Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Minh Châu Văn
Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa MarryBaby
Cập nhật 3 ngày trước

Nước ối là gì? Vai trò và tác dụng đối với mẹ bầu và thai nhi

Nước ối là gì? Vai trò và tác dụng đối với mẹ bầu và thai nhi
Nước ối đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ, không chỉ bảo vệ thai nhi mà còn hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên, không phải lúc nào lượng nước ối cũng duy trì ở mức ổn định. Những bất thường về nước ối có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời.

Nước ối có tác dụng bảo vệ và hỗ trợ thai nhi phát triển trong suốt thai kỳ. Tình trạng quá nhiều hoặc quá ít nước ối có thể dẫn đến những biến chứng thai kỳ, cần được nhận biết sớm và theo dõi sát sao. Bài viết này không chỉ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về màu sắc, tác dụng của nước ối mà còn hướng dẫn mẹ bầu cách đọc chỉ số ối để biết được nước ối đang bình thường hay bất thường, từ đó có hướng xử lý phù hợp.

1. Nước ối là gì?

Nước ối là môi trường chất lỏng trong suốt bao quanh thai nhi suốt thai kỳ. Bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai, nước ối nằm bên trong túi ối, có khả năng tái tạo và trao đổi liên tục, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi.

Trong nửa đầu thai kỳ, nước ối chủ yếu được tạo thành từ nước của cơ thể mẹ. Đến khoảng tuần thai thứ 20, nước ối được sản xuất chủ yếu từ nước tiểu của thai nhi. Phần còn lại của nước ối chứa hormone, kháng thể, các chất dinh dưỡng và các chất lỏng khác mà thai nhi nuốt vào và bài tiết ra ngoài.

Không chỉ là chất lỏng hỗ trợ sự phát triển cơ, phổi và hệ tiêu hóa của thai nhi, nước ối còn đóng vai trò như một lớp đệm, bảo vệ em bé trong bụng mẹ khỏi các lực tác động.

Lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi. Do đó, bác sĩ thường theo dõi lượng nước ối bằng các phương pháp như siêu âm và xét nghiệm chọc ối khi cần thiết.

2. Nước ối có tác dụng gì?

Nước ối đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ, giúp bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thai nhi. Ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai. Sau khi lá nhau hình thành, dịch ối giữ phần biến dưỡng nước và các chất khác, giúp duy trì sự sống và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Không những thế, nước ối còn là lớp đệm tự nhiên, giúp thai nhi tránh được những tác động từ bên ngoài, bảo vệ bé khỏi các chấn động hoặc sang chấn khi mẹ di chuyển, vận động, thậm chí té ngã. Khi thai nhi lớn hơn, dịch ối tạo điều kiện cho bé cử động thoải mái, hỗ trợ sự phát triển của cơ và xương.

Bên cạnh đó, nước ối còn có tác dụng bảo vệ dây rốn – cầu nối quan trọng giữa mẹ và thai nhi. Nhờ dịch ối, dây rốn không bị chèn ép, đảm bảo việc cung cấp oxy và dưỡng chất liên tục cho thai nhi.

Hơn nữa, dịch ối còn duy trì môi trường vô trùng trong tử cung, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi. Nước ối cũng chứa kháng thể, góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho thai nhi. Mặt khác, chất lỏng này còn có chức năng điều hòa nhiệt độ cơ thể của em bé trong bụng mẹ.

Đồng thời, nước ối góp phần phát triển hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và hệ cơ xương của thai nhi. Trong suốt thai kỳ, thai nhi thường xuyên nuốt và hít nước ối, giúp phổi phát triển và chuẩn bị cho quá trình hô hấp sau khi chào đời. Nhất là kể từ tuần thai 34, thai nhi hấp thu từ 300-500ml dịch ối mỗi ngày. Dịch ối cũng tham gia vào quá trình trao đổi chất của thai nhi. Khi đi vào ruột bé, nước ối góp phần tạo phân su. Khi hấp thụ vào máu, nước ối giúp cân bằng dịch trong cơ thể bé, cũng như được lọc một phần để tạo thành nước tiểu.

Trong những tháng cuối thai kỳ, dịch ối tạo môi trường để thai nhi phát triển và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của thai phụ. Đến giai đoạn chuyển dạ sinh con, nước ối bảo vệ em bé khỏi những sang chấn của cơn gò tử cung, cũng như hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ. Nước ối cũng hỗ trợ hình thành đầu ối nong cổ tử cung của mẹ bầu, đem đến nhiều thuận lợi trong quá trình xóa mở cổ tử cung. Khi vỡ ối, đặc tính nhờn của dịch ối còn có tác dụng bôi trơn đường sinh dục của mẹ, giúp bé chào đời dễ dàng hơn.

Nước ối bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Dịch ối bảo vệ, nuôi dưỡng và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

3. Nước ối có màu và mùi gì?

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, nước ối có màu trắng trong suốt. Khi thai nhi phát triển, nước ối có thể trở nên hơi trắng đục do chứa nhiều chất gây. Đến giai đoạn cuối thai kỳ, đặc biệt từ tuần 38 trở đi, dịch ối có màu trắng đục gần giống nước vo gạo.

Đôi khi, nước ối cũng có thể có màu vàng nhạt như màu rơm. Trong một số trường hợp, dịch ối có thể chuyển sang màu nâu hoặc xanh lá cây. Đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi đã đi ngoài phân su vào trong nước ối. Phân su là phân của lần đi tiêu đầu tiên của bé. Sự xuất hiện của phân su trong nước ối có thể gây ra hội chứng hít phân su, ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé sau khi chào đời.

Thông thường, nước ối không có mùi hoặc có mùi rất nhẹ. Nếu bạn nhận thấy dịch ối có mùi hôi, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc sự hiện diện của phân su trong nước ối. Trong trường hợp này, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

4. Lượng nước ối bình thường là bao nhiêu?

Để đảm bảo thai nhi phát triển ổn định và an toàn, lượng nước ối trong bụng mẹ sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ. Lượng ối thường đạt đỉnh ở tuần thứ 34 đến 36 và sau đó giảm dần đến khi mẹ bầu chuyển dạ sinh con (tuần thứ 40). Ở thời điểm đạt đỉnh, lượng ối có thể lên đến khoảng 1000ml.

Theo Radiopaedia, thể tích nước ối ở các tuần thai như sau:

  • Khoảng tuần 10 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 10-20ml.
  • Khoảng tuần 16 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 250ml.
  • Khoảng tuần 33 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 800ml.
  • Khoảng tuần 38-39 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 1000ml.
  • Khoảng tuần 40 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 800ml.

5. Chỉ số nước ối là gì?

Chỉ số nước ối (AFI – Amniotic Fluid Index) là một thông số ước tính về thể tích nước ối trong tử cung của thai phụ vào từng giai đoạn của thai kỳ. Đây là một phần trong hồ sơ sinh lý của thai nhi, được đo khi mẹ bầu đi khám thai, giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe thai nhi và phát hiện sớm các bất thường như đa ối, thiểu ối hay vô ối.

Để đo chỉ số ối, bác sĩ sử dụng phương pháp siêu âm và thực hiện theo các bước sau:

  • Chia buồng tử cung thành 4 phần bằng cách kẻ hai đường tưởng tượng cắt nhau tại rốn của thai phụ, tạo thành 4 buồng ối.
  • Đo bề sâu của khoang ối lớn nhất trong mỗi buồng ối (cần đảm bảo khoang ối sâu nhất trong mỗi buồng ối đều không có dây rốn hoặc bộ phận nào khác của thai nhi).
  • Cộng tổng 4 số đo của 4 buồng ối để xác định chỉ số AFI.

6. Bảng chỉ số nước ối theo tuần

Bảng chỉ số nước ối theo tuần tính theo mm giúp đánh giá sự phát triển của dịch ối trong thai kỳ, thông qua các bách phân vị khác nhau, bao gồm bách phân vị thứ 2,5, thứ 5, thứ 50, thứ 95 và thứ 97,5. Trong đó, các bách phân vị thể hiện tỷ lệ dữ liệu trong một tập số liệu rơi vào vùng cao hơn hoặc thấp hơn so với một giá trị cho trước. Để dễ hiểu hơn, hãy đọc các ví dụ sau để biết cách đọc bảng chỉ số nước ối theo tuần:

  • tuần 16, giá trị AFI tại vị trí bách phân vị thứ 5 có nghĩa là: Có ít hơn hoặc bằng 5% thai phụ có chỉ số ối bằng hoặc thấp hơn 79 mm trong tuần thai 16.
  • tuần 20, giá trị AFI tại vị trí bách phân vị thứ 50 có nghĩa là: Có ít hơn hoặc bằng 50% thai phụ có chỉ số ối bằng hoặc thấp hơn 141 mm trong tuần thai 20.

Dưới đây là bảng chỉ số nước ối theo tuần tính theo mm:

Tuần Bách phân vị thứ 2,5 Bách phân vị thứ 5 Bách phân vị thứ 50 Bách phân vị thứ 95 Bách phân vị thứ 97,5
16 73 79 121 185 201
17 77 83 127 194 211
18 80 87 133 202 220
19 83 90 137 207 225
20 86 93 141 212 230
21 88 95 143 214 233
22 89 97 145 216 235
23 90 98 146 218 237
24 90 98 147 219 238
25 89 97 147 221 240
26 89 97 147 223 242
27 85 95 146 226 245
28 86 94 146 228 249
29 84 92 145 231 254
30 82 90 145 234 258
31 79 88 144 238 263
32 77 86 144 242 269
33 74 83 143 245 274
34 72 81 142 248 278
35 70 79 140 249 279
36 68 77 138 249 279
37 66 75 135 244 275
38 65 73 132 239 269
39 64 72 127 226 255
40 63 71 123 214 240
41 63 70 116 194 216
42 63 69 110 175 192
Dựa vào chỉ số ối theo tuần, bác sĩ sẽ đánh giá xem thai nhi có đang phát triển trong môi trường ối an toàn hay không. Nếu AFI quá thấp hoặc quá cao, mẹ bầu có thể cần được theo dõi và can thiệp y tế để tránh các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi.

7. FAQs: Một số câu hỏi thường gặp

7.1. Chỉ số ối bao nhiêu mm là bình thường?

Chỉ số nước ối được coi là bình thường khi nằm trong khoảng 5-25 cm (50-250 mm). Nếu chỉ số AFI nằm ngoài phạm vi này, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng thiểu ối, đa ối hoặc vô ối, ảnh hưởng đến thai nhi.

Đánh giá chỉ số ối:

  • Vô ối: < 3 cm.
  • Thiểu ối: < 5 cm.
  • Chỉ số ối bình thường: 5-25 cm.
  • Đa ối: > 25 cm.

7.2. Nước ối trung bình là tốt hay xấu?

Nước ối trung bình là mức nước ối ổn định, không quá ít cũng không quá nhiều, giúp thai nhi phát triển tốt và giảm nguy cơ biến chứng. Khi lượng ối nằm trong khoảng bình thường theo từng giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu không cần lo lắng.

Như đã đề cập, theo Radiopaedia, thể tích ối trung bình ở các tuần thai như sau:

  • Khoảng tuần 10 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 10-20ml.
  • Khoảng tuần 16 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 250ml.
  • Khoảng tuần 33 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 800ml.
  • Khoảng tuần 38-39 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 1000ml.
  • Khoảng tuần 40 của thai kỳ: Lượng ối khoảng 800ml.

7.3. Một số hiện tượng bất thường của nước ối là gì?

Các trường hợp nước ối bất thường mà mẹ bầu cần biết.
Các trường hợp dịch ối bất thường mà mẹ bầu cần biết.

7.3.1. Thiểu ối

Thiểu ối là tình trạng nước ối ít hơn mức bình thường, có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng nguy hiểm hơn trong 6 tháng đầu. Những biến chứng của thiểu ối bao gồm:

Ở giai đoạn sau của thai kỳ, thiểu ối có thể gây chèn ép dây rốn hoặc hạn chế thai nhi tăng trưởng trong tử cung.

7.3.2. Đa ối

Đa ối là tình trạng nước ối quá nhiều, có thể gây khó chịu cho mẹ bầu và làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Tình trạng đa ối có thể khiến mẹ bầu bị sưng chân, khó thở hoặc táo bón. Đa ối cũng có thể gây áp lực lên các cơ quan lân cận.

Các biến chứng thai kỳ do đa ối gây ra là:

7.3.3. Rò rỉ nước ối

Rò rỉ nước ối xảy ra khi dịch ối chảy ra từng chút một qua âm đạo, dù chưa đến thời điểm chuyển dạ. Nếu rò rỉ ối kéo dài hơn 2 tuần thì có thể dẫn đến các nguy cơ như:

  • Rối loạn hô hấp.
  • Dị tật xương.
  • Sinh non.

Mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu nghi ngờ bị rò rỉ ối để tránh biến chứng nguy hiểm.

7.3.4. Vỡ ối sớm

Vỡ ối sớm là tình trạng màng ối bị vỡ trước tuần 37 của thai kỳ, khi mẹ bầu chưa bắt đầu chuyển dạ. Nếu vẫn tiếp tục mang thai sau khi vỡ ối thì mẹ bầu có nguy cơ nhiễm trùng hoặc gặp nhiều biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Do đó, nếu bị vỡ ối sớm, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ đánh giá và xử lý kịp thời.

7.4. Nếu mẹ bị đa ối hay thiểu ối thì phải làm sao?

Khi phát hiện bất thường về lượng ối, mẹ bầu cần bình tĩnh và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng đến thai kỳ để có hướng xử lý phù hợp.

Kết luận

Nước ối là môi trường sống quan trọng của thai nhi, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sức khỏe của bé. Việc hiểu rõ các chỉ số ối cũng như những dấu hiệu bất thường sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong quá trình theo dõi thai kỳ. Nếu phát hiện bất thường, mẹ bầu cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì chế độ ăn uống hợp lý và thường xuyên kiểm tra sức khỏe thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

Amniotic Fluid: Color, Smell, Function & Disorders https://my.clevelandclinic.org/health/body/23310-amniotic-fluid Ngày truy cập: 19/02/2025

Amniotic fluid | March of Dimes https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/amniotic-fluid Ngày truy cập: 19/02/2025

Amniotic Fluid Index – StatPearls – NCBI Bookshelf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441881/ Ngày truy cập: 19/02/2025

[Amniotic fluid leakage and premature rupture of membranes after amniocentesis. A review of the literature] – PubMed https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11139709/ Ngày truy cập: 19/02/2025

Amniotic fluid: MedlinePlus Medical Encyclopedia https://medlineplus.gov/ency/article/002220.htm Ngày truy cập: 19/02/2025

Amniotic fluid | Pregnancy Birth and Baby https://www.pregnancybirthbaby.org.au/amniotic-fluid Ngày truy cập: 19/02/2025

Thai nghén và nước ối – Bệnh viện Từ Dũ https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/thai-nghen-va-nuoc-oi/ Ngày truy cập: 19/02/2025

Amniotic fluid index | Radiology Reference Article | Radiopaedia.org https://radiopaedia.org/articles/amniotic-fluid-index Ngày truy cập: 19/02/2025

Amniotic Fluid: Physiology and Assessment | GLOWM https://www.glowm.com/section-view/heading/Amniotic%20Fluid:%20Physiology%20and%20Assessment/item/208 Ngày truy cập: 19/02/2025

x