Cách làm ruốc tôm cho bé giúp mẹ trở thành đầu bếp tuyệt vời ông mặt trời
Cách làm ruốc tôm cho bé sẽ giúp mẹ trở thành đầu bếp lý tưởng trong mắt của con yêu. Bạn còn dễ dàng đem đến cho bé sự mới lạ khi chỉ với một món ruốc tôm mà có thể kết hợp cùng với cháo, cơm hoặc bánh bèo, bánh ướt… hay mang đi xa […]
Cách làm ruốc tôm cho bé sẽ giúp mẹ trở thành đầu bếp lý tưởng trong mắt của con yêu. Bạn còn dễ dàng đem đến cho bé sự mới lạ khi chỉ với một món ruốc tôm mà có thể kết hợp cùng với cháo, cơm hoặc bánh bèo, bánh ướt… hay mang đi xa trong những chuyến du lịch để giúp bé ăn ngon miệng và đầy đủ dưỡng chất.
Đặc biệt, với các mẹ bận rộn, ít có thời gian nấu nướng thì món ruốc được xem là sự lựa chọn hàng đầu vì đảm bảo sự tiện lợi, bảo quản được lâu mà vẫn giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng. Marry Baby sẽ “bật mí” cho mẹ 3 cách làm ruốc tôm cho bé 1 tuổi ăn ngon miệng chỉ với công thức đơn giản mà không tốn quá nhiều thời gian chế biến.
Giá trị dinh dưỡng của tôm
Tôm là thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Khi bé được khoảng 9, 10 tháng tuổi thì mẹ nên bổ sung tôm vào thực đơn ăn dặm để cung cấp thêm:
- Protein: Trong tôm có chứa một lượng protein dồi dào hơn cả trong thịt gà. Ngoài ra, tôm còn có lượng axit amin thiết yếu đáng kể giúp bé hấp thụ thức ăn tốt hơn và tăng cường sức khỏe toàn diện.
- Vitamin B12: Vốn là loại vitamin đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và hệ tiêu hóa.
- Sắt: Ăn tôm giúp trẻ bổ sung lượng sắt đáng kể để ngăn chặn tình trạng thiếu máu, mệt mỏi và khó thở.
- Vitamin A và D: Là những chất quan trọng hỗ trợ hệ xương của bé phát triển tốt.
- DHA và canxi: Tăng cường sự phát triển trí tuệ và thị lực cho bé.
Với những lợi ích tuyệt vời trên đây, mẹ hãy tích cực cho bé ăn tôm nhé! Với bé không chịu ăn tôm nguyên con thì ruốc tôm sẽ là món ăn hữu dụng, nhất là vào những lúc mẹ bận rộn.
Cách làm ruốc tôm cho bé ăn ngon miệng
Cách 1: Làm ruốc từ tôm tươi
Nguyên liệu
- Tôm tươi (tôm sắt, tôm sú, tôm he): 500g
- Sả: 1 cây
- Dầu gấc: 2 thìa
- Nước mắm: 2 thìa
Chế biến
- Bạn cắt râu và đuôi tôm, sau đó rửa sạch tôm để ráo nước.
- Sả rửa sạch rồi đem đập giập, cắt nhỏ.
- Bạn đem tôm hấp chung với sả vì sả có tác dụng khử mùi tanh của tôm. Cho sả lên trên rồi hấp trong lửa nhỏ, tránh nước sôi trào làm tôm mất ngon. Bạn chỉ nên hấp vừa chín tới để tôm không bị mất vị ngọt, khi nước sôi thì mở nắp nồi cho tôm không bị khai.
- Tôm sau khi hấp chín, bạn cho ra đĩa, bóc đầu và vỏ tôm, bỏ luôn phần chỉ đen ở lưng tôm, chỉ giữ lại thịt tôm để làm ruốc.
- Bạn cho tôm vào cối giã nát từng chút một cho đến hết, không nên giã nhiều cùng lúc. Có thể cho tôm vào máy xay sinh tố để xay nát nhưng vẫn khuyến khích bạn nên giã tôm để tạo thành sợi ruốc dài, ăn sẽ ngon miệng hơn.
- Cho tôm đã giã vào trong chảo, thêm 2 thìa dầu gấc rồi đảo đều trên lửa nhỏ hoặc vừa để tôm không bị vón cục. Sau đó, bạn thêm hai thìa nước mắm vào ruốc cho vị đậm đà. Rang ruốc tôm cho đến khi có mùi thơm, ruốc ngả sang màu vàng đỏ đẹp mắt, thường là khoảng 10 – 15 phút là được.
Cách 2: Cách làm ruốc tôm cho bé từ tôm khô
Nguyên liệu
- Tôm khô: 100g
- Dầu gấc: 2 thìa
- Nước mắm: 2 thìa
- Đường: 1 thìa
Chú ý: Bạn có thể điều chỉnh lượng nước mắm và đường dựa vào độ mặn – nhạt của tôm khô nhé.
Chế biến
- Bạn đem tôm khô ngâm với nước ấm cho mềm để giảm bớt vị mặn, sau đó vớt tôm ra để ráo nước.
- Khuấy đều hỗn hợp nước mắm và đường cho tan.
- Bạn chia tôm từng phần nhỏ rồi cho vào cối giã nhỏ, có thể dùng tay bóp nhuyễn để thịt tôm có dạng sợi và độ bông cần thiết.
- Bạn cho 2 thìa dầu gấc vào chảo bắc lên bếp rồi cho tôm vào rang. Đến khi ruốc tôm đã ráo thì đổ hỗn hợp nước mắm và đường vào, tiếp tục đảo đều tay cho đến khi ruốc tơi ra và ngả màu đỏ vàng là được.
Cách 3: Cách làm ruốc tôm cho bé từ tôm với thịt lợn
Nguyên liệu
- Thịt thăn lợn: 300g
- Tôm tươi: 500g
- Hạt nêm, đường, nước mắm, dầu gấc
Chế biến
- Thịt lợn chần qua nước sôi, thái miếng dài, mỏng rồi đem ướp với một ít hạt nêm, đường, nước mắm và 1/2 bát nước.
- Cho thịt đã ướp vào nồi đun tới khi cạn nước rồi bỏ thịt ra giã nhỏ.
- Tôm sơ chế và giã nát giống cách 1. Sau đó cho tôm và thịt vào chảo đảo đều trong vòng 15 phút. Khi hỗn hợp đạt độ khô nhất định nhưng vẫn còn độ dai ngon thì hãy tắt bếp và bỏ ra đĩa.
Cách bảo quản món ruốc tôm
- Mẹ chuẩn bị sẵn một lọ có nắp đậy sạch sẽ, khô ráo để đựng ruốc.
- Ruốc rang xong rồi thì nên để nguội hẳn rồi cho vào lọ đậy nắp kín, để nơi khô ráo hoặc trong ngăn mát tủ lạnh để giữ được lâu hơn.
- Mỗi lần ăn, bạn dùng đũa sạch lấy ruốc ra rồi đậy nắp lại ngay, tránh để ruốc tiếp xúc nhiều với không khí bên ngoài nhanh bị hỏng.
- Ruốc tôm dùng cho bé ăn thì chỉ nên ăn trong 1 – 2 tuần thôi mẹ nhé.
Mẹo làm ruốc tôm ngon
- Khi mua tôm tươi, mẹ lưu ý là chọn tôm còn sống, không nên mua tôm có mùi hôi, đầu đã tách rời khỏi thân vì đó là tôm đã hỏng, bé ăn vào dễ bị ngộ độc.
- Khi rang ruốc tôm trên chảo, mẹ không nên rang quá lâu vì ruốc sẽ bị khô, ăn không ngon. Còn nếu rang nhanh, ruốc chưa khô ráo hết thì sẽ không bảo quản được lâu. Trong lúc rang, mẹ hãy dùng thìa lớn chà mạnh lên thịt tôm để khi chín ruốc sẽ có hình sợi và độ bông hấp dẫn.
- Ruốc tôm đạt yêu cầu là sợi ruốc có độ bông mịn và màu đỏ đẹp mắt. Khi ăn ruốc vẫn có độ dai và vị ngọt tự nhiên, không bị khô cứng hay có mùi cháy khét.
- Khi cho bé ăn cháo với ruốc tôm, mẹ có thể cho bé ăn chung với cà rốt, rau dền, mồng tơi, bầu, bí để làm tăng thêm hương vị đậm đà của món tôm.
Cách làm món ruốc tôm cho bé thưởng thức thật đơn giản đúng không nào? Chắc chắn bé sẽ thích mê vị thơm ngọt và màu sắc hấp dẫn của món ruốc tôm nên bạn nhớ cho bé ăn để đổi vị nhưng cũng không nên ăn quá nhiều đâu nhé. Chúc bạn sẽ thành công!
Hoa Hồng
Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.