Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Vinh An
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 01/10/2021

Hội chứng tuổi dậy thì và những vấn đề chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì bố mẹ cần biết

Hội chứng tuổi dậy thì và những vấn đề chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì bố mẹ cần biết
Tuổi dậy thì là bước ngoặt mà con đột nhiên khó làm chủ bản thân, có những thay đổi lớn trong tâm sinh lý, tính cách. Tất cả điều này liên quan đến hội chứng tuổi dậy thì. Bạn đã biết rõ để cùng con đi qua giai đoạn phức tạp này chưa?

Hội chứng tuổi dậy thì là thủ phạm khiến bé con ngày nào nay có những thay đổi kỳ lạ. Mời mẹ cùng MarryBaby khám phá về hội chứng này để kịp thời chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì cũng như đồng hành với trẻ trong giai đoạn này nhé!

Các mẹ có con đang ở tuổi mới lớn thường lo lắng khi con bước vào giai đoạn tuổi dậy thì vì đây là một trong những giai đoạn phức tạp và quan trọng nhất đời người. Con lại chưa có bản lĩnh vững vàng, rất dễ gặp khủng hoảng khiến bố mẹ không yên tâm.

Nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp hội chứng tuổi dậy thì

Những thay đổi lớn của cơ thể khiến trẻ có nhiều khác biệt so với trước đây, cụ thể như:

  • Con gái: cao vọt, ngực to hơn, xuất hiện kinh nguyệt, mặt bị mụn. Trang phục khi đi học cũng khác trước, bắt đầu mặc áo lá, áo ngực…
  • Con trai: cao lớn, bể tiếng, có ria mép, mặt bị mụn…

Những trẻ vào tuổi dậy thì thuộc top sớm trong lớp có thể bị bạn bè săm soi, chê bai, chọc ghẹo… Những điều này có thể khiến trẻ tự ti, mặc cảm. Nếu không được giải tỏa tâm lý, về lâu dài, con có thể bị áp lực, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, thậm chí còn có cả rối loạn tâm thần.

hội chứng tuổi dậy thì

Những điều này xảy ra cùng lúc và diễn biến quá nhanh với những biến đổi liều lượng hormone giới tính khiến cảm xúc của trẻ thất thường, làm trẻ khó làm chủ bản thân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, bạn cần hiểu và đồng hành với con trong giai đoạn này.

Các hội chứng tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ

1. Rối loạn cảm xúc

Con rất nhạy cảm, thường xuyên trải qua những trạng thái cảm xúc thái quá, cụ thể như khi vui sẽ quá vui, khi buồn sẽ quá buồn, vui buồn thất thường.

Rối loạn cảm xúc bắt đầu từ tình trạng rối loạn tại não bộ. Biểu hiện của rối loạn cảm xúc là mất ngủ, hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên, vẻ mặt không tươi tắn, chán ăn… Con dễ phản ứng cực đoan trước những lời chọc ghẹo, có ý nghĩ tiêu cực trước nhiều sự việc.

2. Rối loạn tâm lý hành vi

Trẻ căng thẳng, dễ bực bội, ngang bướng, đôi khi thích làm trái lời người lớn, thậm chí có lúc còn hỗn hào. Nhiều trẻ còn gặp chứng mất ngủ, đứng ngồi không yên, có những hành vi bất thường như bỏ nhà ra đi, gây hấn với người khác.

Một số trẻ còn cho mình kém cỏi hoặc xấu xí nên tự ti, không thích tiếp xúc với người khác. Dần dần, con ngày càng lâm vào tình trạng stress, mệt mỏi, suy nghĩ luẩn quẩn, căng thẳng, lo âu… Đây chính là nguyên nhân căn bản đẩy các em rơi vào chứng trầm cảm, hoang tưởng. Ở tuổi này, các em dễ bị tác động từ môi trường bên ngoài như bạn bè xấu, văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh bạo lực.

hội chứng tuổi dậy thì
Cùng con chơi thể thao để đề phòng các hội chứng tuổi dậy thì

Khi rối loạn hành vi, trẻ có thể gây thương tích cho người khác, trộm cắp, đua xe mạo hiểm…

Từ rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc nếu không được điều chỉnh kịp thời, trẻ có thể bị rối loạn tâm thần.

3. Rối loạn tâm thần

Trầm cảm

tuổi dậy thì, lượng hormone giới tính thay đổi, áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không vui vẻ khiến trẻ sống thu mình. Rối loạn tâm thần trầm cảm khiến nhiều trẻ tự dựng lên cho mình một thế giới “ảo”, không quan tâm tới bất cứ thứ gì, bất kỳ ai “ngoài đời thực”. Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ còn có thể nghĩ đến việc tự tử.

Hoang tưởng

Trẻ bị suy nghĩ lệch lạc, trải qua các cấp độ nhẹ hoặc nặng. Ví dụ như luôn nghĩ có người yêu mình say đắm, hoặc nghĩ có người ganh tỵ với mình, thậm chí có trẻ còn nghĩ luôn có người hại mình, giết mình dù thực tế không có những điều này.

Trẻ mắc hội chứng tuổi dậy thì hoang tưởng có suy nghĩ sai lệch nhưng luôn tự cho là đúng, người khác không thể đả thông hay giải thích được.

Hoang tưởng của hội chứng tuổi dậy thì có thể xảy ra dần dần theo nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hoặc hơn. Biểu hiện sớm của chứng này đôi khi có thể giống như chứng lo âu hoặc trầm cảm.

Những vấn đề thường gặp ở tuổi vị thành niên

Do những thay đổi trên, trẻ vị thành niên dễ bị dụ dỗ, lường gạt, mua chuộc, xâm hại và dễ bắt chước những thói hư tật xấu. Những nguy cơ hay gặp ở trẻ là:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Mang thai sớm ngoài ý muốn, dễ sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ; làm mẹ quá trẻ; trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh hoặc thậm chí là tử vong; bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai; dễ nảy sinh tâm lý chán nản; phải gánh chịu định kiến xã hội; gánh nặng về kinh tế khi nuôi con; phá thai có thể dẫn đến các tai biến như nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh,…
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thậm chí là HIV/AIDS.
  • Dễ bị lôi kéo sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện

Trẻ dậy thì quá sớm hoặc quá muộn

Trẻ được xem là dậy thì sớm nếu có các dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Còn dậy thì muộn là khi bé gái trên 13 – 14 tuổi và bé trai trên 15 – 16 tuổi mà vẫn chưa có các dấu hiệu của tuổi dậy thì.

Tình trạng dậy thì sớm và dậy thì muộn đều khiến trẻ dễ bị trêu chọc và cảm thấy tự ti về cơ thể. Một số nghiên cứu còn chỉ ra các bé trai dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tình dục và lạm dụng chất kích thích, trong khi các bé gái lại dễ bị bắt nạt và có nguy cơ trầm cảm cao. Do đó, nếu bé nhà bạn rơi vào tình huống này, bạn cần:

  • Giải thích cho trẻ hiểu ai khi trưởng thành cũng đều thay đổi. Mỗi người sẽ trải qua những thay đổi ở những thời điểm khác và điều này là bình thường.
  • Chú ý quan sát hành vi, thái độ, cảm xúc của trẻ để sớm phát hiện trẻ có đang bị trêu chọc, bắt nạt vì ngoại hình không nhằm có biện pháp can thiệp đúng lúc.
  • Cân nhắc việc tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ nếu cần.

Hội chứng tuổi dậy thì

Chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên như thế nào?

Thời kỳ vị thành niên, trẻ gặp nhiều vấn đề khủng hoảng, hoang mang về tâm lý. Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng trẻ vị thành niên vẫn cần được giúp đỡ, giáo dục từ gia đình và nhà trường để phát triển đúng hướng.

Theo đó, gia đình, nhà trường và chính trẻ vị thành niên cần:

1. Rèn luyện về kỹ năng sống

  • Chủ động tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản tuổi thành niên từ cha mẹ, thầy cô, người thân và bạn bè;
  • Tâm sự những lo lắng, băn khoăn với người thân hoặc thầy cô;
  • Duy trì thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, tập luyện và giải trí phù hợp;
  • Phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn trong sáng.

2. Chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý

  • Trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong chế độ ăn gồm protein, vitamin, khoáng chất, tinh bột,… Cần có sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người thân và thầy cô giáo;
  • Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,…
  • Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con, giúp con giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ cần tôn trọng quyết định của con nếu phù hợp. Phụ huynh cũng cần căn cứ vào nhu cầu, sở thích và năng lực của trẻ vị thành niên để hướng nghiệp phù hợp.
  • Đồng hành với con vượt qua hội chứng tuổi dậy thì

    Bạn nên khéo léo chú ý đến tâm sinh lý, hành vi của con vì tuổi dậy thì là khoảng thời gian chuyển biến và thay đổi lớn của mỗi người. Nếu phát hiện con có những thay đổi theo chiều hướng nghiêm trọng, đột ngột như trên thì đó có thể là dấu hiệu báo động về sức khỏe tinh thần.

    Các hội chứng tuổi dậy thì như rối loạn tâm lý, hành vi, rối loạn tâm thần tuy dễ gặp nhưng có thể khỏi nếu bệnh của trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm.

    Nếu bạn thấy con có những biểu hiện tâm lý như trên thì nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt. Đây là lúc trẻ rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của người thân trong gia đình cũng như của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.

    Bạn nên có chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho con với thực đơn khoa học, phù hợp với độ tuổi. Trẻ nữ cần biết cách vệ sinh thời kỳ kinh nguyệt, đi khám nếu đến 15 – 16 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt và bổ sung viên sắt theo chỉ định của bác sĩ để phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt.

    Bạn nên là người bạn thân của con, khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội. Bạn cũng nên hướng dẫn con tránh xa các trò chơi bạo lực hay xem văn hóa phẩm đồi trụy…

    Bạn tuyệt đối không nên la mắng, nhiếc móc con. Thay vào đó hãy tạo điều kiện để trẻ bộc lộ bản thân nhiều hơn. Nếu con mắc phải những hội chứng này thì cũng là một căn bệnh như những bệnh bình thường khác, cha mẹ không nên mặc cảm, giấu diếm, cách ly con khiến các hội chứng này càng trầm trọng hơn ở trẻ.

    Hội chứng tuổi dậy thì và chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì không phải là điều đơn giản. Vì thế quý phụ huynh cần theo dõi kỹ và quan tâm nhiều đến con cái trong giai đoạn này.

    Vinh An

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    1. Parenting children through puberty

    https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/Parenting-children-through-puberty Truy cập ngày 1/10/2021

    2. Puberty, Developmental Processes, and Health Interventions

    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK525269/ Truy cập ngày 1/10/2021
    3. Puberty https://www.healthywa.wa.gov.au/Articles/N_R/Puberty Truy cập ngày 1/10/2021 4. Puberty https://medlineplus.gov/puberty.html Truy cập ngày 1/10/2021 5. Taking Care of Your Body: Answers for Girls With Autism https://kidshealth.org/en/teens/autism-hygiene-girls.html Truy cập ngày 1/10/2021

    6. Puberty

    https://www.plannedparenthood.org/learn/teens/puberty Truy cập ngày 1/10/2021  
    x