Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Uyen Tran
Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa MarryBaby
Cập nhật 2 tuần trước

Tổng hợp trò chơi cho trẻ mầm non, chơi trong nhà và chơi ngoài trời

Tổng hợp trò chơi cho trẻ mầm non, chơi trong nhà và chơi ngoài trời
Các trò chơi dành cho trẻ mầm non không chỉ mang lại những phút giây vui vẻ mà còn giúp bé phát triển nhiều kỹ năng khác nhau. Tùy theo độ tuổi cũng như trạng thái của bé mà ba mẹ, thầy cô có thể chọn ra trò chơi phù hợp nhất.

Hơn 40+ trò chơi cho trẻ mầm non theo độ tuổi chơi trong nhà và chơi ngoài trời, giúp bé rèn luyện thể chất và trí tuệ của bé. Mẹ có thể tham khảo cách chơi để hướng dẫn bé nhé.

Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non

1. Kéo cưa lừa xẻ

Hướng dẫn cách chơi:

  • Hai bé ngồi đối diện nhau, hai lòng bàn chân chạm vào nhau, hai bàn tay nắm chặt nhau. Cả hai kéo tay đẩy qua đẩy lại, giống động tác hai người thợ ngồi hiệp sức cưa gỗ, vừa hát bài đồng dao sau:

Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ.

2. Thả đỉa ba ba

Hướng dẫn cách chơi:

  • Bé vẽ một vòng tròn giữa sân hoặc giữa nhà, sau đó cả nhóm đứng thành một vòng tròn vây quanh. Sau khi chọn 1 người làm đỉa, cả nhóm cùng đọc bài đồng dao “thả đỉa ba ba”:

Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo mềm như nước

Đổ mắm, đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà ấy phải chịu.

Trong lúc hát, người làm đỉa sẽ đi xung quanh vòng tròn. Cứ mỗi tiếng ‘đỉa’ lại lấy tay chỉ vào một bạn: tiếng thứ nhất chỉ vào mình, tiếng thứ hai người kế tiếp, rồi lần lượt đến người thứ 2, thứ 3…

Bạn nào bị chọn vào chữ ‘chịu’ cuối cùng sẽ phải đứng lại vòng tròn làm ‘đỉa’, trong khi các bạn khác nhanh chóng chạy lên ‘bờ’. Nếu người nào chậm chân bị “đỉa” chạm vào người thì phải vào vòng tròn làm đỉa, còn người làm “đỉa” lại được lên bờ.

Gợi ý trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phát triển kỹ năng

Có rất nhiều trò chơi dân gian thú vị dành cho trẻ mầm non.

3. Dung dăng dung dẻ

Chuẩn bị:

  • Vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn ít hơn số người chơi 1 cái.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Các bé nắm tay nhau đi vòng quanh các vòng tròn, vừa đi vừa đung đưa tay theo nhịp bài đồng dao.

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ù à ù ập

Ngồi thụp xuống đây.

Khi đọc hết chữ “đây” thì tất cả các bé nhanh chóng tìm một vòng tròn và ngồi xổm xuống. Bạn nào không có vòng tròn để ngồi sẽ bị loại. Các bạn còn lại tiếp tục xoá vòng tròn và chơi tiếp đến khi chọn được người thắng.

4. Tập tầm vông

Hướng dẫn cách chơi:

  • Một bé ngồi đối diện với các bé còn lại, tay cầm một món đồ nhỏ và giấu ra sau lưng. Bé bỏ món đồ đó vào một tay bất kỳ rồi nắm hai tay lại, đưa ra trước mặt các bạn còn lại, vừa xoay tay vừa hát:

Tập tầm vông

Tay không tay có

Tập tầm vó

Tay có tay không

Tay nào không,

Tay nào có

Tay nào có

Tay nào không?

Cuối cùng, đưa tay ra để các bạn còn lại đoán xem món đồ nằm trong tay nào. Khi các bạn đoán ra thì lại tiếp tục chơi một ván khác.

5. Rồng rắn lên mây

Hướng dẫn cách chơi:

  • Các bé chọn một bạn đóng vai ‘ông chủ’ và ngồi yên một chỗ. Những bạn còn lại nối đuôi nhau thành hàng dài đi vòng vèo trong sân, vừa đi vừa đọc:

Rồng rắn lên mây

Có cái cây lúc lắc

Có cái nhà điểm binh

Có ông chủ ở nhà không?

Khi đọc đến câu “Có ông chủ ở nhà không?” thì dừng lại trước mặt “ông chủ”. “Ông chủ” có thể trả lời “có hoặc không”. Nếu “ông chủ” trả lời “không” thì các bạn sẽ đi tiếp. Nếu “ông chủ” trả lời “có” cả nhóm trả lời những câu hỏi xin của “ông chủ”.

Ông chủ: Cho xin khúc đầu?

Cả nhóm: Những xương cùng xẩu.

Ông chủ: Cho xin khúc giữa?

Cả nhóm: Chả có gì ngon.

Ông chủ: Cho xin khúc đuôi?

Cả nhóm: Tha hồ mà đuổi.

Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “ông chủ” sẽ chạy đuổi bắt “khúc đuôi” (tức là người cuối hàng) còn cả nhóm sẽ chạy. Bạn đứng đầu sẽ dang tay để bảo vệ cả nhóm khỏi bị bắt. Nếu “ông chủ” bắt được “khúc đuôi” thì đổi vai và chơi lại từ đầu.

6. Bịt mắt bắt dê

Chuẩn bị:

  • 1 chiếc khăn bịt mắt.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Cả nhóm oẳn tù xì để chọn ra người bị bịt mắt. Các bạn còn lại sẽ làm “dê”. Khi trò chơi bắt đầu, người bị bịt mắt sẽ đứng giữa, “dê” sẽ đứng xung quanh. Người bị bịt mắt di chuyển ra xung quanh để bắt “dê”.
  • Dê phải liên tục kêu “be, be” và di chuyển làm sao để mình không bị bắt. Tuy nhiên “dê” chỉ được di chuyển trong phạm vi quy định. Khi người bị bịt mắt bắt được “dê” thì cả hai sẽ được hoán đổi vị trí và chơi lại từ đầu.

Bạn có thể quan tâm:

Các trò chơi trong nhà cho trẻ mầm non

1. Di chuyển thăng bằng

Chuẩn bị:

  • Băng dính màu (nhiều màu để thêm phần thú vị).

Hướng dẫn cách chơi:

  • Dán băng thành các đường thẳng hoặc dích dắc trên sàn.
  • Mẹ có thể sáng tạo luật chơi dựa trên màu sắc của các cuộn băng keo. Ví dụ, ở cuộn băng màu xanh lá thì bé đặt một tay trên đầu mà đi, hoặc màu vàng thì bé phải nhảy lò cò…
  • Bé chỉ được đi bộ trên băng keo và phải tuân theo các quy tắc mẹ đặt ra. Nếu bé đi lệch ra ngoài dải băng thì xem như thua.
  • Nếu bé đi hết chiều dài của băng mà không bước ra ngoài sàn trống thì sẽ thắng.

2. Tung đồng xu

Chuẩn bị:

  • Các đồng xu.
  • Cốc uống nước bằng nhựa hoặc giấy.

Cách chơi:

  • Bé sẽ nhận được năm đồng tiền. Đặt chiếc cốc trên ghế hoặc bàn gần đó.
  • Mẹ nhờ bé bước xa cốc “x” bước, trong đó “x” là tuổi của bé. Mẹ sẽ di chuyển xa hơn bé năm bước.
  • Bé và mẹ lần lượt tung các đồng xu, sao cho phải rơi vào cốc.
  • Ai có nhiều đồng xu vào cốc nhất sẽ thắng.

3. Trò chơi truyền tin

Chuẩn bị:

  • Chia các bé thành nhiều đội khác nhau, mỗi đội tầm 3-4 người.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Gọi đại diện của mỗi đội lên và thì thầm một câu giống nhau vào tai từng bạn.
  • Sau đó, các bạn đại diện sẽ quay về đội của mình và nói thầm câu nói đó với bạn đằng sau. Lần lượt các bạn trong đội sẽ truyền tin cho nhau.
  • Bạn cuối cùng trong đội sẽ nói to câu nói lên cho mọi người cùng nghe. Nhóm nào truyền đúng câu nói nhất và nhanh nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.

4. Xây dựng pháo đài

Hướng dẫn cách chơi: Mẹ và bé cần thu thập một số vật liệu có sẵn trong nhà và dựng lên để thành một “pháo đài” trú ẩn dành cho bé. Có một số loại pháo đài dễ làm như sau:

  • Pháo đài các tông: Mẹ dùng một vài bìa cứng hoặc hộp lớn, dùng băng dính để dán chúng lại thành hình ngôi nhà.
  • Mền gối: Mẹ có thể xếp gối nằm, gối ôm, mền… sao cho giống hình ngôi nhà nhất. Mẹ cũng có thể sử dụng các chồng khăn tắm và một số đồ đạc chắc chắn để giữ pháo đài không bị đổ.
  • Gầm bàn: Mẹ chỉ cần tìm một gầm bàn trống, sạch sẽ và phủ nó bằng một tấm chăn lớn hoặc ga trải giường là đã hoàn thành một pháo đài cho bé.

5. Ghế âm nhạc

Chuẩn bị:

  • Nhiều chiếc ghế nhỏ, số lượng ghế ít hơn số lượng người tham gia.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Xếp các chiếc ghế nhỏ thành một vòng tròn.
  • Các bé sẽ đi vòng quanh những chiếc ghế này theo tiếng nhạc.
  • Khi nhạc dừng, bé nhanh chóng ngồi vào chiếc ghế gần nhất. Bé nào không có ghế để ngồi sẽ bị loại.
  • Lấy bớt một chiếc ghế sau mỗi lượt và bắt đầu một lượt chơi khác.
  • Trò chơi diễn ra liên tục cho đến khi chỉ còn một bé cuối cùng ngồi trên ghế và đó là người chiến thắng.

6. Bowling mini

Chuẩn bị:

  • Băng keo.
  • 10 chai nước rỗng hoặc lon nước ngọt.
  • Bóng tennis hoặc bóng bowling bằng nhựa.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Sử dụng băng keo để tạo đường chơi bowling, yêu cầu bé phải đứng sau vạch đó.
  • Sắp xếp các chai theo thứ tự ở cuối đường chơi.
  • Để bé dùng quả bóng tennis hoặc quả bóng nhựa để lăn vào tất cả các chai đó, khi nào các chai đổ hết thì thành công.

7. Trò chơi chữ cái xếp hàng

Trò chơi chữ cái xếp hàng cho bé

Chuẩn bị:

  • Ba mẹ hãy chuẩn bị một bộ sticker chữ cái hoặc bộ chữ cái bằng nam châm có thể dán lên bảng từ.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đầu tiên ba mẹ cùng bé xếp chữ cái lên bảng theo thứ tự.
  • Sau đó yêu cầu trẻ nhắm mắt lại và ba mẹ tráo đổi vị trí của một đến hai chữ cái.
  • Khi trẻ mở mắt, ba mẹ hãy đố trẻ đưa những chữ cái về đúng vị trí ban đầu.

Các trò chơi cho trẻ mầm non chơi ngoài trời

1. Trời nắng trời mưa

Chuẩn bị:

  • Vẽ 4 vòng tròn (nhà) trên sân cách nhau khoảng 40 – 50cm với các màu sắc khác nhau.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Chia các bạn thành 4 tổ nhỏ và phát các thẻ giấy có màu sắc cùng màu với nhà.
  • Cô giáo bật nhạc lên cho bé vừa đi chơi xung quanh trong sân vừa hát theo nhịp.
  • Khi nghe hiệu lệnh “Trời mưa rồi” từ cô giáo, bé phải nhanh chóng tìm được đúng ngôi nhà của mình để không bị mưa ướt.
  • Khi nghe hiệu lệnh “Trời nắng rồi”; các bé tiếp tục ra khỏi vòng tròn và hát theo nhạc đã bật.

2. Cá sấu lên bờ

Chuẩn bị:

  • Cần ít nhất từ 3 người chơi.
  • Kẻ vạch phân chia khu vực nước và bờ.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Chọn ra 1 bé đóng vai cá sấu. Bé chỉ được hoạt động ở dưới nước, các bạn còn lại đều phải đứng trên bờ
  • Khi trò chơi bắt đầu, các bé đứng trên bờ cần xuống nước để khiêu khích cá sấu. Khi cá sấu chạy đến bắt, các bé phải chạy thật nhanh lên bờ để né.
  • Nếu cá sấu chạm được vào 1 người trên bờ, người đó phải xuống nước đổi vị trí với cá sấu. Sau đó trò chơi lại tiếp tục vòng tiếp theo.

3. Cướp cờ

Chuẩn bị:

  • 1 chiếc cờ hoặc khăn.
  • Kẻ 2 vạch xuất phát của 2 đội (cũng là vạch đích).

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đặt cờ tại khoảng không chính giữa 2 vạch xuất phát.
  • Quản trò chia thành viên thành 2 đội có số người bằng nhau. 2 đội xếp thành hàng ngang tại các vạch xuất phát.
  • Chia số thứ tự cho từng thành viên, mỗi thành viên cần phải nhớ số thứ tự của mình.
  • Khi trò chơi bắt đầu quản trò sẽ đọc số bất kỳ, thành viên nào có số thứ tự đó của 2 đội sẽ chạy nhanh về phía chính giữa để cướp cờ. Người cướp được cờ cần chạy thật nhanh về đích để không bị thành viên đội bạn vỗ vào người và thua cuộc.
  • Chú ý số thứ tự nào chỉ được vỗ đúng số đó, không được vỗ số khác (Ví dụ: số 2 của đội này chỉ được vỗ số 2 của đội kia, không được vỗ vào số 3). Người thua cuộc sẽ bị loại khỏi trò chơi.
  • Khi người quản trò gọi số nào quay về đích, số đó phải quay về đích và chờ lượt gọi tiếp theo.
  • Người thắng cuộc là người mang được cờ về vạch đích của đội mình (cũng là vạch xuất phát) mà không bị đối phương vỗ vào người.

4. Nhảy dây

Chuẩn bị:

  • Trò chơi cho từ 3 – 5 bé trở lên.
  • 1 đoạn dây chắc chắn có chiều dài phù hợp với số lượng người chơi.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đầu tiên cần chọn ra 2 người đứng quay dây cho những người còn lại nhảy.
  • Khi hiệu lệnh trò chơi bắt đầu, 2 người quay dây sẽ cầm 2 đầu dây và quăng từ dưới lên trên sao cho dây chạy thành hình tròn.
  • Người chơi tìm cách nhảy vào dây đang chạy và tiếp tục nhảy để không bị mắc vào dây. Số người nhảy trong dây có thể là 1 – 2 – 3… người và nhảy số lần tùy theo quy định ban đầu. Khi nhảy đủ số lần người nhảy có thể nhảy ra ngoài vòng dây để nghỉ ngơi.
  • Người thua cuộc là người bị vướng dây hoặc nhảy không đủ số lượt. Người đó sẽ phải đổi vị trí với người quăng dây.
Trò chơi nhảy dây giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng vận động.
Trò chơi nhảy dây giúp trẻ mầm non phát triển kỹ năng vận động.

5. Trốn tìm

Chuẩn bị:

  • Từ 3 bé trở lên.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Đầu tiên cần oẳn tù xì để chọn ra người đi tìm, số còn lại sẽ là người trốn.
  • Khi trò chơi bắt đầu người đi tìm cần đứng úp mặt vào tường, gốc cây hoặc đứng nhắm mắt và đếm từ 5, 10, 15… 100. Trong thời gian đó, người đi trốn cần tìm cho mình những vị trí kín đáo để người đi tìm không tìm ra được.
  • Người đi tìm cần tìm được tất cả người đi trốn trong thời gian nhất định. Người nào bị tìm thấy sẽ là người thua cuộc và chịu phạt.

6. Khiêu vũ cùng bóng

Chuẩn bị: Chuẩn bị số bóng tương ứng với số cặp được chia theo sĩ số lớp.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Sau khi đã chia cặp, các bé sẽ cầm tay nhau và giữ quả bóng bằng phần bụng. Cô giáo có thể hướng dẫn thêm cách cầm tay như đang khiêu vũ để hoạt động thêm phần vui vẻ.
  • Các cặp sẽ nhún nhảy theo nhạc, tùy vào nhịp điệu nhanh hay chậm và trẻ cũng di chuyển theo tốc độ như vậy.
  • Đặc biệt, trong quá trình này, bóng không được rơi hoặc nổ, nếu không cặp đó sẽ phải ra ngoài và chờ đến lượt sau.
Trò chơi phát triển kỹ năng vận động
Những trò chơi cho bé chơi ngoài trời, ngoài sân giúp phát triển kỹ năng vận động và thể lực của trẻ.

Các trò chơi cho trẻ mầm non theo độ tuổi từ 2 – 3 tuổi

1. Chơi hóa trang

Chuẩn bị:

  • Dụng cụ hóa trang.
  • Nhiều vật dụng đồ chơi khác.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Khi chơi, bé dùng các dụng cụ có sẵn để đóng vai thành nhân vật bất kỳ, chẳng hạn như: đi siêu thị, cảnh sinh hoạt trong gia đình, làm cô giáo, bác sĩ, đi công viên, phỏng vấn, diễn viên…

2. Phân biệt màu sắc

Hướng dẫn cách chơi:

  • Cô giáo hoặc ba mẹ sẽ cắt những miếng giấy màu màu thành những hình nhỏ hơn. Sau đó, người lớn giao cho bé nhiệm vụ phân chia các màu, yêu cầu bé rằng những màu giống nhau thì xếp cùng nhau. Trò chơi này có thể giúp bé 2 – 3 tuổi phát triển kỹ năng nhận biết các màu sắc.

3. Săn tìm kho báu

Hướng dẫn cách chơi:

  • Cô giáo làm “Chủ kho báu”, chọn một đồ vật đã chuẩn bị và giấu vào một nơi nào đó. Sau đó cô mời một bạn khác trong lớp xung phong đi tìm.
  • “Chủ kho báu” sẽ hướng dẫn bé đường dẫn đến kho báu. Hướng dẫn của cô chỉ gồm 2 động tác, ví dụ: “Quay sang trái, tiến lên phía trước 3 bước gặp tủ đồ chơi”, đến khi tìm được kho báu.
  • Sau khi hết lượt đầu, cô mời một bé khác làm “Chủ kho báu” và tiếp tục để các bé chơi với nhau. Về sau, cô có thể giúp bé để nâng độ khó của lời hướng dẫn, giúp trò chơi thú vị hơn.

4. Bắt chước tiếng kêu của động vật

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ hãy giả giọng tiếng kêu của từng con vật, sau đó cho bé đoán tên con vật. Bé đoán được thì yêu cầu bé giả giọng theo. Nếu bé không biết, mẹ sẽ nói tên con vật đó cho bé nghe để bé ghi nhớ cho lần chơi sau.

Bạn có thể quan tâm:

Các trò chơi cho trẻ mầm non 3 – 4 tuổi

1. Nhận biết âm thanh

Chuẩn bị:

  • Một vài video ghi lại âm thanh quen thuộc trong đời sống hàng ngày như: tiếng xe máy, tiếng xe đạp, tiếng vật dụng nhà bếp,…

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ hãy mở cho bé nghe và gợi ý để bé có thể đoán được âm thanh đó là âm thanh gì. Trò chơi này giúp các bé mầm non từ 3 – 4 tuổi tập trung, lắng nghe tốt và đồng thời có kiến thức về những thứ xung quanh.

2. Trò chơi đếm số

Hướng dẫn cách chơi:

  • Bạn cho bé tập đếm các vật dụng như: ngón tay, ly nước, bánh, chai lọ…. Sau đó, bạn hãy tập cho bé đếm theo thứ tự các con số ngày càng lớn hơn, đồng thời nâng cao câu hỏi để kích thích trí não bé.

3. Lắp ráp mô hình

Chuẩn bị:

  • Các bộ lắp ráp đồ chơi bằng nhựa hoặc gỗ.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ bắt đầu bằng cách hướng dẫn bé lắp ráp một số hình đơn giản như: ngôi nhà, chiếc xe…
  • Sau đó để bé thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng, mẹ cũng có thể giúp để bé lắp được hình mà bé mong muốn.
Lắp ráp mô hình là trò chơi thú vị dành cho trẻ mầm non.
Lắp ráp mô hình là trò chơi thú vị dành cho trẻ mầm non.

4. Trò chơi mình sống ở đâu?

Hướng dẫn cách chơi:

  • Trong trò chơi này, mẹ sẽ tập cho bé thuộc lòng địa chỉ nhà, địa chỉ trường học, số điện thoại của bố mẹ/người thân… Trò chơi này không chỉ rèn trí nhớ, mà còn giúp bé bảo vệ bản thân hiệu quả trong trường hợp bé đi lạc hoặc gặp nguy hiểm.

Trò chơi cho bé 5 tuổi thi xem ai giỏi nhất

Chuẩn bị:

  • Bảng gắn các tranh.
  • 10-12 tranh lô tô các loại khác nhau về các đồ vật, con vật…

Hướng dẫn cách chơi:

  • Bố mẹ gắn các tranh lên cho trẻ quan sát xem có những gì? Cho từng trẻ lên lấy tranh mà trẻ thích.
  • Sau đó bố mẹ yêu cầu trẻ kể về tranh đó. Ví dụ: Hoa hồng cành có gai, lá có răng cưa, cánh tròn, màu đỏ và có mùi thơm.
  • Tương tự như vậy với các đồ vật, con vật… Trẻ phải nói được những đặc điểm đặc trưng nhất của đối tượng đã đưa ra.
  • Trò chơi tiếp tục đến hết các tranh.
Trò chơi thi xem ai giỏi nhất
Trò chơi cho bé 5 tuổi thi xem ai giỏi nhất

Các trò chơi cho trẻ mầm non 5 tuổi

1. Câu cá

Chuẩn bị:

  • Một bộ trò chơi câu cá.
  • Cắt chữ sau đó dán lên những chú cá.
  • Nếu chưa có sẵn bộ trò chơi câu cá, mẹ có thể cắt hình những chú cá và viết lên đó những chữ cái. Sau đó đục lỗ vào lưng cá, gắn vào đó 1 chiếc kẹp giấy.
  • Đối với cần câu, mẹ cần buộc đầu dây với một thanh nam châm.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Để bắt đầu chơi, mẹ hãy cùng bé thi xem ai câu được cá trước.
  • Mỗi khi có người câu được cá, mẹ và bé hãy cùng đọc to chữ cái được viết trên lưng con cá.
  • Trò chơi này sẽ giúp bé học chữ rất nhanh và nhớ bảng chữ cái lâu hơn.

2. Nghe – tìm

Chuẩn bị:

Một bảng chữ cái hoặc bảng số rời bằng gỗ hoặc nhựa.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Mẹ đặt bảng chữ cái hoặc bảng số trước mặt bé.
  • Đọc to chữ cái hoặc chữ số mà mẹ muốn bé đi tìm.
  • Bé đọc lại thật to, nhanh tay nhanh mắt tìm ra đúng chữ hoặc số đó.
  • Mẹ cũng có thể cho bé chơi trò chơi này theo nhóm để tăng sự hứng thú.

3. Cắt dán

Chuẩn bị:

  • Một tờ giấy trắng lớn và viết lên đó tên một chữ cái bất kỳ.
  • Cuốn tạp chí, báo, sách không còn sử dụng để bé chơi.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Sau khi viết chữ lên giấy trắng, mẹ hãy đưa cho bé xem.
  • Nhiệm vụ của bé là tìm những hình ảnh trong tạp chí bắt đầu từ chữ cái đó.
  • Sau đó, bé sẽ cắt hình ảnh từ tạp chí và dán lên trên tờ giấy có chữ cái.

4. Xếp hình tranh

Chuẩn bị: Bộ tranh xếp hình gồm nhiều mảnh.

Hướng dẫn cách chơi:

  • Ban đầu, mẹ hãy bày các mảnh ghép ra trước mặt bé và hướng dẫn cách xếp.
  • Trong lúc bé xếp hình, mẹ có thể giúp đỡ và cho con lời khuyên để xếp được đúng nhất (xếp từ ngoài rìa tranh vào trong, phân loại các mảnh có màu sắc giống nhau…)

Ở mỗi độ tuổi đều sẽ có những trò chơi lý thú phù hợp với khả năng của bé. Thêm vào đó, để giúp các bé chơi một cách vui vẻ mà không bị nhàm chán, mẹ có thể tham khảo lịch lịch chơi trò chơi như bảng dưới đây:

Độ tuổi Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 Thứ 7 Chủ Nhật
Trẻ 1 tuổi Đếm số ngón tay Nhún nhảy theo nhạc Tập đi bằng xe Lắp ráp mô hình Xích đu Vẽ tranh Hát cùng bé
Trẻ 2 tuổi Kéo cưa lừa xẻ Hát cùng bé Di chuyển thăng bằng Pháo đài Vẽ tranh Tập tầm vông Vỗ tay theo nhịp
Trẻ 3 tuổi Săn tìm kho báu Oẳn tù xì Lắp ráp mô hình Ném gối Tung đồng xu Nhận biết màu sắc Đạp xe đạp
Trẻ 4 tuổi Hóa trang Mèo vờn chuột Đếm số Truyền tin Mình sống ở đâu? Cá sấu lên bờ Nghe – tìm
Trẻ 5 tuổi Xếp hình tranh Câu cá Nhảy dây Kể chuyện với nhạc nền Cắt dán Học từ xung quanh Cướp cờ

Lợi ích của trò chơi cho bé 5 tuổi rèn luyện trí tuệ

Theo định nghĩa của Đại học Y tế cộng đồng Harvard về các trò chơi rèn luyện trí tuệ là những trò chơi kích thích tư duy của não bộ; trong đó người chơi sẽ trực tiếp tương tác với trò chơi mà không cần phải thông qua màn hình điện thoại (như điện thoại di động, laptop). Lợi ích của những trò chơi rèn luyện trí tuệ cho bé 5 tuổi:
  • Rèn luyện khả năng ghi nhớ.
  • Tạo hứng thú cho trẻ khám phá.
  • Rèn luyện kỹ năng tương tác xã hội.
  • Hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề.
  • Phát triển tư duy toán học và khả năng ngôn ngữ.
  • Kích thích tư duy trừu tượng, tưởng tượng, sáng tạo.
Trò chơi tô màu cho bé 5 tuổi
Các trò chơi rèn luyện trí não là những trò chơi kích thích tư duy phát triển của bé 5 tuổi

Bạn có thể quan tâm:

Lưu ý khi cho trẻ chơi trò chơi

Chơi các trò chơi là một hoạt động rất cần thiết dành cho các trẻ mầm non. Cụ thể, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị trẻ mẫu giáo nên dành ít nhất 180 phút (3 giờ) mỗi ngày để hoạt động thể chất. Lúc này các bé có thể đứng dậy, di chuyển xung quanh, chơi các hoạt động mạnh như nhảy dây, chạy, nhảy cao…

Các chuyên gia cho rằng các bé ở độ tuổi mẫu giáo nên được tạo điều kiện nhiều nhất có thể để vận động. Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên chú ý cho con chơi ở nơi an toàn để tránh bị chấn thương.

Câu hỏi thường gặp

Có nên cho trẻ chơi video game trên điện thoại không? Có mang lại lợi ích gì không?

Theo các chuyên gia, trò chơi điện tử thực chất có thể mang lại một số lợi ích cho các bé như: cải thiện kỹ năng đọc, kỹ năng thị giác, kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng cường kết nối xã hội, tăng cường trí tưởng tượng.

Bất kể những lợi ích đã kể trên, việc sử dụng màn hình quá nhiều vẫn được chứng minh có thể gây ra béo phì, mất ngủ, giao tiếp kém, mất tập trung và các vấn đề về tâm trạng ở trẻ em. Vì thế, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo trẻ em từ 2 – 5 tuổi không nên xem màn hình điện tử quá 1 tiếng/ngày trong tuần và quá 3 tiếng/ngày vào các ngày cuối tuần.

Kết luận

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp hơn 40 trò chơi thú vị dành cho trẻ đang ở độ tuổi mầm non. Việc tham gia các hoạt động thể chất có thể giúp phát triển về thể chất, trí tuệ và cải thiện kỹ năng giao tiếp với bạn bè. Hy vọng mẹ đã nắm được thông tin cần thiết trong bài viết này nhé.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Indoor play ideas to stimulate young children at home
https://www.unicef.org/parenting/coronavirus-covid-19-guide-parents/indoor-play-ideas-stimulate-young-children-home
Ngày truy cập: 22/02/2023

2. The Power of Play – How Fun and Games Help Children Thrive
https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/fitness/Pages/Caution-Children-at-Play.aspx
Ngày truy cập: 18.03.2025

3. 9 Classic Preschool Games That Secretly Teach Life Skills
https://www.whitbyschool.org/passionforlearning/9-classic-preschool-games-that-secretly-teach-life-skills
Ngày truy cập: 18.03.2025

4. Games
https://learnenglishkids.britishcouncil.org/games
Ngày truy cập: 18.03.2025

5. Fun and games
https://learnenglishkids.britishcouncil.org/fun-games
Ngày truy cập: 18.03.2025

x