Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Lan Quan
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên
Cập nhật 10/07/2024

Táo bón khi mang thai 3 tháng đầu là do đâu, có nguy hiểm không?

Táo bón khi mang thai 3 tháng đầu là do đâu, có nguy hiểm không?
Táo bón khi mang thai 3 tháng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, gây ra các cơn đau bụng, khó chịu, đại tiện ra máu… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ bầu.

Táo bón khi mang thai là một trong những triệu chứng thường gặp, khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi. Tình trạng này thường bắt đầu xuất hiện kể từ tháng thứ hai, thứ ba của thai kỳ. Vậy mẹ bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu là do đâu, có nguy hiểm không, làm thế nào để khắc phục?

Nhận diện các dấu hiệu táo bón khi mang thai 3 tháng đầu

Các dấu hiệu táo bón khi mang thai 3 tháng đầu cũng giống như các dấu hiệu táo bón ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, chẳng hạn như:

  • Đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần
  • Phân cứng, khô hoặc vón cục như phân dê
  • Cảm thấy bụng chướng, đầy hơi
  • Phân khó đi hoặc đau khi đi đại tiện, thậm chí là bị chảy máu
  • Cảm giác sau khi đi đại tiện không thể tống xuất hết phân ra ngoài…
  • Các triệu chứng táo bón khi mang thai của mẹ bầu có thể trầm trọng hơn khi thai kỳ bước vào tam cá nguyệt thứ ba. Đôi khi, việc mẹ bầu bị táo bón có thể dẫn đến tình trạng nứt hậu môn hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ khi mang thai (nếu có).

    Táo bón khi mang thai hay cụ thể là táo bón khi mang thai 3 tháng đầu thường không nghiêm trọng nhưng đây có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe khác. Do đó, các mẹ bầu nên đi khám sớm, nếu:

    • Bị táo bón nghiêm trọng
    • Phân có lẫn dịch nhầy hoặc máu
    • Kèm theo triệu chứng đau bụng
    • Đôi khi có thêm tình trạng tiêu chảy.

    Táo bón khi mang thai có nguy hiểm không?

    Theo các chuyên gia sản khoa, việc bà bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu, bị táo bón khi mang thai không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thai kỳ và chất lượng cuộc sống. Tình trạng táo bón khi mang thai kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, gây ra các cơn đau bụng, khó chịu, đại tiện ra máu, đau rát hậu môn… Ngoài ra, táo bón trong thời gian dài còn khiến chị em bầu bí mệt mỏi, chán ăn… có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.

    Bà bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân do đâu?

    Bà bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu do viên uống bổ sung sắt
    Viên uống bổ sung sắt – thủ phạm khiến mẹ bầu bị táo bón

    Theo các chuyên gia sức khỏe, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai và thói quen sinh hoạt – ăn uống hàng ngày của mẹ bầu có thể làm tăng nguy cơ táo bón, nhất là bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng cuối. Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai bao gồm:

    • Nồng độ progesterone tăng lên khi mang thai: Khi mang thai, cơ thể sẽ sản xuất nhiều hormone progesterone hơn. Một trong những tác dụng chính của progesterone là giãn các cơ trơn, đảm bảo cho thai nhi phát triển an toàn trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, progesterone cũng làm giảm nhu động ruột khiến phân lưu lại trong đường ruột lâu hơn. Điều này khiến lượng nước trong phân bị ruột già hấp thụ trở lại cơ thể làm cho phân trở nên cứng và khô khiến bạn gặp khó khăn khi đi tiêu.
    • Tác dụng phụ của viên uống bổ sung sắt: Trong thai kỳ, chị em bầu bí cần khoảng 27-30 mg sắt mỗi ngày nên phải bổ sung chất sắt từ thực phẩm và viên uống vitamin trước khi sinh. Tuy nhiên, việc bổ sung sắt có thể khiến vi khuẩn trong ruột khó phân hủy thức ăn hơn. Bên cạnh đó, thói quen uống không đủ nước có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, làm chất thải tích tụ nhiều trong đường ruột khiến bạn bị táo bón.
    • Ít vận động thể chất: Theo các chuyên gia, thời gian đầu mang thai, các mẹ thường khá cẩn thận trong việc đi lại, vận động. Nhiều mẹ bầu thậm chí cắt hẳn các hoạt động thể chất hằng ngày vì lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi (động thai, sảy thai). Điều này vô tình làm giảm nhu động ruột, là nguyên nhân dẫn tới táo bón khi mang thai 3 tháng đầu.
    • Chế độ ăn uống: Hầu hết chị em bầu bí thường không ăn đủ chất xơ, uống đủ nước hoặc vận động thể chất đầy đủ để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru giúp loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.
    • Sự phát triển của thai nhi: Việc thai nhi đang phát triển dần lên trong thai kỳ khiến tử cung to ra, gây áp lực lên đường ruột khiến chất thải khó di chuyển ra khỏi cơ thể hơn.

    Bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu: Mẹ bầu cần khắc phục thế nào?

    Bà bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu

    Táo bón khiến nhiều chị em bầu bí rất khó chịu, mệt mỏi, do đó, các chị em thường thắc mắc cách trị táo bón cho bà bầu mang thai 3 tháng đầu là gì?

    Thực tế, một số thay đổi theo hướng tích cực trong chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể giúp cải thiện được tình trạng bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu. Dưới đây là một số mẹo tự nhiên, chị em bầu bí có thể áp dụng để việc đi tiêu diễn ra nhẹ nhàng hơn:

    1. Bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn

    Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, chúng ta cần tiêu thụ từ 25 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày. Do đó, câu trả lời cho thắc mắc ăn gì để không bị táo bón khi mang thai là các mẹ bầu hãy:

    • Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ…như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
    • Tránh các loại ngũ cốc tinh chế như bún, phở, bánh mì trắng, cơm trắng, mì ống… vì chúng ít chất xơ và có thể là nguyên nhân góp phần khiến mẹ bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu.

    2. Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ

    Việc chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ sẽ giúp “giảm tải” cho hệ tiêu hóa. Từ đó có thể giúp giảm tình trạng táo bón khi mang thai và các triệu chứng thai kỳ khó chịu khác như buồn nôn, ốm nghén

    3. Đảm bảo uống đủ lượng chất lỏng

    Bà bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu
    Uống đủ nước giúp giảm táo bón khi mang thai

    Để giảm táo bón khi mang thai, các mẹ bầu hãy đảm bảo uống khoảng 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày – tương đương khoảng 1.5 đến 2.2 lít nước. Ngoài nước, các mẹ bầu có thể dùng thêm nước canh, nước luộc rau, nước ép trái cây để giúp phân mềm và dễ đi tiêu hơn.

    Lưu ý thêm là nếu sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm, đổ mồ hôi nhiều hoặc vận động thể chất…, mẹ bầu có thể cần nạp thêm nhiều lượng chất lỏng hơn.

    4. Tập thể dục thường xuyên

    Tập thể dục vừa phải như đi bộ, bơi lội có thể giúp kích thích nhu động ruột, giúp quá trình bài tiết phân diễn ra thuận lợi hơn. Do đó, để giảm nguy cơ bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu, các mẹ bầu hãy đặt mục tiêu vận động thể chất ít nhất 20 – 30 phút/lần, 3 lần mỗi tuần nhé.

    5. Sử dụng thuốc

    Ngoài việc áp dụng các biện pháp kể trên, để giảm nhẹ tình trạng táo bón, các mẹ bầu có thể cân nhắc sử dụng các thuốc không kê đơn như thuốc metamucil có thể giúp làm mềm phân, tăng nhu động ruột và giảm táo bón. Để việc dùng thuốc không gây tác dụng phụ, các mẹ bầu hãy tham khảo ý kiến dược sĩ về cách dùng cũng như liều lượng nhé!

    Nếu việc dùng thuốc không kê đơn kể trên không hiệu quả, mẹ bầu bị táo bón nên đi khám để bác sĩ kê toa các loại thuốc trị táo bón cho bà bầu phù hợp như thuốc nhuận tràng, thuốc làm mềm phân, thuốc trị táo bón có tác dụng thẩm thấu. Trường hợp bà bầu bị táo bón nặng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc thụt phù hợp.

    6. Ăn nhiều các thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic)

    Bà bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu
    Ăn thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua giúp giảm táo bón

    Trong đường tiêu hóa của chúng ta tồn tại một hệ vi sinh vật đa dạng với cả hại khuẩn và lợi khuẩn. Việc bổ sung lợi khuẩn sẽ góp phần giúp hệ vi sinh đường ruột luôn ở trạng thái cân bằng, từ đó hạn chế được các vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy…. Lời khuyên là để giảm táo bón khi mang thai, mẹ bầu có thể cân nhắc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua, yến mạch, trà kombucha

    7. Giảm liều hoặc thay đổi thuốc sắt đang dùng

    Nếu nghi ngờ bản thân bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu là do dùng viên uống bổ sung sắt, bạn có thể thử dùng liều ít hơn hoặc chia nhỏ liều ra dùng nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, hãy trao đổi với bác sĩ, bác sĩ có thể xem xét và kê đơn cho bạn dùng loại viên uống bổ sung sắt khác phù hợp hơn.

    8. Tránh ăn các thực phẩm dễ gây táo bón

    Một cách trị táo bón khi mang thai nhanh nhất là ngoài việc áp dụng các cách kể trên, mẹ bầu nên tránh ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây táo bón. Theo các chuyên gia sức khỏe, việc tiêu thụ nhóm thực phẩm này có thể khiến các triệu chứng táo bón kéo dài, thậm chí là có xu hướng trầm trọng hơn. Do đó, các chị em bầu bí bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu hay trong thai kỳ nên tránh xa các thực phẩm sau:

    • Các loại thực phẩm được chế biến từ ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, cơm trắng, bún, phở…
    • Các chế phẩm từ sữa: Mẹ bầu bị táo bón nên tạm thời hạn chế dùng sữa và phô mai. Nguyên do là đường lactose trong sữa có thể gây tích tụ khí trong đường tiêu hóa, gây đầy hơi.
    • Thịt đỏ: Thịt bò là một trong các loại thực phẩm giàu chất sắt, đây có thể là một trong những nguyên nhân góp phần khiến mẹ bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu.
    • Sô cô la: Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu gặp khó khăn khi đi tiêu, dù thèm đến đâu thì mẹ bầu cũng nên hạn chế tiêu thụ sô cô la. Nguyên do là bởi trong thành phần của sô cô la có chứa các loại chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa.
    • Chuối xanh: Chuối chưa chín do chứa một lượng lớn tinh bột, hợp chất gây nhiều khó khăn cho việc tiêu hóa. Do đó, mẹ bầu cần tránh xa món này nhé!

    Nhìn chung, việc mẹ bầu bị táo bón khi mang thai 3 tháng đầu không quá nghiêm trọng. Nếu biết cách phòng tránh hiệu quả, mẹ bầu sẽ ngăn ngừa được tình trạng phiền toái này. Ngoài ra, mẹ bầu đừng quên tìm hiểu thêm “Bà bầu bị táo bón có nên rặn, rặn nhiều có bị sảy thai?” trên website MarryBaby để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    Constipation During Pregnancy

    https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/constipation-during-pregnancy/ Ngày truy cập 03/7/2024

    Treating constipation during pregnancy 

    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3418980/ Ngày truy cập 03/7/2024

    Is it safe to take stool softeners to treat pregnancy constipation?

    https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/pregnancy-constipation/faq-20058550 Ngày truy cập 03/7/2024

    5 Tips to Relieve Pregnancy Constipation

    https://unmhealth.org/stories/2023/06/5-tips-relieve-pregnancy-consumption.html Ngày truy cập 03/7/2024

    What Can I Take for Constipation While Pregnant in the First Trimester?

    https://www.verywellhealth.com/what-can-i-take-for-constipation-while-pregnant-first-trimester-7974004 Ngày truy cập 03/7/2024

    x