Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận
Cập nhật 28/04/2023

Premium

Cẩm nang cách dưỡng thai cho bà bầu từ A-Z

Cẩm nang cách dưỡng thai cho bà bầu từ A-Z
Có một thai kỳ khỏe mạnh là một trong những cách tốt nhất để phụ nữ mang thai “vượt cạn” thành công. Muốn được như thế, thai phụ cần phải xây dựng một kế hoạch dưỡng thai từ khi bắt đầu mang thai cho đến khi sinh con. Cẩm nang cách dưỡng cho bà bầu từ A-Z sẽ là một bí quyết giúp hai mẹ con luôn khỏe mạnh trong suốt 40 tuần thai.

I. Vì sao cần dưỡng thai trong thai kỳ?

Đọc toàn bộ nội dung

Bài viết này chỉ dành riêng cho thành viên của HelloBacsi. Bạn hãy đăng nhập hoặc tham gia ngay để đọc hết nội dung này.

Dưỡng thai là một việc làm thường xuyên giúp cho thai phụ có cơ hội sinh con khỏe mạnh. Việc dưỡng thai có thể bắt đầu từ trước khi bạn xuất hiện các dấu hiệu mang thai qua việc đi khám sức khỏe sinh sản.

Việc khám và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai giúp phụ nữ thực hiện các bước chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh trước cả khi có mang thai. Việc làm này cần đòi hỏi bạn duy trì liên tục từ khi dự định mang thai đến khi mang thai và sinh con.

Ngoài ra, khi bạn biết cách dưỡng thai có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng để có một thai kỳ khỏe mạnh cũng như bảo vệ thai nhi được phát triển được toàn diện.

II. Mẹ bầu cần làm gì để 40 tuần thai luôn khỏe mạnh?

1. Tam cá nguyệt đầu tiên

Tam cá nguyệt đầu tiên hay còn gọi là ba tháng đầu thai kỳ bắt đầu từ trước khi bạn mang thai, nghĩa là bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng và kéo dài đến trước khi sang tuần thứ 14 của thai kỳ.

a. Những thay đổi trong tam cá nguyệt đầu tiên

Trong giai đoạn này, cơ thể của phụ nữ sẽ có rất nhiều thay đổi về thể chất và cảm xúc. Sự thay đổi về hormone có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu khi mang thai. Bạn có thể thấy ủ rũ, đầy hơi và mệt mỏi. Dù có thể bạn chưa nhìn thấy rõ bụng bầu nhưng tử cung đang mở rộng và lượng máu cũng đang tăng lên dần.

Lúc này, bạn nên đi khám sức khỏe, chọn bác sĩ và nơi thăm khám thai càng sớm càng tốt. Bạn hãy tìm hiểu các thông tin về bảo hiểm thai sản cũng như các dịch vụ chăm sóc trước và khi khi sinh thật kỹ lưỡng. Việc chăm sóc sức khỏe và dưỡng thai sớm có thể giúp bạn tránh được bất kỳ biến chứng tiềm ẩn nào.

b. Lần khám thai đầu tiên

cách dưỡng thai cho bà bầu

Bạn sẽ có từ 2-3 lần khám thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Điều này có thể khác nhau tùy thuộc vào bác sĩ hoặc tình trạng mang thai có gặp vấn đề gì không. Trong buổi khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh cá nhân, tiền sử bệnh của gia đình, tiền sử bệnh phụ khoa và những lần mang thai trước (nếu có) để đánh giá sự ảnh hưởng trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tính toán ngày dự sinh của bạn và thực hiện các việc phương pháp y tế sau:

  • Kiểm tra vùng chậu.
  • Kiểm tra nhịp tim của thai nhi.
  • Khám sức khỏe bao gồm kiểm tra cân nặng và huyết áp.
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Các xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và một số bệnh có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nhóm máu ABO, yếu tố Rh, nồng độ sắt và một số cơ quan như gan, thận, tuyến giáp, tình trạng thiếu máu.
  • Một số bác sĩ có thể sử dụng siêu âm qua âm đạo để xác nhận tình trạng có mang thai, đo nhịp tim và kích thước của thai nhi.
  • Bác sĩ cũng có thể đề nghị làm các xét nghiệm sàng lọc khác trong thai kỳ xem bạn hoặc thai nhi có nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe không. Hoặc bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm sàng lọc phát hiện nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down.

c. Chế độ sinh hoạt và ăn uống trong ba tháng đầu

Giữ gìn sức khỏe là điều quan trọng trong suốt ba tam cá nguyệt của thai kỳ. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để giữ gìn sức khỏe trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ:

  • Nghỉ ngơi phù hợp.
  • Uống nhiều nước.
  • Bổ sung thực phẩm giàu axit folic, sắt hoặc vitamin bổ sung nếu cần theo chỉ định từ bác sĩ
  • Nhớ đi khám thai đầy đủ trong suốt tam cá nguyệt
  • Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh và cân đối.
  • Bạn hãy vận động nhẹ nhàng. Nhưng đừng quên lắng nghe cơ thể và dừng lại để nghỉ ngơi nếu cảm thấy khó chịu khi tập thể dục. Bạn có thể cần phải sửa đổi thói quen tập thể dục của mình trong khi mang thai.
  • Tránh tiếp xúc với một số nguồn lây bệnh như những người có triệu chứng ho, sốt, phát ban, tránh tiếp xúc nhiều với cho mèo hay phân của nó,…
chế độ sinh hoạt và ăn uống trong 3 tháng đầu mang thai
Chế độ sinh hoạt và ăn uống trong 3 tháng đầu mang thai

d. Không nên làm gì trong tam cá nguyệt đầu tiên?

Khi mang thai, bạn cần thay đổi một số điều trong lối sống trước đó. Điều này sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Trong đó, bạn cần tránh không thực hiện những điều sau đây trong ba tháng đầu của thai kỳ:

  • Uống rượu bia.
  • Uống thuốc opioids
  • Hút thuốc lá và thuốc lào.
  • Tắm trong bồn nước nóng và tắm hơi.
  • Chơi các môn thể thao như bóng đá hoặc các hoạt động gây áp lực lên vùng bụng.
  • Thực phẩm như cá sống (sushi), cá chứa nhiều thủy ngân, thịt chưa nấu chin, thịt hộp, sữa, phô mát hoặc nước trái cây không đảm bảo vệ sinh.

e. Mang thai ba tháng đầu có nên quan hệ tình dục không?

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn có thể cảm thấy quá buồn nôn và mệt mỏi nên không có ham muốn tình dục. Nhưng nếu bạn có ham muốn tình dục và không đang bị dọa sảy thai hay ra huyết âm đạo có các vấn đề về nhau thai thì việc “gần gũi” với chồng ở mức độ vừa phải vẫn có thể thực hiện được.

f. Những dấu hiệu bất thường cần đi đến bệnh viện

Nếu gặp các dấu hiệu bất thường dưới đây bạn cần nhanh chóng đi khám sức khỏe ngay:

  • Sốt cao hơn 38℃
  • Phát ban, sưng hạch, đau mỏi khớp
  • Mờ mắt hoặc hoa mắt.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Sưng ở tay, ngón tay hoặc mặt.
  • Đau tay, chân hoặc bụng dữ dội.
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy dai dẳng.
  • Chảy máu âm đạo nhiều hoặc tiết dịch âm đạo bất thường.

2. Tam cá nguyệt thứ hai

Khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai, tức là bạn đang mang thai khoảng 14 tuần trở đi. Tam cá nguyệt thứ 2 là khoảng thời gian kéo dài từ tròn 14 tuần đến hết 28 tuần của thai kỳ.

a. Những thay đổi trong tam cá nguyệt thứ hai

những thay đổi của bà bầu trong tam cá nguyệt thứ 2
Những thay đổi của bà bầu trong tam cá nguyệt thứ 2

Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn bắt đầu có bụng rõ hơn. Đối với nhiều người đây là giai đoạn tuyệt vời nhất của thai kỳ vì những cơn ốm nghén và mệt mỏi trong tam cá nguyệt đầu tiên đã biến mất. Những sự lo lắng trong ba tháng đầu thai kỹ cũng bắt đầu giảm bớt vào thời điểm này.

Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thai nhi cử động vào cuối tam cá nguyệt thứ hai và thai kỳ cũng dần ổn định hơn. Tuy nhiên, quá trình mang thai của mỗi người sẽ không giống nhau. Một số thai phụ không xuất hiện ốm nghén từ đầu. Nhưng cũng có người vẫn sẽ tiếp tục ốm nghén trong tam cá nguyệt thứ hai này.

Ngoài ra, tử cung của bạn sẽ tiếp tục giãn ra trong suốt thai kỳ để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Bạn cũng sẽ bắt đầu tăng cân. Bạn cũng nhận thấy một số dấu hiệu khác dưới đây trong giai đoạn này như:

  • Đau nhức cơ thể.
  • Xuất hiện vết rạn da.
  • Tăng cảm giác ngon miệng.
  • Sưng ở bàn tay, bàn chân và mắt cá chân của bạn.

b. Khám thai trong tam cá nguyệt thứ hai

Khi đi khám thai, bác sĩ cũng sẽ thực hiện khám thai và siêu âm. Siêu âm sẽ giúp bạn biết đến giới tính của thai nhi, nhưng nó chủ yếu được sử dụng để xem xét sự phù hợp và đầy đủ về cấu trúc giải phẫu.

Trong suốt thai kỳ, thai phụ sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm nhau để kiểm tra sức khỏe của bản thân và thai nhi. Giai đoạn này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện siêu âm kiểm tra hình thái học thai nhi và xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu kiểm tra thấy có những dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ theo dõi và có những điều trị phù hợp cho mẹ trong thai kỳ. Tiêm uốn ván cũng thường bắt đầu từ đây.

c. Chế độ sinh hoạt và ăn uống của mẹ bầu

Trong suốt tam cá nguyệt thứ hai, bạn nên tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh, uống vitamin và đi khám thai đầy đủ.

Bạn cũng cần cố gắng tập thể dục khoảng 20 phút mỗi ngày sẽ rất tốt cho bạn và thai nhi đang phát triển. Một số lưu ý khi tập thể dục:

  • Bạn cũng có thể thực hiện một số hình thức tập thể dục như đi bộ và bơi lội.
  • Tuy nhiên, bạn cũng có thể thực hiện một số bài tập khác nhưng hãy xin tư vấn từ bác sĩ trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn.
  • Ngoài ra, bạn cũng cần tránh các môn thể thao va chạm và có thể bị ngã. Vì các môn thể thao này có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ của bạn.

d. Trong tam cá nguyệt thứ hai có nên quan hệ không?

Trong tam cá nguyệt thứ 2 có nên quan hệ không
Trong tam cá nguyệt thứ 2 có nên quan hệ không

Trong giai đoạn này chuyện vợ chồng sẽ cảm thấy hưng phấn trở lại. Thai phụ có thể thấy ham muốn tình dục tăng lên vì đã chấp nhận được sự thay đổi của cơ thể.

Tuy nhiên, cũng có một số cặp vợ chồng không cảm thấy thoải mái với việc quan hệ tình dục khi mang thai. Họ có thể kiêng quan hệ nhưng vẫn sử dụng cách “gần gũi” khác để thỏa mãn về tình dục.

e. Những dấu hiệu bất thường trong tam cá nguyệt thứ hai

Khi bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường dưới đây thì nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra::

  • Bụng dữ dội hoặc bất thường.
  • Khó thở hoặc tình trạng thở hụt hơi khó khăn hơn.
  • Những thay đổi đáng chú ý về mức độ cử động của thai nhi
  • Ngoài ra, bạn cũng nên đến bệnh viện ngay khi thấy bất kỳ dấu hiệu chuyển dạ sớm như áp lực trong xương chậu hoặc âm đạo, thường xuyên co thắt, đau bụng dưới hoặc đau lưng hơn 4 lần/ giờ, chảy máu âm đạo, và xuất hiện nhiều dịch tiết âm đạo bất thường.
  • Cũng như các triệu chứng bất thường của các cơ quan khác.

f. Xây dựng kế hoạch thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ hai

Bạn có thể sẽ cần phải tìm hiểu và thảo luận với người thân về các vấn đề như:

  • Phương thức sinh dự tính, mặc dù còn sớm nhưng bạn có thể tìm hiểu từ bây giờ.
  • Nếu sinh thường có cần dùng thuốc giảm đau khi chuyển dạ hay không?
  • Bạn có thể tìm hiểu những phương pháp sinh sản từ nhiều tài liệu khác nhau. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đăng ký tham gia vào một lớp học tiền sản để chuẩn bị cho việc sinh nở, cho con bú và nuôi dạy trẻ sơ sinh.

3.Tam cá nguyệt thứ ba

Khi vào tam cá nguyệt thứ ba tức là bạn đang mang thai từ tuần thứ 28 thai kỳ trở đi. Sự phát triển nhanh của em bé sẽ khiến người mẹ cảm thấy khó chịu hơn. Tuy nhiên, mẹ cũng sẽ cảm thấy háo hức vì sắp được chào đón con yêu ra đời.

a. Những thay đổi trong 3 tháng cuối

Khi càng về cuối giai đoạn mang thai, các cử động của thai nhi sẽ rõ ràng hơn. Bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn nhưng sẽ kèm nhiều cảm giác khó chịu. Khi đó, bạn có thể gặp nhiều triệu chứng như:

  • Hụt hơi: Bạn có thể thường gặp những cơn thở hụt hơi. Hãy thực hành tư thế ngồi đúng cách để phổi có nhiều không gian hơn giúp dễ thở hơn.
  • Đi tiểu thường xuyên: Khi em bé di chuyển gây ảnh hưởng vào xương chậu khiến bàng quang bị đè nén. Vì thế, bạn có thể đi tiểu thường xuyên hơn. Sự đè nén này tăng lên có thể khiến bạn bị rò rỉ nước tiểu; nhất là khi bạn cười, ho, hắt hơi, cúi người hoặc nâng. Nếu đi tiểu nhiều kèm theo buốt, rắt hay tiết dịch âm đạo bất thường có thể là triệu chứng của nhiễm trùng tiểu.
  • Ợ nóng: Hormone thai kỳ làm giãn van giữa dạ dày và thực quản khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra chứng ợ nóng. Để ngăn ngừa chứng ợ nóng, bạn hãy ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên hơn. Ngoài ra, bạn nên tránh đồ chiên, trái cây họ cam quýt, chocolate, đồ cay và đồ chiên.
  • Đau lưng: Các hormone thai kỳ làm giãn các mô liên kết giữ xương cố định; đặc biệt là ở vùng xương chậu. Những thay đổi này có thể gây khó khăn cho lưng của người mẹ và thường dẫn đến cảm giác khó chịu trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Nếu bạn bị đau dữ dội hoặc dai dẳng hãy đi khám bệnh ngay.
  • Các cơn co thắt Braxton Hicks: Bạn có thể cảm thấy những cơn co thắt nhẹ, không đều. Tình trạng này có nhiều khả năng sẽ xảy ra bất cứ khi nào, không gây đau, không xuát hiện các triệu chứng khác của chuyển dạ và tự hết sau đó nếu ngồi nghỉ, thay đổi tư thế… Những cơn co thắt cũng có thể xảy ra thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn khi càng đến gần ngày dự sinh.
  • Giãn tĩnh mạch và trĩ: Sự lưu thông máu tăng lên có thể khiến các tĩnh mạch nhỏ màu đỏ tía (tĩnh mạch mạng nhện) xuất hiện trên mặt, cổ và cánh tay. Tình trạng này sẽ giảm dần sau khi sinh con. Bạn cũng có thể nhận thấy các tĩnh mạch bị sưng (giãn tĩnh mạch) trên chân gây đau, ngứa ở vùng trực tràng. Vì thế, bạn có thể bị bệnh trĩ.

b. Lịch khám thai và xét nghiệm

Lịch khám thai và xét nghiệm tam cá nguyệt thứ 3
Lịch khám thai và xét nghiệm tam cá nguyệt thứ 3

Trong tam cá nguyệt thứ ba, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đến khám thai thường xuyên hơn có thể là 2 tuần/lần bắt đầu từ tuần 32 và mỗi tuần bắt đầu từ tuần 36.

Bên cạnh đó giống như các lần khám trước, bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, huyết áp và hỏi về bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào mà bạn đang gặp phải. Với thai nhi, bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước và nhịp tim. Gần cuối thai kỳ, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra vị trí của thai nhi và hỏi về chuyển động của con.

Bạn cũng có thể được bác sĩ yêu cầu tiêm phòng vắc xin uốn ván, cúm (hoặc ho gà – bạch hầu – uốn ván nếu còn chưa tiêm đủ).

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm sàng lọc như:

  • Xét nghiệm thiếu máu
  • Liên cầu khuẩn nhóm B
  • Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ (nếu trước đó chưa được làm)

Cuối cùng, bác sĩ sẽ hỏi thăm bạn ý định về phương pháp chọn sinh của bạn. Lúc này, bạn có thể hỏi bác sĩ tư vấn về phương pháp sinh thường hay sinh mổ tùy về sức khỏe của hai mẹ con.

c. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày

Trong tam cá nguyệt, bạn có thể cần bổ sung thêm 250 – 450 calo mỗi ngày với sự cân đối các chất dinh dưỡng. Lưu ý một số chất dinh dưỡng quan trọng cần tiếp tục duy trì như:

  • 27 – 30 mg mỗi ngày sắt (nếu không thiếu máu)
  • 400 – 800µg mỗi ngày axit folic
  • 10µg mỗi ngày vitamin D
  • 1.000 mg canxi hàng ngày

Giai đoạn này, bạn có thể tiếp tục tập thể dục miễn cảm thấy khỏe và thoải mái. Bạn có thể tập thể dục có hoạt động thấp như đi bộ và bơi lội. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng để giảm đau nhức.

d. Tam cá nguyệt thứ ba có nên quan hệ tình dục không?

Bước vào ba tháng cuối thai kỳ, nhiều chị em cảm thấy lo lắng về việc quan hệ sẽ gây ảnh hưởng đến sự co bóp của tử cung; các tư thế quan hệ khó khăn hơn và cảm thấy tự ti về ngoại hình của bản thân.

Vì thế, người vợ có thể bị giảm ham muốn do nhiều lo lắng và suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu chị em có ham muốn thì vẫn có thể quan hệ nhẹ nhàng không mạnh bạo, quan trọng là bạn cảm thấy thoãi mái về cả thể chất lẫn tinh thần với một thai kỳ không có các nguy cơ như nhau tiền đạo, nhau bám thấp, doạ sanh non, đang ra huyết âm đạo…

e. Các dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện ngay

Khi bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường dưới đây trong tam cá nguyệt thứ ba thì cần đi đến bệnh viện ngay:

  • Bị đau đầu, đau thượng vị, đau hạ sườn phải
  • Bị hoa mắt
  • Vỡ nước ối
  • Bị đau ngực hoặc khó thở
  • Bị sưng và tăng cân đáng kể
  • Xuất hiện chảy máu âm đạo
  • Có bất kỳ dấu hiệu bất thường
  • Bị sốt, ớn lạnh hoặc đau khi đi tiểu
  • Tăng tiết dịch âm đạo và có mùi hôi
  • Nhận thấy chuyển động của thai nhi giảm
  • Bắt đầu có những cơn co thắt thường xuyên và đau đớn
  • Bạn đang nghĩ đến việc dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc thảo dược mới nào

III. Tips để có một thai kỳ khỏe mạnh mẹ nên nhớ

Bên cạnh các hướng dẫn về việc dưỡng thai trong suốt 40 tuần thai kỳ, bạn có thể tham khảo thêm những lời khuyên dưới đây nữa nhé:

1. Những điều nên làm

  • Ngủ đủ giấc
  • Bổ sung sắt, acid folic, can xi và các chất dinh dưỡng thiết yếu
  • Viết kế hoạch thai kỳ
  • Tập thể dục điều đồ và phù hợp
  • Tham gia một lớp học tiền sản (khi có cơ hội)
  • Mang những đôi giày thoải mái
  • Tìm hiểu các cơ sở y tế về phụ sản uy tín
  • Theo dõi mức độ tăng cân của bản thân
  • Tự tìm hiểu những kiến thức về thai sản
  • Ăn 5 hoặc 6 bữa ăn mỗi ngày với 3 bữa chính và 2 – 4 bữa phụ.
  • Uống nhiều nước (khoảng sáu ly nước mỗi ngày)
  • Giãn cơ trước khi ngủ để tránh bị chuột rút ở chân
  • Ăn uốngcác thực phẩm giàu canxi, sắt, vitamin, chất xơ…cân đối 3 nhóm dưỡng chất: đạm, đường, béo
  • Hỏi thăm kinh nghiệm mang thai và chăm sóc con từ các bà mẹ khác
  • Thay đổi cách làm việc nhà (tránh sử dụng hóa chất độc hại và khiêng vác nặng)
  • Nên hạn chế tiếp xúc nhiều với chó mèo, thú cưng đặc biệt là phân của chúng vì có thể có nguy cơ nhiễm để giảm nguy cơ nhiễm toxoplasma hoặc một số bệnh truyền nhiễm khác.
  • Tránh tiếp xúc với nơi đông người, đối tượng đang bị bệnh truyền nhiễm hay có triệu chứng ho, sốt, phát ban.

2. Những điều không nên làm

Bạn cần tránh những điều sau đây nhé:

  • Uống rượu
  • Lạm dụng thuốc
  • Ăn quá nhiều trong một bữa ăn
  • Vận động thể lực quá sức
  • Ăn các thực phẩm sống không đảm bảo
  • Hút thuốc (hoặc hút thuốc lá thụ động)
  • Uống cà phê và các thức uống có caffein
  • Dùng thuốc mua tự do hoặc thuốc thảo dược mà không có sự tư vấn y tế

Như vậy bạn đã hiểu trong suốt 40 tuần mang thai cần phải dưỡng thai đúng cách để có thai kỳ khỏe mạnh. Hy vọng cẩm nang dưỡng thai cho bà bầu từ A-Z của MarryBaby sẽ giúp ích cho các bạn nhé!

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. First Trimester

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9699-first-trimester

Truy cập ngày 28/02/2023

2. Pregnancy: Second Trimester

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/16092-pregnancy-second-trimester

Truy cập ngày 28/02/2023

3. Sex in trimester one, two and three of pregnancy

https://www.nct.org.uk/pregnancy/relationships-sex/sex-trimester-one-two-and-three-pregnancy

Truy cập ngày 28/02/2023

4. Sex during pregnancy: What’s OK, what’s not

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/sex-during-pregnancy/art-20045318

Truy cập ngày 28/02/2023

5. Taking Care of You and Your Baby While You’re Pregnant

https://familydoctor.org/taking-care-of-you-and-your-baby-while-youre-pregnant/

Truy cập ngày 28/02/2023

6. What is prenatal care and why is it important?

https://www.nichd.nih.gov/health/topics/pregnancy/conditioninfo/prenatal-care

Truy cập ngày 28/02/2023

7. 36 Tips for a Healthy Pregnancy

https://health.ucsd.edu/news/features/pages/2016-01-05-36-pregnancy-tips-listicle.aspx

Truy cập ngày 28/02/2023

8. 3rd trimester pregnancy: What to expect

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046767

Truy cập ngày 28/02/2023

9. 16 Nutritious Foods To Include In Your Third Trimester Diet

https://www.momjunction.com/articles/healthy-foods-for-your-third-trimester-diet_00109586/

Truy cập ngày 28/02/2023

10. Prenatal care in your third trimester

https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000558.htm

Truy cập ngày 28/02/2023

11. Exercise for a healthy pregnancy

https://www.tommys.org/pregnancy-information/im-pregnant/exercise-in-pregnancy/how-active-should-i-be-pregnancy#:~:text=In%20the%20third%20trimester%20(weeks,to%20reduce%20aches%20and%20pains.

Truy cập ngày 28/02/2023

x