Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Lê Phương Thảo
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung
Cập nhật 28/08/2023

Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non như thế nào mới là tốt?

Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non như thế nào mới là tốt?
Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ có cơ hội khám phá cảm xúc và thể hiện chúng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm lời nói.

Cũng giống như thanh thiếu niên, trẻ em cũng cần một chiến lược toàn diện để kiểm soát và phát triển điều này. Trong bài viết dưới đây, Marrybaby sẽ cùng mẹ tìm hiểu về vai trò, nguyên tắc và một số phương pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non.

1. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non là gì?

Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non (emotional education) giúp trẻ xác định, hiểu rõ và quản lý cảm xúc của chính mình. Khi trẻ biết cách làm việc tốt với cảm xúc của mình, bé sẽ có khả năng thể hiện bản thân một cách hiệu quả; đặt mục tiêu tích cực và phát triển sự đồng cảm.

Tất cả những kỹ năng bé có sau khi được giáo dục cảm xúc sẽ giúp bé nhận ra và hiểu cảm xúc của người khác tốt hơn. Thông qua quá trình này, trí tuệ cảm xúc được bồi dưỡng và nâng cao.

2. Vì sao giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non lại quan trọng?

Theo National Center for Safe and Supportive Learning Environments (Mỹ) thì sự phát triển cảm xúc ảnh hưởng tích cực đến 5 khía cạnh quan trọng của sự phát triển của bé: (1) lòng tự trọng lành mạnh, (2) nhận thức xã hội, (3) quản lý cảm xúc tốt hơn, (4) dám tự đưa ra quyết định và (5) xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Những kỹ năng này thường là tiền đề cho sự thành công của trẻ trong trường học và xã hội.

Các hoạt động vui chơi thể chất thường khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc, rèn luyện các kỹ năng giải quyết vấn đề và khám phá trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, sự phát triển về mặt cảm xúc cần nhiều hơn thế. Với những trẻ mầm non được giáo dục cảm xúc từ bé sẽ phân biệt được tốt – xấu, phải – trái, xây dựng sự tự tin, duy trì tâm trạng tích cực và có những mối quan hệ tốt.

Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Sau đây là hướng dẫn cách giáo dục cảm xúc cho trẻ theo từng lứa tuổi cho cha mẹ tham khảo.

Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non vì sao quan trọng?
Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non vì sao quan trọng?

3. Hướng dẫn cách giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non theo tuổi

3.1 Đối với trẻ 3 – 4 tuổi

  • Sử dụng từ ngữ để diễn tả các cảm xúc đơn giản như vui, buồn, tức giận, hứng thú,…
  • Hiểu một số cảm xúc mạnh mẽ từ người khác.
  • Hào phóng trong việc chia sẻ, nhưng không phải lúc nào chúng cũng làm điều này.
  • Làm một số việc thể hiện tình cảm với bạn bè, ví dụ như vẽ cho bạn một bức tranh mà không cần đến sự gợi ý của người lớn.
  • Xem thêm: Bé 3 tuổi: Hiểu tâm lý và sự phát triển để dạy con nhàn tênh

    3.2 Đối với trẻ 4 – 5 tuổi

    • Bắt đầu thể hiện các cảm xúc phức tạp hơn như phấn khích, thất vọng, xấu hổ,… đặc biệt là khi ba mẹ khuyến khích trẻ chia sẻ điều này nhiều hơn.
    • Che giấu về điều gì đó nếu chúng cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ, thậm chí có thể nói rằng “Không phải con” mặc dù sự thật là chúng đã làm.
    • Giỏi hơn trong việc quản lý các cảm xúc mạnh mẽ như tức giận và ít nổi cơn thịnh nộ.
    • Hợp tác hơn với những đứa trẻ khác, ví dụ bé đồng ý làm khách hàng và để bạn làm chủ cửa hàng trong trò chơi đi chợ.

    3.3 Đối với trẻ từ 5 tuổi

    • Kiên nhẫn hơn khi chờ đợi.
    • Cố gắng tuân theo các luật lệ để tránh khỏi rắc rối.
    • Sử dụng từ ngữ để mô tả các cảm xúc phức tạp như thất vọng, tội lỗi, ghen tị,…
    • Nhận thức rõ ràng hơn về cảm xúc của chúng đối với người khác và hành động theo cảm xúc đó, ví dụ nếu trẻ yêu quý ai trong gia đình chắc chắn chúng sẽ muốn ở bên và giúp đỡ nhiều hơn.

    Tuy nhiên, không phải tất cả đứa trẻ đều sẽ có quá trình phát triển như trên. Khi lớn dần, trẻ sẽ học cách xác định và thể hiện cảm xúc theo cách tích cực hoặc tiêu cực, tùy vào sự giáo dục mà bé nhận được.

    Ba mẹ có thể tham khảo quá trình trên để nắm được bé nhà mình đang ở giai đoạn nào để từ đó kết hợp cùng thầy cô giáo để có phương pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non tốt nhất.

    4. Nguyên tắc quan trọng khi giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non

    Có 3 nguyên tắc quan trọng mà ba mẹ cần lưu ý:

    Nguyên tắc 1: Mỗi đứa trẻ là khác nhau.

    Chính vì vậy, cách giáo dục cũng cần phải khác nhau để trẻ có thể phát huy thế mạnh của mình. Ví dụ, với trẻ ít nói, nhút nhát thì cần hỏi han và quan tâm nhiều đến bé để bé có thể nói lên quan điểm của mình.

    Với trẻ lì lợm thì cần rèn luyện tính kiên nhẫn và kiểm soát tâm trạng. Các nhà tư vấn và trị liệu có thể hỗ trợ ba mẹ trong việc xác định loại trò chơi thích hợp với con. Ví dụ như các trò chơi dưới nước, trò chơi xếp hình, lego,…

    Nguyên tắc 2: Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non phải được thực hiện thường xuyên và liên tục.

    Ở độ tuổi này, trẻ chưa có nhiều nhận thức về đúng, sai và thế giới xung quanh nên bất kỳ thói xấu, tốt nào đều có thể dễ dàng tiếp thu. Việc duy trì giáo dục cảm xúc thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn liền với cuộc sống thực tế sẽ giúp trẻ nâng cao sự tự giác và kỹ năng giải quyết vấn đề.

    Nguyên tắc 3: Ba mẹ cần phải làm tấm gương cho con trẻ

    Trẻ quan sát cách người lớn thể hiện cảm xúc của mình và có thể thực hiện theo. Vậy nên, ba mẹ có thể là tấm gương tốt nếu quản lý cảm xúc của mình theo hướng tích cực. Ví dụ, khi trẻ đang bướng bỉnh hay đập phá đồ đạc, ba mẹ đáp lại bằng sự bình tĩnh và thấu hiểu sẽ giúp bé bình tĩnh lại và bắt đầu lắng nghe.

    Nguyên tắc khi dạy trẻ về cảm xúc
    Nguyên tắc giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non

    5. Phương pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non

    5.1. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non thông qua các hoạt động vui chơi hàng ngày

    Xác định và gọi tên cảm xúc là bước đầu tiên và rất quan trọng. Nhiều trẻ mẫu giáo chưa có đủ từ vựng để có thể xác định các từ như tức giận, thất vọng, buồn bã,… Khi người lớn hỗ trợ và giải thích, trẻ sẽ hiểu những gì chúng có thể làm để quản lý cảm xúc của mình.

    Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non không đơn giản nhưng ba mẹ có thể cùng con chơi một số hoạt động hàng ngày, ví dụ như:

    • Hỏi trẻ những điều cảm thấy hứng thú, vui vẻ trong ngày.
    • Tạo ra những khuôn mặt cảm xúc khác nhau để trẻ đoán xem bạn có thể đang cảm thấy điều gì.
    • Đưa trẻ ra ngoài chơi, nhất là các khu vực rộng rãi, tạo điều kiện cho trẻ chạy, nhảy, lăn lộn,… để bộc lộ cảm xúc.
    • Khuyến khích bé vẽ như một cách thể hiện cảm xúc. Tô màu hoặc vẽ tranh có thể xoa dịu cảm xúc thất vọng hoặc buồn bã.
    • Để con dẫn dắt trò chơi theo ý mình. Trẻ sẽ dễ dàng bày tỏ cảm xúc hơn nếu chúng cảm thấy mình có trách nhiệm trong đó.
    • Khuyến khích trẻ nhảy theo nhạc hoặc tạo ra âm nhạc từ các nhạc cụ đơn giản là hoạt động giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non dễ thực hiện.
    • Tổ chức các bữa ăn nhẹ với bim bim hoặc khoai tây chiên và bảo trẻ làm nhiều biểu cảm nhất có thể với thức ăn. Sau đó, thưởng cho trẻ vì con đã cố gắng.
    • Trong giờ ăn, kể cho trẻ nghe về một tình huống khiến bạn có cảm xúc cụ thể, ví dụ vui, buồn, thất vọng, tức giận,… và nói với con hãy chia sẻ điều khiến con có cùng cảm xúc tương tự.
    • Cùng con đặt câu hỏi về cảm xúc của bản thân và những người khác. Ví dụ, khi trẻ thấy em khóc thì là do em đói hoặc em muốn được bế,… Nhờ đó, trẻ sẽ rèn được khả năng quan sát và quan tâm đến người khác

    5.2. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non thông qua sách, truyện đọc

    Sách và truyện là một trong những công cụ đắc lực giúp giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non. Hơn nữa, ngoài việc ba mẹ có thế hướng dẫn trẻ dễ dàng thì đây còn là một không gian nuôi dưỡng cảm xúc cho con.

    Trong khi đọc truyện cho trẻ nghe, hãy để trẻ thử đoán xem các nhân vật trong truyện đang cảm thấy như thế nào. Đặt một số câu hỏi như “Bạn gấu làm rơi mất con cá rồi, gấu sẽ cảm thấy thế nào nhỉ?”, “Con thể hiện cảm xúc của gấu cho ba/mẹ xem được không?”

    Xem thêm: Phương pháp giáo dục Steiner trong giáo dục trẻ mầm non

    5.3. Xây dựng môi trường tích cực

    Ngoài môi trường lớp học thì nhà là yếu tố quan trọng giúp ba mẹ giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ mầm non. Ba mẹ có thể sắp xếp đồ chơi ở nơi dễ dàng lấy để khuyến khích bé hoạt động tìm tòi, khám phá.

    Ngoài ra, một góc trải nghiệm cảm xúc cũng là gợi ý hay nếu phòng của trẻ rộng rãi. Ví dụ trang trí bằng những khuôn mặt còn trống để trẻ bộc lộ cảm xúc trong ngày lên tranh vẽ.

    Một số gia đình còn có ban công hoặc góc vườn nhỏ để trồng cây cảnh và cùng bé thực hiện các hoạt động thường ngày như chăm sóc cây, tưới nước, trò chuyện với bé về tác dụng của những loại cây này. Từ đó, trẻ quan sát, trẻ vui thích khi thấy các mầm cây lớn lên từng ngày, trẻ thấy buồn khi cây hoa bị héo hay bị gẫy cành,…

    Với việc tạo ra môi trường giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non như vậy, trẻ sẽ được trực tiếp khám phá và trải nghiệm cảm xúc của mình ngay cả khi không có thầy cô giáo hoặc bạn bè ở bên.

    5.4 Bình tĩnh để hỗ trợ con vượt qua cảm xúc khó

    Khi trẻ có những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận, đập phá đồ đạc,… vai trò của người lớn là cần phải hỗ trợ trẻ bình tĩnh lại để có thể nói về điều mình đang nhận thấy.

    Sau khi trẻ đã học được cách giữ bình tĩnh và nói về cảm giác của mình, trẻ sẽ bắt đầu học cách giải quyết vấn đề. Trò chuyện về các vấn đề và cách giải quyết chúng giúp trẻ phát triển tư duy linh hoạt và hiểu rằng có nhiều cách khác nhau để giải quyết một vấn đề. Khi đó, sự tự tin và thái độ “Tôi có thể làm được” sẽ dần được hình thành.

    Xem thêm: Câu đố vui cho trẻ em 6-7 tuổi rèn luyện trí thông minh

    Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non vừa mang lại cho trẻ cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội, xây dựng sự tự tin vừa giải tỏa những cảm xúc khó chịu một cách an toàn. Trong hành trình này, ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con nhé!

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    1. Ideas for Teaching Children about Emotions
    https://www.ecmhc.org/ideas/emotions.html
    Ngày truy cập: 17.08.2023

    2. Talking with preschoolers about emotions
    https://extension.psu.edu/programs/betterkidcare/early-care/tip-pages/all/talking-with-preschoolers-about-emotions
    Ngày truy cập: 17.08.2023

    3. Emotions and play: preschoolers
    https://raisingchildren.net.au/preschoolers/play-learning/play-preschooler-development/emotions-play-preschoolers
    Ngày truy cập: 17.08.2023

    4. Summertime, Playtime
    https://www.gse.harvard.edu/ideas/usable-knowledge/18/06/summertime-playtime
    Ngày truy cập: 17.08.2023

    5. Understanding the Stages of Emotional Development in Children
    https://www.rasmussen.edu/degrees/education/blog/stages-of-emotional-development/
    Ngày truy cập: 17.08.2023

    x