thì bệnh có thể sẽ trở nặng và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

  • Cổ bị cứng lại.
  • Gặp khó khăn khi đi bộ.
  • Đau bụng, nôn và tiêu chảy nặng.
  • Khó để thức dậy hoặc thấy bối rối.
  • Sốt cao trên 39 độ và kéo dài hơn 3 ngày.
  • Không kiểm soát được hành vi, lú lẫn, co giật.
  • Mụn nước nổi dày đặc và lan rộng khắp cơ thể.
  • Đau đầu dữ dội, khó thở và không kiểm soát được cơn ho.
  • Phát ban hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể trở nên rất đỏ, ấm hoặc đau, hoặc bắt đầu rỉ mủ (chất lỏng đặc, đổi màu).

Chẩn đoán bệnh thủy đậu – Cách nhận biết và các xét nghiệm cần thiết

Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu chủ yếu dựa vào việc bác sĩ quan sát tình trạng của bạn như: tình trạng phát ban, tình trạng tiêm vắc xin, bệnh sử về thuỷ đậu, thời gian lây nhiễm vi rút…

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm như: bạch cầu máu ngoại vi giảm, lympho bào tăng, miễn dịch huỳnh quang, soi tìm vi rút, phân lập vi rút, xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh…

Ở đa số trường hợp, bạn không cần phải thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào, tuy nhiên bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm bổ sung trong trường hợp:

  • Bạn đang mang thai.
  • Bạn có các triệu chứng không điển hình. Đó là khi bác sĩ nghi ngờ bạn đã bị thủy đậu, nhưng bạn lại không có các triệu chứng điển hình như phát ban.
  • Bạn mắc thủy đậu ở mức độ nhẹ. Trong những trường hợp này, bạn có thể chỉ bị những nốt đỏ nhỏ, không phồng rộp và cũng không có các dấu hiệu điển hình của thủy đậu. Vì thế bác sĩ vẫn sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm để xác định bệnh và chữa trị phù hợp.
  • Bạn đã tiêm vắc-xin. Người đã tiêm vắc-xin thủy đậu vẫn có khả năng nhiễm bệnh, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm. Vì vậy bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm để chắc chắn bạn đã mắc thủy đậu.

Điều trị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu cho đến nay vẫn chưa có thuốc hay phương pháp đặc trị. Vì vậy bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ có thể quan sát triệu chứng và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Thông thường, có một số loại thuốc điều trị mà bác sĩ sẽ kê như sau:

1. Thuốc kháng vi-rút

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê cho bạn đơn thuốc kháng vi-rút để ngăn chặn sự gia tăng của virus Varicella Zoster trong cơ thể. Trong đó, acyclovir là loại thuốc thường dùng để điều trị thủy đậu. Công dụng của nó là giảm tình trạng nhiễm trùng, từ đó giúp rút ngắn thời gian bệnh, giảm số lượng mụn nước và giảm nguy cơ phát triển thành các biến chứng.

Trường đại học Y tế Fujita (Nhật Bản) đã nghiên cứu 50 trẻ em Nhật Bản về việc dùng acyclovir trong thời gian bị thủy đậu. Kết quả cho thấy trong số 25 trẻ em sử dụng acyclovir, chỉ có 16% phát triển thành bệnh và 4% có dấu hiệu sốt. Mặt khác, 100% trẻ em không sử dụng acyclovir đều phát bệnh thủy đậu và 68% bị sốt. Từ đó cho thấy uống acyclovir vào giai đoạn muộn của thời kỳ ủ bệnh có thể ngăn ngừa hoặc điều trị thủy đậu.

Acyclovir thường có hiệu quả hơn khi sử dụng sớm. Tốt nhất là bạn nên bắt đầu dùng thuốc trong vòng 1 ngày sau khi nhận thấy tình trạng phát ban trên da.

2. Uống thuốc giảm đau không kê đơn

Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều khó chịu, vì vậy người bệnh có thể uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol để giảm sốt, đau đầu và đau cơ. Đặc biệt, bố mẹ lưu ý không dùng thuốc có chứa aspirin cho trẻ em, vì nó có thể gây ra biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến gan và não của trẻ.

Thay vào đó, bạn có thể sử dụng acetaminophen cho bé. Ngoài ra, thuốc kháng viêm ibuprofen cũng không được khuyến khích trong việc điều trị bệnh thủy đậu cho cả người lớn và trẻ em.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh – NHS, người bị thủy đậu không nên uống ibuprofen vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng và phản ứng da.

3. Kem dưỡng da calamine

Bên cạnh việc uống thuốc, người bệnh có thể thoa kem dưỡng da calamine để làm dịu đi những triệu chứng ngoài da. Loại kem này có tác dụng giảm ngứa, đau và khó chịu khi da bị kích ứng nhẹ. Để sử dụng calamine, bạn hãy thấm ướt bông gạc với kem dưỡng da, nhẹ nhàng bôi vào vùng da bị bệnh và để thuốc khô lại.

Ngoài những loại thuốc như trên, bạn nên lưu ý kết hợp với các bước dưới đây để tránh bệnh tình trở nên nặng hơn, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi được nhanh chóng:

  • Mặc quần áo mát, nhẹ, rộng rãi.
  • Tránh tiếp xúc lâu với nhiệt độ và độ ẩm cao.
  • Tắm nước mát có thêm baking soda hoặc yến mạch để làm dịu cơn ngứa.
  • Cắt ngắn móng tay và hạn chế gãi vào vết thương. Nếu vô tình gãi trúng, bạn hãy rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây.
Điều trị bệnh thủy đậu
Bạn nên kết hợp việc dùng thuốc và một số lưu ý như trên để giúp quá trình phục hồi bệnh thủy đậu được hiệu quả.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

Cho đến nay, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thủy đậu là tiêm vắc-xin thủy đậu, còn gọi là vắc-xin varicella. Theo báo cáo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh – NHS, sau khi tiêm đủ 2 mũi, vắc-xin thủy đậu có khả năng bảo vệ khoảng 98% ở trẻ em và khoảng 75% ở người lớn khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.

  • Lịch tiêm chủng vắc-xin thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi, gồm 2 mũi:
    • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
    • Mũi 2: 3 tháng sau mũi 1 (ưu tiên) hoặc hẹn mũi 2 lúc 4-6 tuổi
  • Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn, gồm 2 mũi:
    • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
    • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 01 tháng.

Đặc biệt, bạn phải hạn chế tiếp xúc với người bệnh để tránh nguy cơ bị lây nhiễm. Bạn không nên sử dụng chung đồ dùng, ở chung phòng hoặc tiếp xúc gần người bệnh. Trong trường hợp phải tiếp xúc, bạn cần đeo khẩu trang, che chắn kĩ để ngăn vi-rút lây nhiễm.

Ngoài ra, bạn cũng nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bản thân và môi trường sống, ăn uống đủ chất và tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng trước nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu
Phòng ngừa bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin

Câu hỏi thường gặp

Bệnh thuỷ đậu có lây không?

Câu trả lời là có. Bệnh thủy đậu sẽ lây truyền qua những con đường sau:

  • Lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp.
  • Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch.
  • Lây trong không khí từ dịch tiết đường hô hấp (ho, hắt hơi…) hoặc dịch của mụn nước.

Ai có nguy cơ cao mắc các biến chứng của thủy đậu?

Những người có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng khác của thủy đậu bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh.
  • Thanh thiếu niên.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thuỷ đậu có thể gặp?

Mặc dù hầu hết người bệnh thủy đậu sẽ phục hồi nhanh chóng, căn bệnh này vẫn có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Mất nước.
  • Biến chứng xuất huyết.
  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi).
  • Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết).
  • Nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, chứng mất điều hòa tiểu não).
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn ở da và mô mềm ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Nghiên cứu Y tế (Ấn Độ), trẻ sơ sinh nhiễm phải thủy đậu có tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Nốt thủy đậu bị bội nhiễm có dấu hiệu như thế nào?

Thuỷ đậu bội nhiễm là hiện tượng nốt mụn nước bị mưng mủ, chảy dịch, ngứa và đau. Lưu ý rằng tình trạng này có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng ở một số các cơ quan nội tạng. Một số biểu hiện cho thấy bạn đã bị thủy đậu bội nhiễm là:

  • Sốt cao bất thường, lạnh run và nôn ói.
  • Tiết ra dịch mủ màu vàng, đục và có mùi hôi.
  • Vết thương bị vỡ có thể bị loét sâu hoặc hoại tử.
  • Ửng đỏ, sưng to, đau nhức, nóng rát ở mụn nước.

Giai đoạn phục hồi của bệnh thủy đậu trông như thế nào?

Trong giai đoạn phục hồi của bệnh thủy đậu, các mụn nước sẽ vỡ ra và khô lại, tạo thành vảy và từ từ tróc ra. Sau khi mụn nước bong ra có thể để lại sẹo trên da của bạn.

Bị bệnh thủy đậu kiêng gì?

Để có thể chữa trị hiệu quả nhất, người bệnh không nên làm những việc sau đây:

  • Đến nơi đông người, dùng chung đồ cá nhân với người khác: để tránh lây bệnh cho những người khác.
  • Gãi vào vết thương: để tránh nhiễm trùng và cản trở quá trình phục hồi.
  • Ăn thức ăn cay, có tính axit, mặn, cứng: để tránh động vào những vết thương có thể xảy ra trong miệng.

Người bị bệnh thủy đậu rồi có thể bị lại không?

Hầu hết những người đã từng mắc bệnh thủy đậu sẽ không tái nhiễm. Bởi cơ thể lúc này đã tạo ra hệ thống miễn dịch đối với bệnh. Tuy nhiên, vi-rút sẽ đi sâu vào mô thần kinh và tồn tại ở đó. Về sau, nó có thể tái hoạt động để gây ra bệnh zona (giời leo) ở người trưởng thành.

Kết luận

Như vậy, bài viết đã chỉ ra những thông tin mà bạn cần biết về bệnh thủy đậu. Nếu đang mắc bệnh, bạn nên tuân theo những chỉ dẫn trên để có thể phục hồi nhanh nhất nhé!

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

About Chickenpox

https://www.cdc.gov/chickenpox/about/index.html 

Ngày truy cập: 5/12/2024

How to Treat Chickenpox

https://www.cdc.gov/chickenpox/treatment/index.html 

Ngày truy cập: 5/12/2024

Chickenpox

https://www.nhs.uk/conditions/chickenpox/ 

Ngày truy cập: 5/12/2024

Chickenpox 

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/chickenpox#:~:text=Most%20people%20who%20have%20had,case%20of%20chickenpox%20does%20happen

Ngày truy cập: 5/12/2024

Chickenpox

https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/chickenpox 

Ngày truy cập: 5/12/2024

x