Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Trần Nguyễn Thục Uyên
Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung
Cập nhật 3 tuần trước

Dấu hiệu chuyển dạ sớm: Cách nhận biết và chuẩn bị an toàn cho mẹ bầu

Dấu hiệu chuyển dạ sớm: Cách nhận biết và chuẩn bị an toàn cho mẹ bầu
Nếu có dấu hiệu chuyển dạ sớm, các mẹ bầu cũng đừng quá hoảng loạn, hãy bình tĩnh và cố gắng giữ cho bản thân thoải mái nhất có thể.

Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày hoặc 40 tuần. Nhưng không có cách nào để biết chính xác khi nào mẹ bầu sẽ chuyển dạ. Do đó, hãy cùng MarryBaby chuẩn bị những kiến thức cần thiết để đối phó trong trường hợp có dấu hiệu chuyển dạ sớm nhé.

Các dấu hiệu chuyển dạ sớm mẹ bầu cần lưu ý

Trước ngày chuyển dạ khoảng 1 tuần, mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy cơ thể hơi khang khác. Các dấu hiệu báo hiện tượng chuyển dạ sớm ở mỗi mẹ bầu là khác nhau, còn dưới đây là các tình huống phổ biến nhất.

Mỗi mẹ bầu có thể trải qua các dấu hiệu chuyển dạ khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến mà mẹ cần lưu ý để chuẩn bị cho hành trình vượt cạn sắp tới

1. Sa bụng bầu (bụng bầu tụt xuống thấp)

Sa bụng bầu xảy ra khi thai nhi di chuyển thấp xuống gần khung xương chậu, thường xuất hiện từ 2 – 4 tuần trước sinh. Đi kèm với triệu chứng này là tình trạng đi tiểu nhiều, mẹ có thể thấy dễ chịu hơn, dễ thở hơn do thai nhi không còn gây áp lực lên cơ hoành. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy giai đoạn chuyển dạ đang đến gần.

2. Bong nút nhầy

Nút nhầy bong ra là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dạ sớm ở các mẹ bầu. Nút nhầy được xem như niêm mạc tử cung có bề dày lớn nằm tại lỗ cổ tử cung, hoạt động như một hàng rào bảo vệ tử cung trước vi khuẩn, virus và các nguồn lây nhiễm khác.

Chất nhầy này đặc hơn dịch âm đạo thông thường. Nó có màu hồng hoặc nâu, tiết ra nhiều và thường xuyên, có thể xuất hiện trước ngày chuyển dạ 1 – 2 tuần hoặc thậm chí chỉ khoảng vài giờ.

3. Vỡ nước ối

Vỡ nước ối là hiện tượng túi ối bị vỡ, làm rò rỉ chất lỏng ấm, trong, có mùi hôi mốc ra ngoài theo đường âm đạo của mẹ. Tình trạng này thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, nhưng cũng có một số mẹ bầu sẽ vỡ nước ối trước đó.

Theo Medlineplus (trực thuộc Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ), hầu hết phụ nữ sẽ tự chuyển dạ trong vòng 24 giờ sau khi vỡ nước ối. Tuy nhiên, tình trạng nước ối vỡ càng sớm (trước 37 tuần) thì càng nghiêm trọng đối với cả mẹ bầu và em bé.
Dấu hiệu chuyển dạ sớm
Vỡ nước ối là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy chuyển dạ sớm.

4. Cơn co thắt mạnh

Các cơn co thắt tăng dần về cả về cường độ, tần suất và thời gian là dấu hiệu sớm cho biết hiện tượng chuyển dạ sắp diễn ra. Hiện tượng này sẽ khiến mẹ thấy cực kỳ khó chịu ở vùng thắt lưng hoặc bụng. Thông thường, các cơn co thắt sẽ tăng tần suất từ 1 phút rưỡi đến 3 phút, và mỗi lần kéo dài từ 60 – 90 giây.

5. Buồn nôn, tiêu chảy và muốn đi vệ sinh

Những triệu chứng này thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ trước khi chuyển dạ thực sự.

Theo Bác sĩ Sản phụ khoa Wetter, mẹ có thể thấy mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn và đột nhiên muốn đi vệ sinh trong giai đoạn đầu chuyển dạ. Nguyên nhân một phần là vì em bé đang đè lên trực tràng của mẹ.

6. Bản năng “làm tổ”

“Làm tổ” đúng như tên gọi của nó, là hành động mà mẹ chuẩn bị tổ ấm để đón bé yêu chào đời. Trong giai đoạn này, các mẹ đột nhiên có một nguồn năng lượng dồi dào, kéo theo mong muốn dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa thật ngăn nắp.

Quá trình “làm tổ” có thể bắt đầu từ khi mang thai ở tuần thứ 24, nhưng thường đạt đỉnh điểm vào vài tuần trước khi em bé chào đời. Vì những đợt bùng nổ năng lượng này có xu hướng xảy ra vào cuối thai kỳ, một số mẹ bầu tin rằng đây cũng là dấu hiệu chuyển dạ sớm.

Mẹ bầu cần làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm?

Thời gian chuyển dạ khác nhau tùy cơ địa mỗi người. Một số mẹ bầu cần từ 5 – 14 giờ mới sinh, trong khi có người chuyển dạ nhanh và sinh ngay sau dấu hiệu đầu tiên. Do đó, khi nhận thấy hiện tượng chuyển dạ diễn ra, mẹ bầu bình tĩnh và thực hiện theo 5 bước sau:

1. Đánh giá tình huống

Mẹ cần đánh giá tình trạng bản thân để xác định xem mình có đủ thời gian đến bệnh viện hay không. Nếu mẹ có những cơn co thắt mạnh, kéo dài, mỗi cơn cách nhau chưa đến 5 phút hoặc nếu nước ối bị vỡ và có cảm giác muốn rặn đẻ thì đó có thể là những dấu hiệu sớm trước khi mẹ chuyển dạ.

2. Nhờ giúp đỡ

Mẹ cần nhờ một người gọi giúp gọi vào số điện thoại cấp cứu y tế 115 ngay lập tức, lắng nghe nhân viên trực tổng đài hướng dẫn và hỗ trợ mẹ sinh cho đến khi xe cấp cứu đến.

3. Bình tĩnh và bình tĩnh

Nếu các dấu hiệu chuyển dạ sớm đã diễn ra và mẹ không kịp đến bệnh viện, hãy cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh. Nếu đây là lần đầu sinh con, mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi dấu hiệu chuyển dạ cho thấy bé đã ở vị trí lý tưởng để sẵn sàng di chuyển qua kênh sinh của mẹ.

4. Làm cho bản thân thoải mái nhất có thể

Để có thể chuẩn bị sinh con tốt nhất, mẹ bầu hãy hạ thấp người và lót một chiếc khăn mềm hoặc mền bên dưới để em bé tiếp đất nhẹ nhàng. Nếu mẹ đang ở một mình, hãy nằm ngửa, hai chân dang rộng để bé thuận lợi ra ngoài.

Mẹ lưu ý phải dùng sức để rặn bé ra hoàn toàn. Khi em bé đã ra ngoài, mẹ nên lấy khăn ủ ấm cho bé, đồng thời lau hết nhớt ở miệng bé.

5. Không tự ý cắt dây rốn khi bé chào đời

Ngay sau khi bé chào đời, hãy đặt bé nằm lên ngực của mẹ (da kề da) và lau khô bằng khăn mềm, sạch. Sự tiếp xúc này sẽ giúp giữ ấm cho bé. Đa phần, trẻ sẽ tự hô hấp mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào và chỉ 1% cần sự hỗ trợ.

Mẹ đừng tự ý cắt dây rốn, bởi nếu không có kinh nghiệm hoặc không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, việc tự ý cắt dây rốn cho trẻ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thay vào đó, mẹ có thể cột dây rốn của bé bằng chỉ hoặc sợi vải xé để thắt đường dẫn máu giữa bé và mẹ. Điều này giúp cho bé tránh được tình trạng mất máu khi mẹ tiếp tục sổ nhau thai.

Mẹ nên giữ trạng thái bình tĩnh nhất có thể khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm.
Mẹ nên giữ trạng thái bình tĩnh nhất có thể khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm.
Mẹ bầu có thể tham gia Cộng đồng – Chăm sóc mẹ bầu sau sinh trên MarryBaby, để đặt câu hỏi và được bác sĩ trả lời hoàn toàn không mất phí nhé.

Các câu hỏi thường gặp

Đau bụng chuyển dạ ở vị trí nào?

Cơn đau chuyển dạ thường xuất hiện ở vùng thắt lưng, bụng dưới và háng do tử cung co bóp mạnh để đẩy em bé qua ống sinh. Một số mẹ bầu cũng có thể cảm thấy đau lan xuống đùi hoặc hông.

Tiêu chảy có phải dấu hiệu sắp sinh?

Tiêu chảy là một trong những dấu hiệu chuyển dạ sớm phổ biến. Nguyên nhân là do áp lực của thai nhi tăng lên trực tràng và sự thay đổi hormone trong cơ thể mẹ.

Kết luận

Dấu hiệu chuyển dạ sớm là điều khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và tinh thần, mẹ hoàn toàn có thể vượt cạn an toàn. Hãy nhớ giữ liên lạc với bác sĩ và đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết mẹ nhé.

Bạn có thể quan tâm:

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

Cramping and Other Signs of Early Labor in Pregnancy

https://www.parents.com/pregnancy/giving-birth/signs-of-labor/early-labor-checklist/ 

Ngày truy cập: 26/11/2024

How to Tell When Labor Begins

https://www.acog.org/womens-health/faqs/how-to-tell-when-labor-begins 

Ngày truy cập: 26/11/2024

Signs and symptoms of preterm labor

https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/birth/signs-and-symptoms-preterm-labor 

Ngày truy cập: 26/11/2024

Signs of Labor

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/signs-of-labor/ 

Ngày truy cập: 26/11/2024

What are the symptoms of preterm labor?

https://www.nichd.nih.gov/health/topics/preterm/conditioninfo/symptoms 

Ngày truy cập: 26/11/2024

x