Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Xuân An
Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung
Cập nhật 19/10/2022

Tam cá nguyệt thứ nhất và những điều mẹ cần biết

Tam cá nguyệt thứ nhất và những điều mẹ cần biết
Tam cá nguyệt thứ nhất hay ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn vô cùng nhạy cảm với cả mẹ và em bé trong bụng. Đây là lúc thai nhi mới thụ hình và mẹ sẽ cần thay đổi nhiều trong thói quen sinh hoạt của mình để đảm bảo an toàn cho con. Vậy, cách giúp mẹ bầu vượt qua 3 tháng đầu là gì? Tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì? MarryBaby chia sẻ với mẹ bầu trong bài viết sau đây!

Ở tam cá nguyệt thứ nhất, cơ thể mẹ vừa nhận được “tín hiệu” về chuyện bầu bí và bắt đầu thay đổi để chuẩn bị cho hơn 9 tháng “mang nặng” sắp tới. Trong bài viết, mẹ bầu sẽ được cung cấp thông tin tổng quan về 3 tháng đầu và biết tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì.

Tam cá nguyệt thứ nhất là gì?

Tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn sớm nhất của thai kỳ. Giai đoạn này bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng – trước khi bạn thực sự mang thai; và kéo dài cho đến cuối tuần thứ 13. Đó là khoảng thời gian đáng mong đợi và có những thay đổi nhanh chóng cho cả mẹ bầu và con.

Điều gì sẽ xảy ra ở người mẹ trong tam cá nguyệt thứ nhất?

1. Cơ thể của mẹ bầu sẽ thay đổi như thế nào trong tam cá nguyệt thứ nhất?

Thông thường, mất kinh nguyệt sẽ là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu mẹ đã có thai; tuy nhiên, có nhiều những sự thay đổi khác các mẹ có thể nhận thấy như sau:

  • Ngực căng, sưng. Ngay sau khi thụ thai, những thay đổi về nội tiết tố có thể khiến ngực mẹ bầu nhạy cảm hoặc đau. Cảm giác khó chịu có thể sẽ giảm sau vài tuần khi cơ thể mẹ đã thích nghi.
  • Ốm nghén. Cảm giác buồn nôn và nôn ói có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong ngày hoặc đêm; chúng thường bắt đầu một tháng sau khi bạn mang thai. Điều này có thể là do lượng hormone tăng cao.
  • Đi tiểu thường xuyên hơn. Lượng máu trong cơ thể tăng lên khi mang thai; khiến thận của mẹ bầu xử lý thêm chất lỏng dồn vào bàng quang.
  • Mệt mỏi. Trong thời kỳ đầu mang thai, lượng hormone progesterone tăng cao có thể khiến mẹ bầu buồn ngủ.
  • Thèm ăn và không thích ăn. Khi mang thai, mẹ bầu có thể trở nên nhạy cảm hơn với một số mùi nhất định; và vị giác của mẹ có thể thay đổi. Giống như hầu hết các triệu chứng khác của thai kỳ, sở thích ăn uống có thể phụ thuộc vào sự thay đổi nội tiết tố.
  • Ợ nóng. Hormone thai kỳ làm giãn van giữa dạ dày và thực quản có thể làm axit dạ dày trào ngược vào thực quản; gây ra ợ nóng.
  • Táo bón. Nồng độ cao của hormone progesterone có thể làm chậm sự di chuyển của thức ăn trong hệ thống tiêu hóa của mẹ bầu. Ngoài ra, bổ sung sắt có thể làm tăng thêm tình trạng này.

Điều gì sẽ xảy ra ở người mẹ trong tam cá nguyệt thứ nhất?

2. Cảm xúc của mẹ bầu sẽ thay đổi như thế nào trong tam cá nguyệt thứ nhất?

Mang thai có thể khiến mẹ bầu cảm thấy vui mừng, lo lắng, phấn khích và kiệt sức; hoặc đôi khi tất cả cảm xúc diễn ra cùng một lúc. Ngay cả khi mẹ bầu đang hồi hộp về việc mang thai; một em bé mới sinh sẽ khiến mẹ thêm căng thẳng về mặt tinh thần.

Việc lo lắng về sức khỏe của con, hoặc thấy căng thẳng về việc phải điều chỉnh phù hợp với vai trò làm cha mẹ và nhu cầu tài chính của việc nuôi dạy một đứa trẻ là điều đương nhiên. Nếu đang đi làm, mẹ bầu có thể lo lắng về việc làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu của gia đình và sự nghiệp.

Mẹ bầu cũng có thể cảm thấy tâm trạng thay đổi thất thường. Những gì mẹ bầu đang cảm thấy là bình thường. Hãy chăm sóc bản thân và tìm đến những người thân yêu để được hỗ trợ và động viên. Nếu thay đổi tâm trạng của mẹ bầu trở nên nghiêm trọng hoặc dữ dội, hãy nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia.

Các triệu chứng bất thường trong tam cá nguyệt thứ nhất

1. Chảy máu âm đạo

Mẹ bầu thỉnh thoảng có một số đốm máu nhỏ là bình thường; nhưng chảy máu nhiều có thể là dấu hiệu của sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung.

Nếu mẹ bầu bị chảy máu và chuột rút nặng tương tự như chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt; đây có thể là dấu hiệu của dọa sẩy thai. Nếu tình trạng này xảy ra cùng lúc với đau nhói, đau bụng dưới, đó có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung; một biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng.

2. Ốm nghén nặng

Mẹ bầu có thể buồn nôn và nôn mửa trong tam cá nguyệt đầu tiên. Hầu hết phụ nữ mang thai đều trải qua điều đó. Nhưng nếu ốm nghén trở nên nghiêm trọng hoặc khiến mẹ bầu mất nước; đó là điều cần chú ý. Nếu mẹ bầu không thể giữ bất kỳ nước hoặc chất lỏng nào trong hơn 12 giờ (nôn nhiều); hãy gọi cho bác sĩ.

Đó là mức độ ốm nghén nặng, dẫn đến sụt cân, chóng mặt, mất nước và mất cân bằng điện giải.

Các triệu chứng bất thường trong tam cá nguyệt thứ nhất

3. Sốt cao

Sốt cao hơn 38 độ C khi mang thai có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Sốt cao có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng, nhiễm siêu vi; và ảnh hưởng đến em bé.

Sốt khi mang thai kèm theo phát ban và đau khớp có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng như cytomegalovirus (CMV), toxoplasma và parvovirus. CMV là nguyên nhân phổ biến nhất gây điếc bẩm sinh.

4. Tiết dịch âm đạo và ngứa

Một số dịch tiết âm đạo là bình thường. Nhưng trong một số trường hợp có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong thai kỳ.

5. Đau hoặc bỏng rát khi đi tiểu

Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu, và nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng, chuyển dạ sinh non và sinh non.

6. Đau chân hoặc bắp chân, hoặc sưng ở một bên / Đau đầu dữ dội

Điều này không xảy ra trong tất cả các trường hợp mang thai. Nhưng mang thai làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông ở bắp chân có thể khiến chân sưng đau và có thể di chuyển đến phổi, nặng nhất là gây tử vong.

Cục máu đông trong não có thể khiến mẹ bầu có cơn đau đầu dữ dội. Nhưng cũng có những nguyên nhân khác có thể gây ra chứng đau đầu khi mang thai.

7. Bùng phát các bệnh mãn tính

Những phụ nữ có một số bệnh từ trước; chẳng hạn như bệnh tuyến giáp, tiểu đường, huyết áp cao, hen suyễn và/hoặc lupus; nên lưu ý đến những thay đổi về tình trạng bệnh của mình khi mang thai. Vì nếu bệnh nền của bạn bùng phát hoặc không được kiểm soát tốt; nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và con trong tam cá nguyệt đầu tiên.

Ví dụ, nếu hormone tuyến giáp của mẹ bầu quá cao hoặc quá thấp; mẹ bầu có thể gặp nguy cơ sẩy thai. Hoặc, nếu lượng đường trong máu của mẹ bầu không được kiểm soát chặt chẽ; mẹ bầu có thể bị sẩy thai hoặc gây bất thường thai nhi.

Sự thay đổi và phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ nhất là gì?

1. Tháng 1 – Thai nhi được 4 tuần tuổi

Thai nhi 4 tuần tuổi chính là giai đoạn phôi thai đang tăng trưởng rất mãnh liệt để hình thành và phát triển những cơ quan, bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên, bé lúc này vẫn còn khá nhỏ và chưa rõ ràng. Mẹ bầu tìm hiểu thêm chi tiết về Sự phát triển của thai nhi 4 tuần tuổi để nắm thông tin về con nhé.

>>>> Mẹ bầu có thể đọc thêm Các chỉ số thai nhi theo tuần: Chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi

Sự thay đổi và phát triển của thai nhi

2. Tháng 2 – Thai nhi được 8 tuần tuổi

Ở tuần thai thứ 8, hình hài của bé đã phát triển tương đối đầy đủ và sẵn sàng để tăng cân trong những tháng tới. Trong tuần này, điều quan trọng là tập thói quen kết nối với bé ngay từ trong bụng mẹ.

Mẹ biết không, bắt đầu từ tuần thai thứ 8, thai nhi theo từng tuần sẽ là phiên bản thu nhỏ của em bé sau khi chào đời. Thai nhi 8 tuần tuổi đã hình thành tất các các cơ quan quan trọng của cơ thể. Đây cũng là thời điểm mẹ và bé sẽ đến gặp bác sĩ lần thứ hai, đừng quên nhé!

>>>> Mẹ bầu tìm hiểu ngay về những thay đổi của thai nhi lúc 8 tuần tuổi

3. Tháng 3 – Thai nhi được 12 tuần tuổi

Thai 12 tuần tuổi đã có kích thước cơ thể tương ứng với phần đầu. Đây là tuần đánh dấu những bước phát triển quan trọng của bé. Đồng thời, mẹ cũng đang bước sang tam cá nguyệt thứ hai với nguồn năng lượng dồi dào hơn

Thai nhi 12 tuần tuổi có chiều dài từ đầu đến mông khoảng 5,334cm, cân nặng khoảng 14g tương đương một quả chanh. Bây giờ bé đã có gần như đầy đủ các bộ phận và sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.

Bà bầu cần làm gì trong tam cá nguyệt thứ nhất?

1. Chế độ dinh dưỡng

Tam cá nguyệt thứ nhất bà bầu không cần ăn quá nhiều nhưng phải đảm bảo đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ bầu cần bổ sung thêm khoảng 300 calorie mỗi ngày. Không quá quan trọng bạn có tăng cân hay không ở tam cá nguyệt đầu. Đặc biệt, mẹ bầu đừng quên những dưỡng chất quan trọng sau đây để đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nhé.

>>>> Mẹ bầu xem thêm Nhóm thực phẩm giúp mẹ khỏe, con thông minh nhé

2. Duy trì thói quen vận động

Trong suốt tháng đầu mang thai; nếu không mắc phải một vấn đề sức khỏe nào; mẹ bầu nên tập luyện 3-4 lần trong tuần. Bài tập đi bộ là bước khởi đầu lý tưởng nhất cho mẹ bầu, đặc biệt là khi mẹ bầu chưa có thói quen nhiều trước khi mang thai.

Đối với mẹ bầu chưa tập luyện nhiều trước khi mang thai, hãy bắt đầu với 10 phút đi bộ và tối đa 30 phút mỗi ngày; tần suất từ 3 đến 5 lần một tuần. Để tránh bị ngã, hãy tránh đường không bằng phẳng hoặc lối đi có đá. Yoga cũng là một lựa chọn rất tốt.

Tuy nhiên, thường 3 tháng đầu mẹ bầu hay bị mệt mỏi vì ốm nghén, nên không nhất thiết phải tập luyện thường xuyên. Đặc biệt với những mẹ bầu có tiền căn sẩy thai hoặc đang có dấu hiệu động thai thì không nên vận động nhiều.

Nếu mẹ bầu thường xuyên có những hoạt động thể thao nguy hiểm như cưỡi ngựa, lặn, thi đấu đối kháng, thể dục dụng cụ, trượt ván, trượt patin… hãy ngừng những hoạt động này ngay, vì đây không phải là bài tập cho bà bầu 3 tháng đầu phù hợp; và dẫn đến nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.

>>>> MarryBaby gợi ý mẹ bầu những bài tập phù hợp thể trạng của mẹ trong tam cá nguyệt thứ nhất

3. Biết cách nghỉ ngơi đúng lúc

  • Dành thời gian cho bản thân mỗi ngày: Làm điều gì đó mà mẹ bầu thích. Hãy ngâm mình trong bồn nước ấm, nghe nhạc nhẹ nhàng, nhắm mắt lại, nhẹ nhàng xoa bóp vết sưng tấy; bất cứ điều gì khiến mẹ bầu cảm thấy bình yên.
  • Nói chuyện với người mà mẹ bầu tin tưởng: Nói ra những lo lắng của bạn với một người bạn, thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp thấu hiểu và đáng tin cậy có thể tạo nên sự khác biệt.
  • Yêu cầu sự giúp đỡ thiết thực từ gia đình hoặc bạn bè: Họ có thể nấu cho mẹ bầu một bữa ăn, giúp bạn mua sắm, hoặc trông nom con cái.
  • Hãy thực tế về mức độ mẹ bầu có thể làm (cho dù ở cơ quan, ở nhà hay trong cuộc sống xã hội của bạn).
  • Gặp gỡ những phụ nữ mang thai khác hoặc cha mẹ mới: Chia sẻ cảm xúc của mình với những người khác có cùng trải nghiệm có thể giúp mẹ bầu bớt bị cô lập.
  • Đừng tin vào những lời thổi phồng: Mọi người sẽ phải đối mặt với những thách thức của riêng họ. Rất nhiều phụ nữ cảm thấy thấp thỏm khi mang thai hoặc sau khi sinh; nhưng cũng có rất nhiều người che giấu cảm xúc thực của mình, đặc biệt là ở nơi công cộng.

tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì

4. Báo tin cho người thân trong tam cá nguyệt thứ

Thời điểm thông báo mang thai là một quyết định hoàn toàn mang tính cá nhân; và thường phụ thuộc vào người mẹ bầu đang chia sẻ. Nhìn ​​chung, mẹ bầu càng gần gũi với ai đó thì người thân cận càng nên có lịch trình thông báo mang thai.

Khi phát hiện ra mình có thai, mẹ bầu có thể muốn giữ chuyện này cho bản thân và bạn đời một thời gian, hoặc có thể chỉ nói với một người thân hoặc bạn thân; người có thể hỗ trợ khi mẹ bầu bị xúc động hay cần ý tưởng tên em bé.

Nhiều bậc cha mẹ sắp tương lai chỉ chia sẻ tin tức của họ với một số rất ít gia đình và bạn bè thân thiết trong những tuần đầu, trước khi đưa ra thông báo lớn khi họ đã bước qua tam cá nguyệt đầu tiên. Đừng cảm thấy áp lực khi phải nói với bất kỳ ai cho đến khi mẹ bầu đã sẵn sàng. Có thể mẹ bầu nên chia sẻ sớm tin mình đang mang thai với một người bạn thân nhất để có những hỗ trợ trong giai đoạn đầu.

>>>> Mẹ bầu có biết Thèm ngọt sinh con trai hay gái? Cách dự đoán này có chính xác?

5. Tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì?

Tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn tương đối nhạy cảm; ngoài những cách giúp mẹ bầu chăm sóc bản thân, nhiều mẹ cũng băn khoăn không biết tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì không? MarryBaby gửi mẹ bầu một vài lưu ý nhé:

  • Không nên tự dùng thuốc vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và con.
  • Không thường xuyên ăn đồ ăn vặt vì chúng sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Không hút thuốc, uống rượu bia; hạn chế nước ngọt, thức uống chứa caffein. Nếu bạn đang mang thai, bất cứ thứ gì bạn đưa vào cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến con bạn. Hút thuốc, uống rượu hoặc chất kích thích có thể gây bất lợi cho sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe của con.
  • Không tiêu thụ thức ăn đường phố để tránh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
  • Không ăn đu đủ sống và dứa sống.
  • Tránh thực phẩm có chất bảo quản và thuốc trừ sâu.
  • Tránh mất nước và bị căng thẳng.
  • Tránh gắng sức và tập các bài tập mạnh.
  • Không tiêu thụ thực phẩm dẫn đến táo bón.
  • Không vào phòng xông hơi khô hoặc phòng xông hơi ướt hoặc tắm nước quá nóng.

>>>> Mẹ bầu xem thêm Bà bầu không nên ăn gì trong 3 tháng đầu thai kỳ? để biết tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì

Những sàng lọc cần làm trong tam cá nguyệt thứ nhất

Sàng lọc trước sinh khi mang thai ba tháng đầu bao gồm:

  • Xét nghiệm máu của thai phụ để đo nồng độ của hai chất đặc biệt xuất hiện trong thời kỳ mang thai.

    • Pregnancy associated plasma protein A (PAPP-A). Một loại protein được sản xuất bởi nhau thai trong thời kỳ đầu của thai kỳ. Mức độ bất thường có liên quan đến tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.
    • Human chorionic gonadotropin (hCG). Một loại hormone được sản xuất bởi nhau thai trong thời kỳ đầu của thai kỳ. Mức độ bất thường có liên quan đến tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.
  • Siêu âm thai để đo độ dày của khoảng mờ sau gáy thai nhi.
  • Siêu âm xác định xương mũi của thai nhi. Xương mũi có thể không phát triển ở thai có bất thường về nhiễm sắc thể, chẳng hạn như hội chứng Down.
  • Sàng lọc trước sinh có thể thực hiện được sớm nhất từ tuần thứ 9 của thai kỳ với xét nghiệm NIPT (sàng lọc trước sinh không xâm lấn). Với siêu âm đo độ mờ da gáy và Double test thì thực hiện vào thời điểm giữa tuần 11 và 14.

    Dựa trên tuổi của mẹ bầu, kết quả xét nghiệm máu, kết quả siêu âm, phần mềm thuật toán có thể tiên lượng khả năng thai nhi có bị mắc hội chứng Down, hay rối loạn ba nhiễm sắc thể số 13, 18 hay không. Với xét nghiệm NIPT còn có thể đánh giá nguy cơ bất thường của nhiều nhiễm sắc thể và gen khác.

    Hy vọng thông tin trong bài viết đủ tổng quan để giúp mẹ bầu hiểu thêm về tam cá nguyệt thứ nhất. Cũng như biết tam cá nguyệt thứ nhất kiêng gì.

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    The First Trimester

    https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/the-first-trimester

    Ngày truy cập: 24/12/2021

    The First Trimester

    https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=first-trimester-85-P01218

    Ngày truy cập: 24/12/2021

    Danger signs in pregnancy

    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK304178/

    Ngày truy cập: 24/12/2021

    Prenatal Genetic Screening Tests

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/prenatal-genetic-screening-tests

    Ngày truy cập: 24/12/2021

    First trimester

    https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/basics/first-trimester/hlv-20049471

    Ngày truy cập: 24/12/2021

    x