Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Vi Vũ
Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa MarryBaby
Cập nhật Vừa xong

Dấu hiệu trẻ tự kỷ là gì? Cách nhận biết trẻ tự kỷ ở từng nhóm tuổi

Dấu hiệu trẻ tự kỷ là gì? Cách nhận biết trẻ tự kỷ ở từng nhóm tuổi
Nhận biết các dấu hiệu trẻ tự kỷ thường không dễ để xác định chính xác, bởi các dấu hiệu này cũng dễ bị nhầm lẫm với hiện tượng trẻ chậm nói, chưa kể, trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau cũng có một số điểm khác biệt trong việc nhận biết các dấu hiệu.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm cụ thể hơn về các dấu hiệu trẻ tự kỷ và cách để nhận biết các dấu hiệu này. Mời cha mẹ cùng tìm hiểu.

Tự kỷ ở trẻ em là gì?

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), rối loạn phổ tự kỷ (ASD – Autism Spectrum Disorder) là một rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến các khiếm khuyết về giao tiếp xã hội và các hành vi hạn chế, lặp đi lặp lại.

Các khiếm khuyết kéo dài về giao tiếp và tương tác xã hội trong nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm:

  • Tiếp cận xã hội một cách bất thường, khó trò chuyện xã giao, khó chia sẻ cảm xúc, không thể bắt đầu hoặc phản hồi các tương tác xã hội.
  • Khả năng giao tiếp bằng lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể kém; bất thường trong giao tiếp bằng mắt; khó hiểu và sử dụng cử chỉ; có thể hoàn toàn thiếu biểu cảm khuôn mặt và khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ.
  • Khó phát triển, duy trì và thấu hiểu các mối quan hệ; khó điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các bối cảnh xã hội khác nhau; hành vi thường vụng về và không phù hợp trong giao tiếp xã hội; khó kết bạn; khó chia sẻ những điều tưởng tượng; không quan tâm đến bạn bè xung quanh.

Các hành vi và sở thích hạn chế, lặp đi lặp lại, chẳng hạn như:

  • Chuyển động cơ thể, sử dụng đồ vật hoặc lời nói theo khuôn mẫu, lặp đi lặp lại; hoặc sử dụng đồ vật, đồ chơi không theo cách thông thường.
  • Cố chấp, cứng nhắc và đơn điệu trong thói quen hoặc các kiểu hành vi bằng lời nói/ngôn ngữ cơ thể; chẳng hạn như phải có nghi thức chào hỏi cố định, đi cùng một tuyến đường hoặc ăn cùng một loại thức ăn mỗi ngày; suy nghĩ cứng nhắc; cảm thấy rất khó khăn và đau khổ khi phải thay đổi
  • Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ thường có những sở thích kỳ lạ, cứng nhắc và khó hiểu; chẳng hạn như thích quay, đập và xem vòi nước chảy.
  • Hạn chế về sở thích, có sự bất thường nhất định về cường độ hoặc mức độ tập trung như có sở thích quá mức bình thường với một điều gì đó, gắn bó mạnh mẽ với một đồ vật…
  • Phản ứng quá mức hoặc giảm phản ứng với những tác nhân tác động đến các giác quan hoặc có sở thích bất thường với một số cảm giác từ môi trường, chẳng hạn như phản ứng tiêu cực với âm thanh, mùi hương nào đó, cảm thấy mê hoặc bởi ánh sáng hoặc những chuyển động lạ, thờ ơ với cảm giác đau…

Tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ

Theo thống kê của Mạng lưới Giám sát Tự kỷ và Khuyết tật Phát triển (ADDM), cứ 36 trẻ thì có 1 trẻ mắc tự kỷ. Đặc biệt, tỷ lệ bé trai bị tự kỷ cao gấp 4 lần so với bé gái.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo thông tin từ Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1 năm 2019 cho thấy rằng, trong số 6,2 triệu người trẻ khuyết tật từ 2 tuổi trở lên sẽ có khoảng 1 triệu trẻ tự kỷ; bên cạnh đó, các chuyên gia cũng ước tính rằng, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tỷ kỷ là khoảng 1% trên tống số trẻ sinh ra hàng năm.

Nguyên nhân gây ra tự kỷ ở trẻ em

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên Tâm lý học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nguyên nhân gây ra tình trạng tự kỷ ở trẻ em chưa được xác định chính xác. Đến nay, các nghiên cứu giả định rằng nguyên nhân có thể do di truyền, các yếu tố liên quan đến gen, và một số yếu tố từ môi trường sống như gia đình và trường học.​

Các nghiên cứu từ Viện Y tế Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (NIEHS) cho biết, các yếu tố môi trường có thể bao gồm:​
  • Mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm hoặc kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen).​
  • Tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác trong thai kỳ.​
  • Mẹ mắc các bệnh lý trong thai kỳ như tiểu đường, béo phì hoặc bị sốt.

Dấu hiệu trẻ bị tự kỷ theo nhóm tuổi

Ở mỗi giai đoạn phát triển, dấu hiệu tự kỷ ở trẻ có những điểm riêng biệt. Cha mẹ cần hiểu rõ các biểu hiện này để sớm nhận biết và có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống.​

Dấu hiệu tự kỷ của trẻ dưới 12 tháng tuổi

Theo các bác sĩ từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ dưới 12 tháng tuổi mắc tự kỷ thường có những biểu hiện như:​

  • Không giao tiếp bằng mắt, tránh ánh nhìn từ cha mẹ hoặc người khác.​
  • Không hứng thú với những trò chơi thông thường mà trẻ đồng trang lứa thích thú.​
  • Không thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt, thiếu biểu hiện thích thú hoặc vui vẻ.​
  • Không sử dụng cử chỉ, chẳng hạn như giơ tay để muốn được bế hoặc thu hút sự chú ý của cha mẹ.
  • Không bập bẹ hay phát ra âm thanh như tiếng cười hoặc khóc để biểu lộ cảm xúc vui thích hoặc tức giận.​
  • Không phản ứng khi người khác gọi tên; không quay lại khi nghe âm thanh hoặc không tỏ ra giật mình trước tiếng động lớn.​

Dấu hiệu trẻ tự kỷ

Dấu hiệu tự kỷ của trẻ mới biết đi từ 12 đến 24 tháng tuổi

  • Mất các kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội đã đạt được trước đó.​
  • Phớt lờ hoặc không quan tâm đến những người xung quanh.​
  • Lặp lại liên tục một hành động hoặc cử động cơ thể nhất định.​
  • Đi nhón chân hoặc gặp khó khăn trong việc tập đi.​
  • Không bập bẹ khi 12 tháng, không nói từ đơn khi 16 tháng, hoặc không nói câu hai từ khi 24 tháng.​
  • Không thực hiện các cử chỉ giao tiếp ở 12 tháng tuổi, như chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, cười đáp lại hay nhìn mắt người khác.

Dấu hiệu tự kỷ của trẻ từ 2 tuổi trở lên

Khi trẻ trên 2 tuổi, các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ trở nên rõ ràng hơn. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ có các dấu hiệu sau:​

  • Thiếu trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi hoặc học tập.​
  • Khó khăn trong giao tiếp xã hội, thường thu mình và ít tương tác với bạn bè cùng lứa.​
  • Có hành vi không hợp tác, hiếu động thái quá, hoặc biểu hiện hung hăng và bốc đồng.
  • Không thích nghi được với những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hoặc môi trường sống; luôn yêu cầu mọi thứ theo một trật tự cố định.​
  • Chỉ quan tâm đến một số đồ vật nhất định; thích quan sát hình dạng hoặc màu sắc nhưng không chú ý đến công dụng của chúng.​

Dấu hiệu trẻ tự kỷ nặng là gì?

Tự kỷ nặng (hay tự kỷ cấp độ 3) là mức độ cao nhất trong thang đo tự kỷ. Trẻ ở mức độ này thường không nói được hoặc chỉ sử dụng một vài từ với khả năng diễn đạt hạn chế. Đồng thời, trẻ mắc tự kỷ cấp độ 3 thường không có khả năng sống tự lập và cần được trông chừng 24/7.​ Một số dấu hiệu trẻ tự kỷ cấp độ nặng bao gồm:​
  • Không nói được hoặc không thể sử dụng ngôn ngữ một cách hoàn chỉnh.​
  • Rối loạn cảm xúc, như dễ cáu giận hoặc phản ứng mạnh khi tiếp xúc nhẹ với người khác.​
  • Nhạy cảm với môi trường đông đúc, sáng sủa hoặc ồn ào.​
  • Có hành vi tự làm tổn thương bản thân, đi lang thang hoặc hay chạy trốn.

Các dấu hiệu khác ở trẻ tự kỷ

Hầu hết trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ sẽ có những đặc điểm liên quan khác như:

  • Chậm phát triển ngôn ngữ.
  • Chậm phát triển kỹ năng vận động.
  • Chậm phát triển nhận thức hoặc kỹ năng học tập.
  • Hành vi hiếu động thái quá, bốc đồng hoặc mất tập trung.
  • Động kinh hoặc rối loạn co giật.
  • Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ thất thường.
  • Các vấn đề đường tiêu hóa (như táo bón).
  • Tâm trạng hoặc phản ứng cảm xúc bất thường, không phù hợp hoặc quá mức.
  • Lo âu, căng thẳng hoặc cảm giác lo lắng quá mức.
  • Không cảm thấy sợ hãi hoặc sợ hãi hơn mức bình thường.
Dấu hiệu tự kỷ ở mỗi trẻ sẽ không giống nhau, trẻ có thể không có hết tất cả những biểu hiện kể trên hoặc có thêm những triệu chứng khác. Nếu nghi ngờ con mắc phải rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, đánh giá và đưa ra chẩn đoán chính xác.

Cha mẹ cần làm gì khi xuất hiện dấu hiệu trẻ tự kỷ?

Khi trẻ có dấu hiệu tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm đến các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn. Việc điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết trong những năm tháng đầu. Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh mà mỗi bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau; trong đó có cả điều trị bằng thuốc và tâm lý học.

Nhưng trên hết, phương pháp chữa trị tốt nhất để cải thiện tình trạng của trẻ là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ, gia đình và người thân. Khi gia đình đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương; và nhanh chóng hòa nhập được với đời sống xã hội.

Tham gia các hoạt động thú vị cùng trẻ giúp cải thiện kỹ năng vận động và kết nối gia đình
Tham gia các hoạt động thú vị cùng trẻ giúp cải thiện kỹ năng vận động và kết nối gia đình

Sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ có cần thiết không?

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng cha mẹ nên thực hiện sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ định kỳ đối với trẻ 18 và 24 tháng tuổi. Sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ là bước tiên quyết để chẩn đoán bệnh; cho dù tự kỷ chưa có cách chữa trị song việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp làm giảm các biểu hiện tự kỷ.

Phương pháp hỗ trợ can thiệp và sống chung với trẻ tự kỷ

  • Giúp trẻ khai phá điểm mạnh của bản thân: Nhiều trẻ tự kỷ có thế mạnh đặc biệt như âm nhạc, toán học hoặc năng khiếu bẩm sinh với một chủ đề. Vì vậy, cha mẹ cần tạo điều kiện để khuyến khích trẻ học tập, giao tiếp, và tham gia vào các hoạt động phát triển năng khiếu.
  • Cùng tham gia vào các sở thích của trẻ: Chơi cùng bé trong các hoạt động thú vị mà bé thích giúp xây dựng sự kết nối giữa cha mẹ và con; đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp cho bé. Thêm vào đó, cha mẹ nên tạo ra những thử thách hoặc thay đổi nhỏ trong trò chơi; kích thích sự sáng tạo và giúp trẻ làm quen với sự thay đổi.
  • Sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ đơn giản: Cha mẹ chỉ nên sử dụng những từ đơn giản, ngắn gọn, kèm theo hình ảnh minh hoạ để bé tiếp thu được dễ dàng và cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
  • Giúp trẻ làm quen với sự thay đổi: Một trong những nỗi sợ lớn nhất đối với trẻ tự kỷ là sự thay đổi, nên để bé làm quen với điều này, cha mẹ hãy thông báo trước và trấn an bé để bé tiếp nhận thông tin một cách nhẹ nhàng.
  • Khuyến khích trẻ phát triển các kỹ năng vận động và xã hội: Cha mẹ có thể tham khảo các khóa học giúp phát triển các kỹ năng vận động thô và vận động tinh cho trẻ tại địa phương. Khi có cơ hội được tham gia các hoạt động xã hội, trẻ sẽ học được cách chơi và giao tiếp với người khác.

Biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ

Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Theo chia sẻ của bác sĩ Đinh Thạc – trưởng khoa Tâm Lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết chương trình can thiệp trẻ tự kỷ nên bắt đầu càng sớm càng tốt, bởi khi bỏ lỡ “giai đoạn vàng” để điều trị, trẻ có rất ít khả năng được phát triển lành mạnh sau này.

Hiện tại có rất nhiều phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ và có thể chia làm các nhóm như sau:

  • Trị liệu ngôn ngữ: Có âm ngữ trị liệu, PECS
  • Trị liệu chức năng, hoạt động: có Phương pháp OT, điều hòa cảm giác…
  • Trị liệu xã hội: có phương pháp can thiệp trong việc phát triển các mối quan hệ RDI, các trò chơi tương tác, kỹ năng xã hội…
  • Trị liệu can thiệp hành vi: Gồm có phân tích hành vi ứng dụng (ABA), ESDM, Floortime, Teacch….

Câu hỏi thường gặp

Trẻ tự kỷ có đồng mắc các rối loạn tâm lý khác không?

Trẻ tự kỷ cũng cần điều trị các tình trạng, bệnh lý đồng mắc khác kèm theo như:

Các tình trạng, bệnh lý đi kèm chứng tự kỷ sẽ được điều trị bằng những phương pháp như:

Làm thế nào để dạy trẻ tự kỷ tập nói?

Trẻ tự kỷ chậm nói là hiện tượng thường xảy ra, cũng như trẻ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và có xu hướng muốn nói chuyện rất trễ. Các báo cáo cho thấy trẻ tự kỷ thường bắt đầu tập nói và học hỏi từ môi trường xung quanh từ 6 tuổi trở đi. Để dạy trẻ tự kỷ tập nói cha mẹ cần kiên nhẫn hỗ trợ con bằng cách:

  • Giúp trẻ tăng tương tác với thế giới bên ngoài
  • Để ý đến sở thích và những điều mà trẻ quan tâm để tạo sự kết nối, thúc đẩy bé nói chuyện
  • Sử dụng ngôn từ đơn giản để trẻ dễ làm quen và lặp lại
  • Tập giao tiếp phi ngôn ngữ bằng các cử chỉ, hành động để trẻ có thể nhận biết
  • Dạy trẻ về các đồ vật và cảm giác liên quan
  • Dùng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, kích thích sự hứng thú của trẻ
  • Giao tiếp bằng ánh mắt với trẻ
  • Cho con không gian riêng và thời gian để học nói
  • Tham gia vào câu lạc bộ dành cho trẻ tự kỷ.

Kết luận

Nội dung trên là những thông tin hữu ích về dấu hiệu trẻ tự kỷ để ba mẹ nhận biết và có phương án can thiệp kịp thời cho con. Nếu cha mẹ nhận thấy con gặp khó khăn trong việc thực hiện các kỹ năng vận động hoặc các hành vi của con có biểu hiện tự kỷ, đừng chần chừ mà hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa để nhận được sự giúp đỡ kịp thời nhé!

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

Signs of autism in children | NHS UK

https://www.nhs.uk/conditions/autism/signs/children/

Ngày truy cập: 22/01/2025

Autism | Cleveland Clinic

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/autism

Ngày truy cập: 22/01/2025

Recognizing Signs and Traits of Autism in Children | Verywell Health

https://www.verywellhealth.com/autism-in-children-4013636

Ngày truy cập: 22/01/2025

When do children usually show symptoms of autism? | NICHD

https://www.nichd.nih.gov/health/topics/autism/conditioninfo/symptoms-appear

Ngày truy cập: 22/01/2025

Early signs of autism: young children | Raising Children Network (Australia)

https://raisingchildren.net.au/autism/learning-about-autism/assessment-diagnosis/early-signs-of-asd

Ngày truy cập: 22/01/2025

Hướng dẫn cha mẹ nhận biết trẻ tự kỷ qua từng độ tuổi | Bệnh viện Nhi Trung ương

Hướng dẫn cha mẹ nhận biết trẻ tự kỷ qua từng độ tuổi

Ngày truy cập: 22/01/2025

What Are the Three Levels of Autism? | The Place for Children with Autism

The 3 Levels of Autism – Diagnosing Autism

Ngày truy cập: 22/01/2025

Autism Spectrum Disorder | American Academy of Pediatrics

https://www.aap.org/en/patient-care/autism/

Ngày truy cập: 22/01/2025

Signs and Symptoms of Autism Spectrum Disorder | U.S Center for Disease Control and Prevention

https://www.cdc.gov/autism/signs-symptoms/index.html

Ngày truy cập: 22/01/2025

Data and Statistics on Autism Spectrum Disorder | U.S Center for Disease Control and Prevention

https://www.cdc.gov/autism/data-research/index.html

Ngày truy cập: 22/01/2025

x