Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Đỗ Khánh Linh
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên
Cập nhật 12/10/2022

Sinh mổ chủ động và những điều mẹ cần biết

Sinh mổ chủ động và những điều mẹ cần biết
Sinh mổ chủ động là gì? Có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không? Lợi ích và bất cập của sinh mổ trước ngày dự sinh là gì? Mẹ bầu đọc thêm bài viết để có thêm thông tin và chuẩn bị cho hành trình đón con chào đời thật tốt nhé!

Hầu hết các trường hợp, mẹ bầu sẽ sinh thường qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, có nhiều mẹ bầu phân vân không biết có trường hợp nào phải sinh mổ chủ động hay không? Liệu sinh mổ trước ngày dự sinh có lợi ích hay bất cập như thế nào? Và tựu chung lại, mẹ bầu có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không?

Sinh mổ chủ động là gì?

Sinh mổ chủ động là phương pháp mổ lấy thai trước khi chuyển dạ; thường được thực hiện mổ chủ động với những trường hợp đã từng sinh mổ, thai to không thể sanh thường, khung chậu người mẹ hẹp; hoặc mổ cấp cứu khi sức khỏe mẹ bầu có vấn đề; hoặc khi thai nhi có dấu hiệu suy thai, kém phát triển.

Sinh mổ chủ động có thể được lên kế hoạch trước nếu mẹ bầu có các biến chứng thai kỳ; hoặc mẹ bầu đã từng sinh mổ trước đó và không muốn sinh qua đường âm đạo. Tuy nhiên, thông thường, nhu cầu sinh mổ chủ động lần đầu xuất hiện mẹ bầu bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ.

Đẻ mổ lấy thai là gì?
Đẻ mổ lấy thai là gì?

Trường hợp nào cần phải sinh mổ chủ động?

1. Khung chậu bất thường

  • Thai nhỉ nằm ở ngôi chỏm nhưng khung chậu của mẹ bầu hẹp tuyệt đối, hoặc bị méo; bác sĩ cũng sẽ khuyên sinh mổ chủ động.
  • Các y bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp pháp lọt ngôi chỏm; đây là phương pháp đánh giá cuộc sinh khi khung chậu giới hạn, trọng lượng thai nhi bình thường hoặc khi khung chậu bình thường nhưng thai nhi lại khá to; nhằm đưa đến quyết định là thai nhi có thể sinh được qua đường âm đạo hay phải phẫu thuật lấy thai.
  • Mẹ bầu đã từng bị gãy xương chậu khiến khung chậu di lệch nghiêm trọng.

2. Đường ra của thai bị cản trở

3. Tử cung có sẹo mổ

  • Các sẹo mổ ở thân tử cung: sẹo bóc u xơ, sẹo của phẫu thuật tạo hình tử cung, sẹo khâu chỗ vỡ, chỗ thủng tử cung, sẹo của phẫu thuật cắt xén góc tử cung, sừng tử cung.
  • Sẹo của phẫu thuật mổ ngang đoạn dưới tử cung từ hai lần trở lên hoặc lần mổ lấy thai trước cách chưa được 24 tháng.
Trường hợp nào cần phải mổ đẻ chủ động?
Có nhiều trường hợp mẹ cần phải mổ đẻ chủ động

4. Nguyên nhân từ phía người mẹ

  • Quá trình chuyển dạ bị đình trệ: Vấn đề này có thể xảy ra nếu cổ tử cung của mẹ không mở đủ (không tiến triển) ; mặc dù các bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp kích sinh, hỗ trợ sinh
  • Mẹ bầu mang thai từ hai em bé trở lên: Sinh mổ có thể cần thiết nếu mẹ bầu sinh đôi (hay nhiều hơn); hoặc em bé đầu lòng ở vị trí bất thường.
  • Mẹ bầu có vấn đề với nhau thai: Nếu nhau thai che phần mở của cổ tử cung (nhau thai tiền đạo), thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định sinh mổ chủ động.
  • Sa dây rốn: Sinh mổ cấp cứu ngay lập tức nếu một vòng dây rốn trượt qua cổ tử cung của mẹ bầu trước mặt em bé.
  • Mẹ bầu có vấn đề về sức khỏe: Sinh mổ chủ động có thể được khuyến nghị nếu mẹ bầu có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; chẳng hạn như bệnh tim hoặc não. Sinh mổ chủ động cũng được khuyến nghị nếu mẹ bầu bị nhiễm herpes sinh dục tại thời điểm chuyển dạ.
  • Mẹ bầu có tiền sử sinh mổ chủ động: Tùy thuộc vào loại vết rạch tử cung và các yếu tố khác; thường mẹ bầu có thể thử sinh thường qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể đề nghị tái sinh mổ.

5. Nguyên nhân từ phía thai nhi

  • Thai nhi có vấn đề: Nếu bác sĩ lo lắng về những thay đổi trong nhịp tim của bé; sinh mổ chủ động có thể là lựa chọn tốt nhất.
  • Em bé nằm ở tư thế bất thường như ngôi mông, ngôi ngang: Sinh mổ chủ động có thể là cách an toàn nhất để sinh em bé nếu bàn chân hoặc mông của em bé lọt vào ống sinh trước (ngôi mông); hoặc em bé nằm nghiêng; hoặc nằm ngang vai trước (ngôi ngang).
  • Em bé mắc một tình trạng có thể khiến đầu to bất thường (não úng thủy nghiêm trọng).
  • Em bé to so với khung chậu của người mẹ, những bé có cân nặng trên 4kg có chỉ định mổ tương đối, bé nặng trên 4,5kg chỉ định mổ tuyệt đối.

Lợi ích và bất cập khi sinh mổ chủ động?

1. Lợi ích của sinh mổ trước ngày dự sinh

  • Biết chính xác thời điểm bé cưng chào đời: Chỉ có 5% trẻ chào đời đúng ngày dự sinh. Sinh mổ chủ động, mẹ và gia đình sẽ biết chính xác ngày, thậm chí giờ chào đời của con.
  • Giảm nguy cơ băng huyết: So với sinh thường và sinh mổ cấp cứu, nhiều bằng chứng cho thấy sinh mổ chủ động có tỷ lệ băng huyết sau sinh giảm hơn hẳn. Ngoài ra, mổ chủ động cũng giảm hẳn những nguy cơ mổ thai cấp cứu như: nhiễm trùng, chấn thương thai nhi, tổn thương nội tạng.
  • Hạn chế nguy cơ thai nhi bị ngạt do thiếu ô-xy.
  • Hạn chế tình trạng sanh thường thất bại phải chuyển mổ người mẹ sẽ phải chuyển qua 2 cơn đau.

2. Bất cập của sinh mổ trước ngày dự sinh

Đối với mẹ bầu

  • Do tử cung phục hồi kém, mẹ chọn mổ bắt thai có thể sẽ bị mất nhiều máu
  • Khi mổ chủ động, đoạn eo tử cung thường chưa dãn mỏng đến độ tự nhiên cần thiết cũng như ngôi thai còn quá cao nên có thể gây chảy máu, quá trình đưa bé ra ngoài khó khăn.
  • Mẹ sinh mổ thường phục hồi lâu hơn các mẹ sinh ngã âm đạo. Đồng thời, vết mổ có nguy cơ gây dính, tắc ruột khá cao.
  • Mổ chủ động thường diễn ra ngoài giờ hành chính. Lúc này, lực lượng bác sĩ, y tá hỗ trợ có thể sẽ đáp ứng không đủ nếu xảy ra biến chứng bất ngờ.

Đối với bé nếu mổ quá sớm:

  • Bé có nguy cơ bị suy hô hấp cấp tính hoặc bị hội chứng phổi ướt (hội chứng chậm hấp thu dịch phổi)
  • Có thể gặp phải biến chứng như những bé sinh non: hạ thân nhiệt, vàng da, nhiễm trùng huyết, tăng thời gian nằm điều trị.
  • >>>> Một trong những mối bận tâm của các mẹ bầu đó là chi phí sinh mổ; tìm hiểu ngay tại bài viết Chi phí sinh mổ có bảo hiểm

    Có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không?

    Nói chung, sinh mổ chủ động ngày nay thường an toàn cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần nắm những rủi ro khi thực hiện loại phẫu thuật này:

    • Bị chảy máu nhiều (mẹ bầu có thể yêu cầu truyền máu).
    • Nhiễm trùng (thuốc kháng sinh thường được sử dụng để giúp ngăn ngừa điều này).
    • Chấn thương bàng quang hoặc ruột.
    • Phản ứng với thuốc.
    • Xuất hiện các cục máu đông.
    • Tử vong (rất hiếm).
    • Em bé có thể bị thương.

    Sinh mổ cũng có thể khiến người phụ nữ tăng nguy cơ mắc các vấn đề với nhau thai trong những lần mang thai sau này vd: nhau bám vết mổ cũ. Do đó, câu hỏi có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không sẽ còn phụ thuộc vào trường hợp bắt buộc sinh mổ như chia sẻ ở phần trên. Đối với những trường hợp như vậy, sinh mổ chủ động sẽ là lựa chọn an toàn.

    Có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không?
    Có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không? Còn tùy trường hợp

    Sinh mổ chủ động có thể hoặc không ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh nở trong tương lai. Nhiều phụ nữ có thể sinh thường thành công và an toàn sau khi mổ lấy thai.

    Nhưng trong một số trường hợp, những lần sinh sau này có thể phải sinh mổ; đặc biệt nếu vết rạch trên tử cung theo chiều dọc chứ không phải theo chiều ngang. Sinh mổ cũng có thể khiến người phụ nữ tăng nguy cơ mắc các vấn đề có thể xảy ra với nhau thai trong những lần mang thai sau này.

    Câu hỏi có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh không sẽ còn phụ thuộc vào trường hợp bắt buộc sinh mổ như chia sẻ ở phần trên. Đối với những trường hợp như vậy, sinh mổ chủ động sẽ là lựa chọn an toàn.

    Mẹ bầu cần làm gì khi phải sinh mổ chủ động?

    • Vệ sinh cá nhân: Ngoài tắm rửa và gội đầu sạch sẽ, bầu nên dọn dẹp “cô bé” gọn gàng, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ mổ lấy thai. Vệ sinh sạch sẽ cũng giúp mẹ giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất, trước khi mổ, mẹ nên tắm rửa đi vệ sinh.
    • Chế độ dinh dưỡng: Ít nhất 6 giờ trước khi lên bàn mổ, mẹ bầu không được ăn, uống bất cứ thứ gì. Thời gian trước đó, mẹ có thể uống nước, ăn súp, cháo hoặc những thực phẩm dễ tiêu. Sau khi sinh, nhu động ruột và hệ tiêu hóa hoạt động kém cũng như phản ứng phụ của thuốc tê có thể làm mẹ buồn nôn. Vì vậy, lúc này mẹ nên tránh thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
    • Chuẩn bị đồ đi viện: Những đồ dùng vệ sinh cá nhân, quần áo cho cả mẹ và bé, đồ dùng hàng ngày… Khi đi sinh, mẹ không cần đầu tư quá về trang phục, chỉ cần chọn vài bộ gọn gàng, thoải mái là được. Trang điểm, sơn móng tay hay đồ trang sức đều không cần thiết, mẹ nhé!

    >>>> Mẹ bầu có thể đọc thêm hướng dẫn 3 bước chuẩn bị trước khi sinh mổ

    Mẹ bầu có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh
    Mẹ bầu có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh? Không nên nếu không cần thiết

    Quá trình sinh mổ chủ động diễn ra như thế nào?

    Khi sinh mổ, bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch dài trên bụng và tử cung để lấy em bé ra. Nghe có vẻ kinh dị nhưng với các bác sĩ chuyên khoa, đây là một ca phẫu thuật khá quen thuộc.

    Bác sĩ có thể phải thực hiện mỗi ngày khoảng 3 ca như vậy. Vì vậy, mẹ bầu nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng hoặc có thắc mắc gì.

    Với đa số các trường hợp mổ lấy thai, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tủy sống. Điều này đồng nghĩa với việc mẹ bầu vẫn có thể tỉnh táo suốt thời gian phẫu thuật. Dưới đây là một số vấn đề mẹ bầu nên cân nhắc trước khi quyết định sinh mổ:

    • Mẹ mong muốn được gây tê hay gây mê?
    • Nếu được chọn 1 người ở bên cạnh, mẹ muốn chọn ai? Chồng, mẹ hay bạn bè?
    • Nếu có thể ẵm con ngay, mẹ muốn ai là người giữ bé trong lúc mình ở phòng hồi sức?
    • Mẹ biết gì về các phương pháp giảm đau sau khi sinh?
    • Sau khi sinh, cần lưu ý điều gì để phục hồi nhanh chóng?

    Sau khi sinh mổ, mẹ bầu sẽ cần thời gian để hồi phục và chăm sóc vết thương; mẹ bầu có thể tìm hiểu thêm về tác động sau sinh mổ chủ động; cũng như cách để lành thẹo mổ nhé! Hy vọng với nội dung trên, mẹ bầu đã có thông tin tổng quan về sinh mổ trước ngày dự sinh; cũng như trả lời được câu hỏi có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh hay không.

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    C-section

    https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/c-section/about/pac-20393655

    Ngày truy cập: 23/12/2021

    Caesarean section

    https://www.nhs.uk/conditions/caesarean-section/

    Ngày truy cập: 23/12/2021

    The Increasing Trend in Caesarean Section Rates: Global, Regional and National Estimates: 1990-2014

    https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0148343

    Ngày truy cập: 23/12/2021

    Delivery by Cesarean Section

    https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/prenatal/delivery-beyond/pages/Delivery-by-Cesarean-Section.aspx

    Ngày truy cập: 23/12/2021

    x