Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Vũ Thị Quỳnh Như
Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung
Cập nhật 5 ngày trước

Những sự thật bất ngờ mà có thể bạn chưa biết về sữa mẹ

Những sự thật bất ngờ mà có thể bạn chưa biết về sữa mẹ
Sữa mẹ là nền tảng giúp bé phát triển và cũng là sợi dây kết nối giữa hai mẹ con. Thật ra, còn nhiều điều bạn có thể chưa biết nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này đấy.

Không chỉ là nguồn dinh dưỡng chính giúp bé phát triển, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp mẹ và bé kết nối tốt hơn cũng như củng cố hệ miễn dịch của trẻ. Vậy bạn đã hiểu rõ về sữa mẹ để có hành trình nuôi con thật hiệu quả chưa?

Sữa mẹ là gì? Lợi ích của sữa mẹ

Cơ thể mẹ bắt đầu quá trình tạo sữa ngay từ trong thai kỳ và dinh dưỡng trong sữa luôn thay đổi theo nhu cầu của bé. Vậy nên, đây là nguồn dưỡng chất vô cùng quan trọng và phù hợp cho con yêu phát triển khỏe mạnh.

1. Sữa mẹ là gì?

Sữa mẹ là sữa do cơ thể người mẹ sản xuất tự nhiên và chứa các chất dinh dưỡng cơ bản cho trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Cơ thể mẹ sẽ sản xuất sữa theo nhu cầu của bé với các chất dinh dưỡng cụ thể mà bé cần để phát triển. Các giai đoạn của sữa mẹ được chia như sau:

  • Sữa non: Đây là giai đoạn đầu tiên của sữa mẹ. Sữa non được sản xuất trong thai kỳ và kéo dài đến vài ngày sau khi bé ra đời. Sữa có màu vàng hoặc kem và cũng đặc hơn nhiều so với sữa trong giai đoạn sau. Loại sữa này chứa nhiều protein, vitamin tan trong chất béo, khoáng chất và globulin miễn dịch, một kháng thể truyền từ mẹ sang con mang đến khả năng miễn dịch thụ động chống lại nhiều loại vi khuẩn và vi-rút. Hai đến bốn ngày sau khi sinh, giai đoạn sữa non sẽ kết thúc để chuyển sang giai đoạn sữa chuyển tiếp.
  • Sữa chuyển tiếp: Giai đoạn sữa chuyển tiếp kéo dài khoảng hai tuần. Sữa chuyển tiếp có hàm lượng chất béo, lactose và vitamin tan trong nước cao. Loại sữa này cũng chứa nhiều calo hơn sữa non.
  • Sữa trưởng thành: Đây là giai đoạn sữa cuối cùng. Sữa trưởng thành chứa 90% là nước và 10% còn lại bao gồm carbohydrate, protein và chất béo để bổ sung nước, cung cấp năng lượng và hỗ trợ bé phát triển. Loại sữa này cũng được chia làm hai loại nhỏ là sữa đầu và sữa cuối, trong đó sữa đầu chứa nước, vitamin và protein còn sữa cuối chứa hàm lượng chất béo cao hơn rất cần thiết cho việc tăng cân của bé.

2. Lợi ích của sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, sữa mẹ mang đến rất nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như:

Cung cấp chất dinh dưỡng lành mạnh

Chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ dễ hấp thụ hơn so với sữa công thức. Các chất dinh dưỡng này là tối ưu cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé.

Ngăn ngừa nhiễm trùng

Sữa mẹ giúp bé ngăn ngừa các tình trạng nhiễm trùng dù nhẹ hay nặng như nhiễm trùng đường tiêu hóa, phổi và tai. Nếu bị nhiễm trùng trong thời gian bú mẹ, tình trạng cũng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Ngăn ngừa nhiều bệnh lý khác

Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, kể cả khi trẻ đã lớn. Các vấn đề sức khỏe bé có thể phòng ngừa khi bú sữa mẹ là:

3. Lợi ích của sữa mẹ đối với người mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, tiểu đường… giúp tử cung co hồi tốt hơn sau sinh (nhờ oxytocin tiết ra khi cho con bú).

Sữa mẹ được sản xuất như thế nào?

sữa mẹ được sản xuất như thế nào

Khi bạn bước vào thai kỳ, nội tiết tố trong cơ thể sẽ thay đổi, từ đó kích hoạt quá trình sản xuất sữa. Quá trình sản xuất sữa này được chia thành ba giai đoạn:

Giai đoạn một (bắt đầu từ khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ cho đến vài ngày sau khi sinh)

  • Estrogen và progesterone tăng, dẫn đến số lượng và kích thước các ống dẫn sữa tăng lên và ngực cũng đầy đặn hơn. Lúc này, các tuyến vú bắt đầu chuẩn bị sản xuất sữa.
  • Núm vú sẫm màu hơn và quầng vú to hơn.
  • Tuyến bã nhờn (các nốt nhỏ trên quầng vú) tiết dầu để bôi trơn núm vú.
  • Cơ thể bắt đầu sản xuất sữa non.

Giai đoạn hai (bắt đầu khoảng hai hoặc ba ngày sau khi sinh)

  • Sau khi em bé ra đời, estrogen và progesterone sụt giảm đột ngột và prolactin là hormon chính điều khiển quá trình sản xuất sữa.
  • Lượng sữa sẽ tăng đáng kể ở giai đoạn này. Lúc này, bạn có thể cảm thấy căng tức, thậm chí là đau ở ngực do sữa về nhiều.

Giai đoạn ba (từ ba ngày sau sinh cho tới khi kết thúc quá trình nuôi con bằng sữa mẹ)

Khi bé bú hoặc bạn tiếp tục hút sữa, cơ thể mẹ sẽ tiếp tục sản xuất sữa. Lượng sữa bé bú hoặc bạn hút ra càng nhiều, cơ thể lại càng sản xuất nhiều sữa.

Các thành phần sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng cho bé

Các thành phần dinh dưỡng chính trong sữa mẹ là:

Protein

Sữa mẹ chứa hai loại protein là whey (khoảng 60%) và casein (khoảng 40%). Tỷ lệ cân bằng này giúp bé có thể tiêu hóa sữa nhanh và dễ dàng. Ngoài ra, các loại protein này có đặc tính chống nhiễm trùng rất tốt cho bé. Cụ thể, các protein có trong sữa mẹ là:

  • Lactoferrin có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn phụ thuộc vào sắt trong đường tiêu hóa như coliform và nấm men.
  • IgA tiết là một loại globulin miễn dịch có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi vi-rút và vi khuẩn, đặc biệt là những loại mà trẻ sơ sinh, mẹ và gia đình thường tiếp xúc. Loại protein này cũng có thể giúp cơ thể bé chống lại vi khuẩn E. Coli và các tình trạng dị ứng. Ngoài ra, sữa mẹ cũng chứa các globulin miễn dịch khác như IgG và IgM giúp phòng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và vi-rút.
  • Lysozyme là một loại enzyme bảo vệ trẻ sơ sinh trước vi khuẩn E. Coli và Salmonella. Enzyme này cũng thúc đẩy sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột lành mạnh có thể giúp cơ thể chống viêm.
  • Yếu tố bifidus hỗ trợ sự phát triển của lactobacillus, một loại vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ trẻ trước các vi khuẩn có hại bằng cách tạo môi trường axit bất lợi cho vi khuẩn.

Chất béo

Sữa mẹ cũng chứa chất béo cần thiết cho sức khỏe tổng thể của trẻ sơ sinh. Chất béo rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ, quá trình hấp thụ các vitamin tan trong chất béo và là nguồn calo chính cho con. Cụ thể, axit béo chuỗi dài là đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của não, võng mạc và hệ thần kinh.

Vitamin

Hàm lượng và loại vitamin trong sữa mẹ phụ thuộc vào hàm lượng vitamin mà mẹ hấp thụ nên việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ là rất cần thiết. Các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K đều rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các vitamin tan trong nước như vitamin C, riboflavin, niacin và axit pantothenic cũng rất cần thiết.

Carbohydrate

Lactose là carbohydrate chính trong sữa mẹ và chiếm khoảng 40% tổng lượng calo đến từ sữa mẹ. Loại carbohydrate này giúp giảm đáng kể các vi khuẩn có hại trong dạ dày, từ đó cải thiện khả năng hấp thụ canxi, phốt pho và magiê cho bé. Lactose còn hỗ trợ phòng ngừa bệnh và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong dạ dày nữa đấy.

Sữa mẹ có vị gì? Những yếu tố ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ

sữa mẹ có vị gì

Mùi vị sữa mẹ sẽ thay đổi tùy vào cơ địa, tình hình sức khỏe cũng như chế độ ăn uống của mẹ.

1. Sữa mẹ có vị gì?

Nhìn chung, sữa mẹ bình thường sẽ có mùi thơm đặc trưng và vị không quá mặn hay ngọt. Đặc biệt, nguồn sữa non khi bé vừa chào đời rất đặc và thơm. Tuy nhiên, vị sữa của từng mẹ cũng sẽ khác nhau do nhiều yếu tố.

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ

Chế độ ăn uống của mẹ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mùi vị của sữa. Những loại thực phẩm có thể khiến sữa mẹ thay đổi mùi vị là:

  • Các loại gia vị nồng: Các gia vị mạnh như như tiêu, ớt, tỏi có thể khiến sữa mẹ bị nồng hơn chứ không còn mùi thơm và vị nhạt như bình thường.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thức ăn đã qua chế biến nhiều hay đồ đóng hộp thường chứa hàm lượng natri cao khiến sữa có vị mặn.
  • Ngũ cốc, chuối và các loại trái cây khác: Các loại thực phẩm tự nhiên này cung cấp dinh dưỡng cho mẹ, giúp lợi sữa mà còn có thể làm sữa thơm ngon hơn.

Ngoài thực phẩm thì cơ địa cũng là yếu tố quyết định mùi vị sữa mẹ:

  • Enzyme lipase: Cơ thể mẹ chứa nhiều loại enzyme này có thể khiến sữa đã vắt hay hút có vị xà phòng.
  • Lactose: Mẹ có nồng độ lactose trong máu cao có thể tiết sữa có vị ngọt hơn.

Cách hút/vắt và lưu trữ sữa mẹ cũng có khiến hương thơm và mùi vị của sữa cũng bị biến đổi. Sữa mẹ đã qua bảo quản có thể có mùi vị tanh, nồng hoặc chua hơn lúc ban đầu.

Làm sao để tăng cả lượng và chất của sữa mẹ?

cách tăng lượng sữa mẹ

Để sữa mẹ đạt chất lượng cao nhất, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và sức khỏe tổng thể tốt. Muốn vậy, bạn cần xây dựng cho bản thân lối sống khoa học và cách ăn uống phù hợp bằng cách:

  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Để sữa mẹ đầy đủ dinh dưỡng, bạn cần ăn nhiều rau xanh, trái cây mỗi ngày vì đây là nguồn vitamin và chất xơ vô cùng cần thiết cho cơ thể.
  • Đảm bảo nạp đủ protein: Bạn có thể bổ sung protein qua các các loại thịt và cá giàu protein, i-ốt, đạm, DHA. Mẹ sau sinh có thể thay đổi nhiều loại thịt, cá được chế biến theo nhiều cách khác nhau để bữa ăn thật phong phú.
  • Bổ sung canxi: Canxi là khoáng chất cần được chú trọng bổ sung trong thai kỳ và cả sau khi sinh để giúp mẹ phòng tránh loãng xương và hỗ trợ hệ xương của bé phát triển tốt hơn.
  • Uống đủ nước: Mẹ cần đảm bảo uống tối thiểu 2,5 lít nước hay 8–10 cốc nước mỗi ngày. Điều này là rất quan trọng để đảm bảo cơ thể mẹ luôn đủ nước và có thể sản xuất nhiều sữa hơn.
  • Chú trọng việc nghỉ ngơi: Để đảm bảo sức khỏe, mẹ cần ngủ đủ 6–8 tiếng mỗi ngày cũng như có các hoạt động giúp thư giãn, giảm căng thẳng như đi đạo, massage, nghe nhạc…

Cách bảo quản và sử dụng sữa mẹ an toàn

Sữa mẹ có thể vắt ra để trữ đông dùng dần, nhưng cần tuân thủ nguyên tắc bảo quản để đảm bảo sữa vẫn giữ được chất lượng và an toàn cho bé. Dưới đây là hướng dẫn từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hệ thống y tế công cộng của Vương quốc Anh (NHS):

  • Thời gian bảo quản sữa mẹ theo từng điều kiện:

    • Nhiệt độ phòng (~ 25 độ C): Không quá 4 giờ.
    • Ngăn mát tủ lạnh (~ 4 độ C): Tốt nhất dùng trong 4 ngày.
    • Ngăn đá (-18 độ C trở xuống): 6 tháng là tốt nhất, tối đa 12 tháng nếu cần.
    • Sau khi rã đông trong tủ lạnh: Dùng trong 24 giờ.
  • Cách rã đông sữa mẹ an toàn:

    • Rã đông trong tủ lạnh qua đêm là tốt nhất.
    • Nếu cần dùng ngay, đặt bình sữa vào nước ấm (không ngâm trong nước nóng hoặc dùng lò vi sóng vì có thể làm mất chất dinh dưỡng và kháng thể).
    • Kiểm tra mùi sữa trước khi dùng, nếu có mùi ôi hoặc chua, hãy bỏ đi.
  • Cách vệ sinh và bảo quản dụng cụ hút sữa:

    • Rửa tay sạch trước khi vắt sữa.
    • Dùng bình hoặc túi trữ sữa chuyên dụng, ghi ngày vắt để dễ theo dõi.
    • Tiệt trùng dụng cụ hút sữa và bình trữ thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn

Sữa mẹ và các thắc mắc thường gặp

Nếu hành trình nuôi con bằng sữa mẹ còn nhiều bỡ ngỡ, bạn hãy tham khảo những thắc mắc thường gặp sau:

1. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là gì?

nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là chỉ cho bé bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Mẹ có thể cho bé bú trực tiếp hay vắt/hút sữa mẹ ra và cho bé bú trong bình nếu cần.

2. Trong trường hợp nào mẹ không nên cho bé bú?

Thông thường, phương pháp nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ luôn được ưu tiên. Thế nhưng, bạn có thể phải cho bé bú sữa công thức trong các trường hợp sau:

  • Bé có một số vấn đề sức khỏe đặc biệt: Các bé bị hạ đường huyết hoặc mất nước có thể cần thêm sữa công thức hoặc các chất lỏng khác ngoài sữa mẹ.
  • Mẹ đã từng hoặc đang gặp một số vấn đề sức khỏe đặc biệt: Mẹ không nên nuôi con bằng sữa mẹ nếu đang mắc một số bệnh nhiễm trùng có thể lây truyền qua sữa mẹ. Ngoài ra, phụ nữ đang dùng một số loại thuốc, chất kích thích hoặc bia rượu cũng không nên cho con bú.

Có nên xin sữa mẹ cho con uống nếu sữa mẹ chưa về hay quá ít?

Khi sữa chưa về hoặc quá ít, không ít mẹ băn khoăn tự hỏi không biết có nên xin sữa mẹ cho con uống không. Để giải đáp thắc mắc này, bạn cần hiểu rõ một số rủi ro khi xin sữa mẹ như sau:

  • Sữa mẹ của người khác có thể không phù hợp với độ tuổi của con bạn: Sữa mẹ sẽ thay đổi theo quá trình phát triển của con để có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé ở từng độ tuổi. Vậy nên, sữa mẹ của người khác có thể sẽ không phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của con tại thời điểm hiện tại.
  • Thiết bị hút sữa mẹ của người khác có thể không đảm bảo vệ sinh: Máy hút sữa nếu không được vệ sinh đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho bé.
  • Sữa mẹ của người khác có thể không được bảo quản tốt: Sữa mẹ vẫn có hạn sử dụng và cần được bảo quản đông lạnh đúng cách để đảm bảo chất lượng. Thông thường, sữa mẹ sẽ không được để ở nhiệt độ phòng quá 4 giờ và không được trữ đông quá 6 tháng. Tuy nhiên khi xin sữa mẹ, bạn khó đảm bảo được người cho sữa tuân thủ quy tắc bảo quản này.
  • Khó kiểm soát được chất lượng sữa mẹ của người khác: Chế độ ăn uống của người cho sữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sữa mẹ. Nếu người cho sữa ăn uống không lành mạnh hay dùng đồ uống có cồn, sữa mẹ sẽ không đủ chất lượng để cho bé bú.
  • Tăng nguy cơ bé bị nhiễm trùng: Một số tình trạng nhiễm trùng có thể lây nhiễm qua sữa mẹ nên đây là vấn đề đáng để tâm khi bạn xin sữa mẹ của người khác. Nếu không kiểm tra nguồn gốc sữa mẹ kỹ càng, bé có nguy cơ nhiễm cytomegalovirus (CMV) hay thậm chí là HIV đấy.
  • Sữa mẹ từ người khác có thể gây dị ứng cho bé: Nếu bé có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm thì việc cho con dùng sữa mẹ từ người khác khá rủi ro vì bạn không thể biết người cho sữa có dùng thực phẩm dễ gây kích ứng hay không.
  • Mẹ sẽ càng giảm tiết sữa khi không cho con bú hay không hút sữa: Quá trình tạo sữa của cơ thể mẹ dựa trên quy tắc cung và cầu, nghĩa là càng cho con bú hoặc hút sữa nhiều thì cơ thể mẹ sẽ càng sản xuất nhiều sữa hơn. Khi sử dụng sữa mẹ của người khác, bạn sẽ mất cơ hội kích thích cơ thể sản xuất sữa, từ đó khiến lượng sữa cho con ngày càng giảm.

Để hạn chế những rủi ro kể trên, bạn có thể xin hoặc mua sữa mẹ từ những ngân hàng sữa uy tín của các bệnh viện lớn. Đây là nguồn sữa mẹ qua tuyển chọn, xử lý và quy trình bảo quản nghiêm ngặt nên có thể giảm thiểu rủi ro cho bé.

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể giảm mức độ phụ thuộc vào sữa mẹ của người khác bằng cách kích thích cơ thể tạo nhiều sữa hơn. Một số cách kích sữa bạn có thể tham khảo là:

  • Cho bé bú ngay sau 1 giờ sau sinh.
  • Bổ sung thêm dinh dưỡng qua chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý và tránh các tác nhân gây căng thẳng để cơ thể phục hồi nhanh hơn, từ đó tạo sữa hiệu quả hơn.

4. Trẻ bị dị ứng sữa mẹ phải làm sao?

Trẻ bú mẹ bị dị ứng phải làm sao

Tình dạng dị ứng sữa mẹ là do hệ thống miễn dịch của cơ thể bé xác định các protein trong sữa mẹ (tức là các protein của thức ăn qua sữa mẹ) là mối đe dọa. Từ đó, cơ thể bé sẽ sản xuất kháng thể loại IgE để phản ứng với những protein này. Các dấu hiệu dị ứng thường thấy là:

  • Da nổi mẩn đỏ: Da bé xuất hiện các nốt nhỏ màu đỏ hoặc nổi mẩn đỏ toàn thân gây ngứa ngáy.
  • Hô hấp khó khăn: Trong các trường hợp dị ứng sữa mẹ nghiêm trọng hơn, trẻ có thể gặp tình trạng hô hấp kém.
  • Gặp vấn đề về hệ tiêu hóa: Dị ứng sữa mẹ thường gây ra vấn đề về hệ tiêu hóa như đau bụng hay tiêu chảy.
  • Nôn trớ: Nôn trớ ra sữa cũng là một phản ứng dị ứng sữa mẹ thường thấy. Tình trạng nôn trớ sữa là phản ứng tự nhiên khi bé không thể tiêu hóa sữa mẹ một cách hiệu quả.
  • Bé có biểu hiện khó chịu: Bé sẽ có các biểu hiện như quấy khóc hay cáu gắt khi cảm thấy không thoải mái do phản ứng dị ứng và không đủ dinh dưỡng.
  • Dị ứng sữa mẹ có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ nguy hiểm cần được chăm sóc y tế ngay. Các dấu hiệu sốc phản vệ mà ba mẹ cần lưu ý gồm:

    • Co thắt đường thở
    • Tim đập nhanh hoặc mất ý thức
    • Da bé đổi màu từ đỏ sang tím do thiếu oxy

    Bạn có thể khắc phục tình trạng dị ứng sữa mẹ ở trẻ sơ sinh bằng các cách sau:

    Điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ

    Nếu mẹ tiêu thụ các thực phẩm dễ gây dị ứng, bé cũng sẽ tăng nguy cơ bị dị ứng. Vậy nên nếu thấy bé có dấu hiệu dị ứng nhẹ, bạn có thể điều chỉnh thực đơn của mình rồi theo dõi phản ứng của trẻ. Nhìn chung, mẹ có thể loại bỏ các thực phẩm có thể gây kích ứng như:

    • Thịt bò
    • Đậu phộng
    • Trứng
    • Sô cô la và cà phê và các chất kích thích khác
    • Thực phẩm cay nóng...

    Điều trị bằng thuốc kháng histamin

    Khi bé bị dị ứng sữa mẹ, cơ thể sẽ sản xuất histamin là một hợp chất gây ra các triệu chứng như ngứa, mẩn đỏ và nghẹt mũi. Thuốc kháng histamin có thể giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu này. Tuy nhiên, bạn cần cho bé dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn nhé.

    5. Sữa mẹ màu gì thì tốt nhất cho bé?

    Sữa mẹ thường sẽ có màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng tùy giai đoạn, thời điểm trong ngày và chế độ ăn uống. Nếu muốn biết sữa mẹ màu gì thì tốt, bạn còn cần xét tới từng giai đoạn của sữa như sau:

    • Sữa non: Sữa non là sữa tiết ở cuối của thai kỳ và vài ngày đầu tiên sau khi sinh. Loại sữa này chứa rất nhiều beta-carotene và thường có màu vàng nhạt hoặc cam.
    • Sữa chuyển tiếp: Sau giai đoạn sữa non sẽ là giai đoạn sữa chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, màu sắc sữa mẹ có thể chuyển biến từ vàng sang trắng.
    • Sữa trưởng thành: Khoảng hai tuần sau sinh, sữa mẹ sẽ bước vào giai đoạn sữa trưởng thành. Sữa đầu ngày thường có màu xanh nhạt, xanh non hoặc màu trắng trong. Trong những lần bú sau, sữa trưởng thành sẽ đậm dần và đổi thành màu trắng hoặc vàng đục.

    6. Sữa mẹ có vị mặn là do đâu?

    Sữa mẹ có vị mặn là do đâu?

    Có nhiều nguyên nhân có thể khiến sữa mẹ có vị mặn.

    Sữa mẹ có vị mặn do tình trạng viêm tuyến vú

    Nếu mẹ tắc tia sữa dẫn đến viêm tuyến vú thì sữa sẽ có vị mặn. Để xác định có phải sữa mẹ bị mặn là do viêm tuyến vú hay không, bạn có thể quan sát xem mình có xác dấu hiệu viêm nhiễm sau không:

    • Trên vú xuất hiện vùng bị đỏ, sưng u.
    • Sờ vào ngực thấy đau hoặc bị đau rát khi cho bé bú.

    Nếu đang bị viêm tuyến vú, bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng một số cách như:

    • Massage ngực theo chiều kim đồng hồ, đặc biệt ở những nơi sữa bị tắc tạo thành cục sưng u.
    • Hút hoặc vắt hết sữa ở bầu ngực bị viêm bỏ đi.
    • Đi thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình nặng nặng hơn dẫn đến áp xe vú.

    Sữa mẹ có vị mặn do chế độ ăn uống

    Các loại thực phẩm mẹ ăn hàng ngày cũng ảnh hưởng đến hương vị của sữa. Các loại gia vị nồng như tiêu, tỏi có thể biến đổi mùi vị sữa mẹ khiến bé bỏ bú. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể bổ sung các thực phẩm giúp sữa thơm ngon, chất lượng hơn như trái cây và ngũ cốc.

    7. Sữa mẹ lỏng thì nên ăn gì?

    Nếu đang thắc mắc ăn gì để sữa mẹ đặc và thơm hơn, bạn có thể tham khảo các loại thực phẩm sau:

  • Cà rốt: Cà rốt cung cấp vitamin A hỗ trợ chu kỳ sản xuất sữa và làm tăng chất lượng sữa mẹ. Bạn có thể ép cà rốt lấy nước hoặc dùng cà rốt để hấp hay nấu canh cũng rất ngon miệng.
  • Rau đay: Món canh rau đay bình dân không chỉ ngon miệng, dinh dưỡng mà còn vô cùng lợi sữa.
  • Lá bồ công anh: Theo y học cổ truyền, bồ công anh có tác dụng thanh nhiệt, mát gan và giải độc. Loại thảo dược này rất giàu protein, các khoáng chất như sắt, canxi cũng như các loại vitamin A, C, B. Đây là một bài thuốc giúp mẹ chữa tắc tia sữa và tăng chất lượng sữa rất hiệu quả. Bạn có thể phơi khô lá bồ công anh rồi sắc lấy nước uống thay uống nước lọc.
  • Gạo lứt: Gạo lứt rất giàu vitamin nhóm B cùng các nguyên tố vi lượng tốt cho cơ thể như natri, magie… Bạn có thể rang thơm gạo lứt rồi nấu khoảng 50g gạo với 2-3 lít nước để có món nước gạo lứt lợi sữa.
  • Bí đỏ: Bí đỏ rất giàu vitamin và khoáng chất nên vô cùng thích hợp để bồi bổ cơ thể cho mẹ, từ đó giúp cải thiện chất lượng và mùi vị của sữa mẹ. Ngoài cách nấu canh hay hấp thông thường, bạn có thể xay bí đỏ đã hấp chín với sữa tươi và ít sữa đặc rồi đun lại đến khi sôi để có món sữa bí đỏ thơm ngon.
  • Rau ngót: Rau ngót là nguồn cung cấp canxi, sắt, protein, phốt pho, chất béo, các loại vitamin quan trọng để sữa mẹ sánh đặc và dinh dưỡng hơn.
  • Sữa mẹ dù loãng nhìn như nước gạo vẫn đầy đủ dưỡng chất, mẹ không nên quá lo. Việc ăn uống chỉ cần cân đối, đa dạng để mẹ khỏe và đủ sữa, không có công thức thần kỳ làm sữa “mát” hay “nhạt” đi. Màu sắc, độ sáng của sữa mẹ khác nhau không quyết định chất lượng sữa.

    8. Sữa mẹ sau 6 tháng có còn giàu dinh dưỡng không?

    Sữa mẹ sau 6 tháng có còn giàu dinh dưỡng không?

    Sau cột mốc 6 tháng tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của bé sẽ tăng vọt để đáp ứng quá trình phát triển thể chất và trí não mạnh mẽ. Lúc này, bạn có thể lo lắng rằng sữa mẹ không còn đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của con.

    Thật ra, sữa mẹ sau 6 tháng vẫn cung cấp rất nhiều dưỡng chất và kháng thể cần thiết cho bé. Tuy nhiên, bé có thể sẽ chậm tăng cân nếu chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn như 6 tháng trước đó do nhu cầu dinh dưỡng ở thời điểm này đã tăng cao. Để đảm bảo tốc độ phát triển, bé sẽ cần ăn dặm xen kẽ với các cữ bú sữa mẹ cho đến khi được ít nhất 2 tuổi.

    9. Lượng sữa mẹ bị giảm đột ngột phải làm sao?

    Tình trạng sữa mẹ bị giảm đột ngột có thể do một số lý do sau:

    • Do bé ít bú: Bé bú mẹ thường xuyên không chỉ đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể duy trì quá trình tiết sữa. Nếu bé ít bú, cơ thể mẹ cũng sẽ dần ít tạo sữa.
    • Chế độ dinh dưỡng của mẹ không hợp lý: Chế độ ăn uống thiếu chất hoặc kiêng khem quá mức sẽ khiến lượng sữa của mẹ ít dần và dẫn đến mất sữa đột ngột. Ngoài ra, tình trạng sữa mẹ bị giảm đột ngột cũng có thể do một số loại thực phẩm gây mất sữa như bắp cải, măng, lá lốt…
    • Do một số tình trạng sức khỏe: Các bệnh lý liên quan đến tuyến vú như áp xe vú, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm khuẩn núm vú hay phẫu thuật ngực… có thể khiến sữa mẹ bị giảm đột ngột. Ngoài ra, các tình trạng rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là rối loạn liên quan đến prolactin và oxytocin cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo sữa.
    • Nghỉ ngơi không tốt: Khi nghỉ ngơi không đủ, mẹ khó có thể hồi phục sức khỏe sau khi sinh nên lượng sữa cũng dần ít đi.
    • Do uống ít nước: Nước chiếm đến 80% thể tích sữa mẹ và cũng giúp hòa tan các chất dinh dưỡng và kháng thể quan trọng. Vậy nên, lượng sữa có thể bị ảnh hưởng nếu mẹ uống thiếu nước.
    • Mẹ bị căng thẳng: Tinh thần của người mẹ là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến việc tạo sữa. Nếu mẹ bị căng thẳng, mệt mỏi hay trầm cảm sau sinh sẽ dẫn đến tình trạng tiết ít sữa và mất sữa.
    • Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh: Một số loại thuốc kháng sinh hay thuốc đặc trị bệnh có thể khiến sữa mẹ bị giảm đột ngột. Vậy nên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cần trao đổi với bác sĩ về việc nuôi con bằng sữa mẹ để bác sĩ có chỉ định phù hợp.

    Khi đã hiểu nguyên nhân khiến sữa mẹ bị giảm đột ngột, bạn có thể áp dụng một số cải thiện lượng sữa thích hợp như sau:

    • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Một số thực phẩm lợi sữa mà lại vô cùng dinh dưỡng mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày là các loại thịt, trứng, gạo lứt, rau ngót, cà rốt, khoai lang, bưởi, vú sữa…
    • Massage ngực trước khi cho bé bú: Bạn có thể tự massage ngực bằng cách dùng một tay nâng ngực, tay còn lại thì xoa nhẹ nhàng quanh bầu vú theo chiều kim đồng hồ khoảng 20–30 lần.
    • Chườm nóng ngực: Bạn có thể dùng khăn thấm nước ấm để chườm quanh bầu ngực hoặc dùng chai thủy tinh đựng nước ấm để lăn quanh ngực.
    • Cho con bú đủ cữ và đúng cách: Động tác bú của bé có thể kích thích tiết sữa rất hiệu quả. Vậy nên, bạn nên cho bé bú đủ cữ và đảm bảo bé ngậm đúng khớp khi bú để gọi sữa về nhiều hơn. Nếu bé không chịu bú hay hoặc bú sai khớp ngậm, bạn cũng có thể dùng máy hút sữa để kích thích quá trình sản xuất sữa.
    • Tránh tác nhân gây căng thẳng: Tinh thần thoải mái, vui vẻ là rất quan trọng để giúp sữa mẹ về nhiều và chất lượng hơn. Vì thế, bạn cần có hoạt động thư giãn phù hợp với bản thân cũng như loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống.

    10. Có nên cho trẻ tắm sữa mẹ không?

    Có nên cho trẻ tắm sữa mẹ không?

    Việc cho bé tắm sữa mẹ có thể mang đến một số lợi ích như:

    • Cải thiện tình trạng mụn trứng cá: Sữa mẹ có chứa axit lauric, một loại axit béo có đặc tính kháng khuẩn nên có thể giúp bé hạn chế được mụn trứng cá. Hơn nữa, axit này cũng giúp làm giảm tình trạng da bé nổi đốm đỏ.
    • Giúp da đủ ẩm và bớt ngứa: Axit palmitic trong sữa mẹ có tác dụng dưỡng ẩm rất tuyệt vời. Ngoài ra, sữa mẹ cũng có chứa một loại axit béo omega là axit oleic giúp cải thiện tình trạng da khô và chống lão hóa. Bên cạnh đó, một số axit béo khác như axit vaccenic hay axit linoleic cũng giúp bảo vệ và nuôi dưỡng làn da, giữ ẩm, làm sáng đồng thời giảm viêm nhiễm cho da.
    • Chữa vết bỏng nhẹ và vết côn trùng cắn: Sữa mẹ có chứa kháng thể Immunoglobulin-A giúp chống các loại vi khuẩn có hại và cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Công dụng này rất thích hợp khi bé bị bỏng nhẹ, bị côn trùng cắn hay bị trầy xước.
    • Làm dịu tình trạng kích ứng da: Kháng thể trong sữa mẹ cũng có thể làm dịu các vết phát ban do hăm tã rất tốt.

    Để nhận được hiệu quả tốt nhất, bạn có thể áp dụng cách tắm sữa mẹ cho bé như sau:

    • Sau khi cho bé bú, mẹ hút sữa ra rồi trữ đông để dùng tắm cho bé.
    • Pha từ 180 đến 300 ml vào một thau nước tắm cho bé.
    • Đảm bảo sữa mẹ trữ đông không có mùi khó chịu hoặc có vị chua.
    • Cho con tắm sữa mẹ từ 1 đến 2 lần mỗi tuần. Đối với trẻ bị hăm tã hoặc chàm nặng, bạn có thể cho bé tắm sữa mẹ hai lần một tuần. Nếu da bé không có vấn đề đặc biệt, bạn có thể cho bé tắm sữa mẹ ít hơn.

    Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng trọn vẹn và vô cùng phù hợp với bé nhưng hành trình nuôi con bằng sữa mẹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Với những kiến thức nền tảng về sữa mẹ, hi vọng bạn đã hiểu hơn và quá trình tạo sữa của cơ thể cũng như cách tăng chất lượng sữa mẹ để bé phát triển tối ưu nhé.

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    Breastfeeding Overview https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/breastfeeding/breastfeeding-overview/ Ngày truy cập: 23/02/2025

    Lactation https://my.clevelandclinic.org/health/body/22201-lactation Ngày truy cập: 23/02/2025

    What’s In Breast Milk? https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/first-year-of-life/whats-in-breastmilk/ Ngày truy cập: 23/02/2025

    Breast Milk Is Best https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/breastfeeding-your-baby/breast-milk-is-the-best-milk Ngày truy cập: 23/02/2025

    Taste of Milk from Inflamed Breasts of Breastfeeding Mothers with Mastitis Evaluated Using a Taste Sensor

    https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3934511/ Ngày truy cập: 23/02/2025

    Breastfeeding FAQs: Your Eating and Drinking Habits https://kidshealth.org/en/parents/breastfeed-eating.html Ngày truy cập: 23/02/2025

    x