Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Admin-marrybaby
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 15/12/2020

Những điều mẹ bầu cần biết về thai trứng (chửa trứng)

Những điều mẹ bầu cần biết về thai trứng (chửa trứng)
Bạn có từng nghe qua khái niệm thai trứng bao giờ chưa? Bạn có biết rằng mỗi năm Việt Nam có hơn 10000 phụ nữ mang thai trứng và có khoảng 20% trong số đó bị biến chứng sang ác tính không? Thai trứng được xem như một căn bệnh sản khoa nguy hiểm. Vì vậy bạn cần có những hiểu biết nhất định về nó để có cách phòng tránh.

mang thai trứng có nguy hiểm không

Thai trứng là tình trạng thai nghén bất thường xảy ra do sự phát triển quá mức của lớp tế bào nuôi có trong gai nhau. Điều này khiến một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bị biến thành các túi nhỏ chứa đầy dịch giống như chùm nho.

Theo thống kê, thai trứng xảy ra với tỷ lệ là 1/1.000 trường hợp mang thai. Tình trạng mang thai bất thường này thường là lành tính, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng đáng sợ như: thai trứng xâm lấn hay ung thư tế bào nuôi. Trong bài viết này, Marry Baby mời bạn cùng tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng thai nghén không bình thường này.

Thai trứng là gì?

Thai trứng xảy ra khi một hợp tử hình thành và phát triển thành khối bất thường trong tử cung. Tuy không phải là một bào thai nhưng sự phát triển của thai trứng có những dấu hiệu gần giống với khi mang thai.

Nếu gặp phải tình trạng thai kỳ này, bạn cần được điều trị ngay lập tức để đảm bảo không gặp phải các di chứng về sức khỏe. Các mô tế bào này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe sinh sản ở phái nữ.

Các bác sĩ sản khoa thường chia thai trứng theo 2 dạng như sau:

  • Thai trứng toàn phần: Không có phôi thai, các gai nhau phình to, mạch máu gai nhau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.
  • Thai trứng bán phần: Có phôi thai bất thường, phần lớn gai nhau biến thành túi nước.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể phân loại thai trứng dựa vào tính chất:

  • Thai trứng lành tính: Lớp hợp bào không bị phá vỡ, lớp đơn bào không ăn vào cơ tử cung.
  • Thai trứng ác tính (thai trứng xâm nhập): Lớp hợp bào mỏng đi và có từng vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung, thậm chí ăn thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu trong ổ bụng.

Dấu hiệu nhận biết thai trứng

Trong trường hợp mang thai trứng, bạn vẫn có thể có các dấu hiệu mang thai tương tự như một thai kỳ bình thường, chẳng hạn như mất kinh, đau ngực, nôn ói, đi tiểu nhiều… Ngoài ra, có những triệu chứng cụ thể có thể chỉ ra mang thai trứng:

  • Chảy máu âm đạo bất thường có kèm cục máu đông
  • Buồn nôn nặng và ói mửa
  • Huyết áp tăng
  • Tử cung lớn hơn so với tuổi thai
  • Có cảm giác khó chịu ở vùng xương chậu
  • Các dấu hiệu của cường giáp bao gồm cảm giác lo lắng hay mệt mỏi, nhịp tim nhanh hoặc không đều và đổ mồ hôi rất nhiều

Thực tế là hầu hết các triệu chứng kể trên cũng có thể xảy ra với một thai kỳ bình thường, mang đa thai hoặc là dấu hiệu cảnh báo sảy thai.

Nguyên nhân gây thai trứng

Theo các chuyên gia, nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng mang thai trứng là do sự thụ tinh bất thường. Tế bào người chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, trong mỗi cặp sẽ có 1 nhiễm sắc thể đến từ cha, 1 nhiễm sắc thể của mẹ.

  • Trường hợp thai trứng toàn phần: 1 quả trứng rỗng (không có nhiễm sắc thể) được thụ tinh bởi 1 hoặc 2 tinh trùng và tất cả các vật liệu di truyền là đến từ người cha. Trong tình huống này, nhiễm sắc thể từ trứng của mẹ bị mất hoặc bất hoạt và nhiễm sắc thể của người cha được nhân đôi. Sau khi thụ tinh, hợp tử phát triển như một khối u hay một cụm tế bào giống như bọc trứng và chiếm trọn không gian bên trong tử cung. Do đó, qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ dễ dàng nhận thấy hình dạng của chúng.
  • Trường hợp thai trứng bán phần: Nhiễm sắc thể trong trứng của người mẹ vẫn có nhưng tinh trùng người cha lại cung cấp hai bộ nhiễm sắc thể. Kết quả là phôi lại có 69 nhiễm sắc thể thay vì có 46 như bình thường. Điều này thường xảy ra khi hai tinh trùng thụ tinh với trứng, dẫn đến một bản sao thêm của vật liệu di truyền của người cha. Nhau thai phát triển thành thai trứng. Thai nhi hình thành mang những khiếm khuyết nghiêm trọng.

Ngoài ra có một vài trường hợp mang thai đôi gồm một thai bình thường và một thai trứng. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm xảy ra.

Tình trạng chửa trứng được chẩn đoán như thế nào?

chẩn đoán mang thai trứng

Tình trạng mang thai trứng thường được chẩn đoán dựa vào các kết quả xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hCG (huyết thanh beta hCG)
  • Siêu âm doppler
  • Kiểm tra mô bệnh học của mô thai trứng
  • Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra xem ung thư có lan sang các khu vực khác của cơ thể không

Thực tế là trước khi chỉnh định bạn làm các xét nghiệm trên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, hỏi về những bệnh lý hay vấn đề thai kỳ mà bạn từng gặp phải. Điều này giúp các bác sĩ có thêm thông tin về việc sinh con hoặc gần đây, bạn có từng bị sảy thai hoặc phá thai hay không.

Việc chẩn đoán bạn có mang thai trứng hay không sẽ trở nên khó khăn nếu:

  • Lần mang thai và sinh nở gần đây là bình thường và bạn không có dấu hiệu nghi ngờ bị chửa trứng cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ ràng.
  • Bị sảy thai và không biết mang thai trứng cho đến khi mô thai được xét nghiệm.

Người mang thai trứng có thể gặp phải những nguy cơ gì?

Trường hợp chửa trứng nhưng được chẩn đoán trễ có thể dẫn đến các vấn đề sau:

  • Xuất huyết
  • Thiếu máu
  • U nang buồng trứng xoắn gây đau
  • Hơi thở nông (khi thai trứng lan đến phổi)
  • Tiền sản giật ảnh hưởng đến thận và chức năng gan
  • Sản xuất quá mức hormone tuyến giáp gây ra tim đập nhanh và các hiệu ứng hormone tuyến giáp khác

Nếu tình trạng chửa trứng không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng tăng sản nguyên bào nuôi (Gestational Trophoblastic Neoplasia – GTN) chẳng hạn như:

  • Nguyên bào nuôi tồn tại (gestational trophoblastic disease – GTD): tình trạng liên quan đến sự phát triển liên tục và bất thường của mô nhau thai.
  • Mô thai trứng xâm lấn, khối u tăng sinh xâm lấn vào thành tử cung, âm đạo và cấu trúc xương chậu khác.
  • Mô thai trứng di căn: các tế bào thai trứng di chuyển đến các cơ quan khác như phổi, gây ra các khối u thứ cấp.
  • Ung thư biểu mô tuyến, một loại ung thư lây lan nhanh chóng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể thông qua các mạch máu hoặc hệ bạch huyết.

Do đó, trong trường hợp mang thai trứng, việc chẩn đoán sớm và kịp thời trở nên cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng kể trên.

Chửa trứng được điều trị như thế nào?

Các phương pháp điều trị cho tình trạng chửa trứng bao gồm:

  • Thuốc: Nếu các tế bào bất thường phát triển lớn và không thể hút ra ngoài, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc kích thích tử cung co bóp nhằm tống xuất khối thai bất thường này qua đường âm đạo.
  • Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D & C): Bác sĩ sẽ tiến hành nong cổ tử cung và tiến hành nạo mô thai. Trước khi tiến hành thủ thuật này, bạn có thể được gây tê hoặc gây mê.
  • Nong cổ tử cung và hút thai (D & E): Thủ thuật này cũng được tiến hành sau khi gây mê hoặc gây tê. Một ống hút nhỏ sẽ được đưa vào tử cung qua ngả âm đạo để hút các tế bào bất thường ra.
  • Cắt bỏ tử cung: Trường hợp này chỉ áp dụng nếu mô thai trứng xâm lấn quá sâu và bạn không có ý định sinh con nữa.

Đôi khi, dù bạn đã tiến hành hút thai thì vẫn có một số tế bào còn tồn tại bên trong tử cung. Những tế bào này thường tự tiêu biến trong một vài tháng. Trường hợp chúng không tiêu biến, bạn cần phải được điều trị để loại bỏ. Điều này có thể xảy ra ở 10% các trường hợp mang thai trứng.

Đối với thai trứng loại nguy cơ cao hoặc tế bào trứng còn tồn tại sau điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm hóa chất có tên gọi Methotrexate để hủy tế bào.

Những vấn đề liên quan đến việc mang thai trứng

1. Đối tượng nào có nguy cơ mang thai trứng?

Theo các chuyên gia sản khoa, yếu tố gia tăng nguy cơ mang thai trứng thường xảy ra ở các đối tượng sau:

  • Mang thai khi dưới 20 tuổi và lớn hơn 40 tuổi
  • Sinh con nhiều lần
  • Từng bị sảy thai
  • Là phụ nữ gốc Á
  • Bị thiếu hụt folate, beta-carotene hoặc protein
  • Tiền sử từng bị bệnh nguyên bào nuôi do thai nghén (gestational trophoblastic disease) (tỷ lệ tái phát là 1/100).

2. Chửa trứng bao lâu thì có thể mang thai lại?

nồng độ hormone hCG

Bạn nên tránh thụ thai cho đến sau khi nồng độ hormone hCG trở lại bình thường, thường là trong 6 tháng. Trong thời gian này, bạn hãy áp dụng các biện pháp tránh thai như dùng viên uống tránh thai hàng ngày, bao cao su, màng chắn tinh trùng và không dùng dụng cụ đặt tử cung.

Nếu muốn mang thai lại, bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ sản khoa để được tiến hành thăm khám nhằm đảm bảo mô thai trứng không còn tồn tại trong cơ thể. Ngoài ra, để tránh các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra, tốt nhất bạn chỉ nên mang thai sau 1 hoặc 2 năm sau đó.

Nếu bạn mang thai trong vòng 6 tháng sau điều trị chửa trứng, nồng độ hormone hCG cao trong thai kỳ bình thường có thể tác động tới kết quả xét nghiệm máu làm sai lệch việc chẩn đoán. Do đó, để đảm bảo tình trạng chửa trứng đã được điều trị khỏi hoàn toàn và ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi trong lần mang thai tiếp theo, bạn nên sử dụng các biện pháp tránh thai cho đến khi bác sĩ đồng ý cho mang thai trở lại.

3. Tôi có nguy cơ mang thai trứng trở lại không?

Nếu bạn từng mang thai trứng thì nguy cơ gặp phải bất thường thai kỳ này trong lần mang thai tiếp theo là 1 – 2%. Trường hợp nếu bạn đã mang thai trứng 2 lần, nguy cơ gặp lại vấn đề thai kỳ này tăng lên 15 – 17,5%.

4. Có thể có cách phòng ngừa thai trứng được không?

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ về điều trị, thời điểm thích hợp để mang thai có thể giúp bạn phòng ngừa nguy cơ mang thai trứng.

5. Chi phí điều trị mang thai trứng là bao nhiêu?

Trước khi tiến hành điều trị, bạn phải làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu (hCG, chức năng gan, chức năng thận, hormone tuyến giáp, công thức máu, đông cầm máu…), chụp X-quang tim phổi, siêu âm. Chi phí cho các cận lâm sàng này giao động trong khoảng 1 – 1,5 triệu đồng.

Trường hợp hút thai trứng đơn thuần, phí hút dao động khoảng 500 – 700 nghìn đồng. Trong quá trình hút nếu có chảy máu phải dùng thêm thuốc cầm máu, thậm chí truyền máu nếu mất máu nhiều. Nếu hút và có điều trị hóa chất sau hút thì chi phí thêm khoảng vài trăm nghìn tiền thuốc.

Ngoài ra, tùy tình trạng bệnh bạn nằm viện bao nhiêu ngày thì tốn tiền giường bấy nhiêu ngày, phòng thường khoảng 300 nghìn/giường/ngày. Phòng dịch vụ giá cao hơn, tùy cơ sở. Trung bình 1 đợt điều trị là khoảng 7 ngày.

Tóm lại, viện phí của 1 đợt điều trị thai trứng có thể dao động 4 – 5 triệu. Nếu bạn có sử dụng bảo hiểm sẽ được thanh một phần trong số này, cụ thể thanh toán bao nhiêu bạn phải hỏi phía bệnh viện điều trị. Ngoài ra, việc điều trị chửa trứng có thể kéo dài nhiều hơn 1 đợt, bên cạnh đó là quá trình theo dõi hậu thai trứng trong khoảng 1 – 2 năm.

Hy vọng qua bài viết, bạn đã cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích xoay quanh hiện tượng mang thai bất thường này.

Lan Quan/Marry Baby

Bài viết có sự tham vấn y khoa của Thạc sĩ – Bác sĩ Sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

x