🔥 Bài đăng hot nhất

Bé ho nhiều về đêm phải làm sao?

Trẻ ho về đêm, ho khi ngủ thường xuyên là một trong những biểu hiện sức khỏe khiến bố mẹ lo lắng. Nguyên nhân của tình trạng này là những căn bệnh liên quan tới đường hô hấp và thực quản mà các phụ huynh cần chú ý. Vậy khi bé ho nhiều về đêm phải làm sao? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân và cách chữa ho về đêm ở trẻ nhé.

6 kiểu ho ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý

Trẻ ho về đêm không sốt

Trường hợp trẻ ho về đêm không sốt có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: môi trường sống, dị ứng, trào ngược dạ dày, viêm xoang… Đặc biệt là khi điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, tấn công vào sức đề kháng yếu ớt của trẻ sẽ khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn.

Trẻ ho về đêm có đờm

Trường hợp trẻ ho về đêm có đờm có thể là do trẻ bị cảm lạnh, đi kèm với các triệu chứng đau họng, hắt hơi, biếng ăn,... Trẻ sẽ ho rất nhiều vào thời gian đầu mắc bệnh, tình trạng này sẽ giảm dần sau khoảng 1 đến 2 tuần. Theo thống kê, trung bình trẻ em sẽ bị cảm từ 6 đến 10 lần trong một năm.

Trẻ ho về đêm thở khò khè

Trẻ ho về đêm do mắc chứng cảm lạnh là một điều phổ biến vì sức đề kháng của bé ở giai đoạn đầu vẫn còn yếu. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho của trẻ sau vài ngày mắc bệnh trở nên bất thường như khàn và nói khó nghe vì giọng cao vút, đi kèm triệu chứng thở gấp và nhanh hơn thì mẹ cần chú ý.

Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản khi phế quản bị sưng lên, bị tắc nghẽn bởi lượng chất nhờn gia tăng và làm trẻ bị khó thở. Trẻ dễ bị mắc viêm phế quản hơn khi bước vào mùa đông, vì vậy mẹ hãy bổ sung nhiều vitamin để tăng sức đề kháng và giữ ấm cho trẻ.

Trẻ bị ho, sổ mũi về đêm

Tình trạng ho, sổ mũi sẽ diễn ra nặng hơn khi các chất dịch sẽ bị tắc nghẽn ở mũi và khoang họng do trẻ nằm ngửa để ngủ vào ban đêm. Bên cạnh đó, hen suyễn cũng có thể khiến đường hô hấp của trẻ trở nên nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng hơn.

Trẻ bị ho ông ổng

Trẻ mắc phải chứng viêm thanh khí phế quản khiến tiếng ho nghe giống tiếng hải cẩu kêu hoặc tiếng chó sủa. Bệnh này thường được bắt gặp ở trẻ 6 tháng tuổi đến 3 năm tuổi, phổ biến từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Trẻ bị ho ông ổng sẽ ho nhiều hơn vào buổi tối kèm với khó thở, tiếng thở rít ra rít vào, đặc biệt là những trẻ có cơ địa nhạy cảm thì càng dễ nhận thấy các dấu hiệu trên.

Trẻ bị ho gà

Một trong những loại bệnh ho phổ biến hiện nay là ho gà, đường thở của trẻ sẽ bị vi khuẩn tấn công, làm hẹp và gây viêm khiến trẻ khó thở. Trẻ bị ho gà thường ho nhiều lần trong thời gian ngắn, đôi khi hơn 20 lần trong một lần thở và tạo ra tiếng kêu lạ nghe như tiếng gà kêu khi trẻ hít vào.

Bé bị ho nhiều về đêm phải làm sao? Cách làm giảm ho ban đêm

Làm sao trị dứt điểm ho đêm cho bé là thắc mắc của không ít bậc phụ huynh khi có con gặp phải tình trạng này. Dưới đây là một số cách cải thiện tình trạng ho ở trẻ mà các bố mẹ có thể tham khảo.

Làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý

Cách làm giảm ho ban đêm là bố mẹ có thể nhỏ 5 - 10 giọt nước muối sinh lý 0,9% vào mũi trẻ trước khi đi ngủ hoặc vào nửa đêm khi trẻ bị ho. Nước muối sinh lý nhỏ mũi được xem là an toàn cho trẻ nhỏ và dễ dàng mua được tại các hiệu thuốc. Việc sử dụng ống nước muối sinh lý dạng bơm, xịt sẽ giúp làm lỏng, loại bỏ dịch nhầy, cân bằng độ ẩm và sinh lý niêm mạc mũi. Cách này sẽ giúp trẻ giảm ho và ngủ ngon giấc hơn.

Với những trẻ 3 tháng tuổi trở xuống, niêm mạc mũi còn mỏng manh thì bố mẹ nên mua những loại nước muối sinh lý chuyên biệt như nước muối sinh lý đơn liều, không có chất bảo quản,… Tốt hơn hết là bố mẹ hãy tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn mỗi ngày

Trẻ nên uống nhiều nước để giữ cho đường thở luôn ẩm, không bị khô, kích ứng. Bố mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước ấm và bổ sung trái cây tươi để làm dịu niêm mạc phổi, phế quản,…

Đặc biệt, trước khi ngủ và sau khi thức dậy, nên cho bé uống một ly nước ấm với 2 thìa mật ong. Điều này sẽ giúp kháng khuẩn, chống viêm, từ đó cải thiện tình trạng ho về đêm, khó thở kéo dài ở trẻ,… (Lưu ý: Trẻ dưới 12 tháng tuổi không áp dụng cách này vì bé có thể bị ngộ độc với một số hoạt chất trong mật ong).

Tạo độ ẩm không khí trong phòng

Tăng độ ẩm không khí bằng máy tạo ẩm sẽ giúp đường thở của bé không bị khô, giảm dịch nhầy trong mũi họng, từ đó giúp làm dịu cơn ho và giảm nghẹt mũi. Bố mẹ lưu ý là chỉ chọn máy làm ẩm không khí an toàn, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Có thể đặt máy trong phòng ngủ ban đêm hoặc đặt ở phòng chơi của bé vào ban ngày.

Không nên cho trẻ ăn sát giờ đi ngủ

Khi ăn sát giờ ngủ thì thức ăn không kịp tiêu có thể gây ứ chất dịch trong dạ dày, trào ngược lên thực quản, ra họng và tràn vào thanh quản gây ho cho bé.

Một lưu ý nữa là bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm cay nóng, nước ngọt có ga, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn quá mặn hoặc đồ cứng,... Những đồ ăn, thức uống này thường gây kích thích niêm mạc đường thở, khiến bé ho nhiều hơn.

Giữ ấm cho trẻ khi ngủ

Khi trẻ ngủ, mẹ nên cẩn thận giữ ấm ở đầu, cổ, tai, bụng và bàn chân của trẻ. Đây đều là những bộ phận của trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Việc giữ ấm cho trẻ khi ngủ sẽ giúp hạn chế cơn ho. Phụ huynh có thể giữ ấm cho trẻ khi ngủ bằng cách:

  • Dùng tay massage nhẹ nhàng đầu, bụng, lưng của trẻ trước khi đi ngủ để kích thích quá trình lưu thông máu, giúp cơ thể bé luôn được giữ ấm.
  • Đội mũ trùm kín tai, mặc áo cao cổ, đi tất chân hoặc đắp chăn, xoa dầu tràm vào gan bàn chân cho trẻ…
  • Không để điều hòa phòng ngủ của bé dưới 25 độ C hoặc không hướng thẳng gió quạt/điều hòa vào mặt trẻ.

Điều chỉnh tư thế ngủ chuẩn cho bé

Tư thế ngủ chuẩn giúp đường thở lưu thông dễ dàng hơn và hạn chế dịch nhầy chảy xuống họng gây kích ứng ho. Mẹ nên để trẻ nằm ngửa, thẳng người, gối đầu bé cao từ 15 – 20cm là tư thế chuẩn nhất.

Giữ cho không gian sống của trẻ luôn sạch thoáng

Mẹ nên thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Điều này sẽ loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây kích ứng như bụi bẩn, tóc, phấn hoa, lông vật nuôi, tàn thuốc lá… Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng máy lọc không khí để giảm khói bụi và hóa chất độc hại cho bé.

Trẻ ho về đêm nên uống thuốc gì?

Trường hợp trẻ nhỏ hơn 6 tuổi thì ba mẹ không được tự ý mua thuốc trị ho cho trẻ mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc trị ho trên thị trường sẽ làm tăng tác dụng phụ không mong muốn hoặc liều lượng của thuốc có thể quá mức đối với cơ thể của trẻ.

Thay vì tự ý mua và sử dụng thuốc mà không nắm rõ hậu quả thì ba mẹ nên quan sát và ghi chú lại số lần ho, tần suất cũng như địa điểm mà trẻ lên cơn ho thường xuyên để báo cáo lại với bác sĩ, nhằm kịp thời đưa ra chẩn đoán và cách điều trị.

Khi nào trẻ cần đi khám bác sĩ?

Trong nhiều trường hợp, tình trạng ho về đêm ở trẻ cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám khi:

  • Các giải pháp trị liệu cũng như chăm sóc tại nhà không hiệu quả.
  • Trẻ ho kèm theo sốt cao hay ho khạc ra đờm đặc, mùi hôi, màu vàng lục.
  • Cơn ho của trẻ kéo dài hơn 10 ngày.
  • Trẻ bị ho ra máu, hay kèm theo co giật.
  • Cơn ho khởi phát đột ngột ngay sau khi trẻ ăn hay chơi đùa.
  • Ho kèm theo thở khò khè.
  • Trẻ khó bú, khó ăn, khó nuốt.
  • Trẻ ho kèm theo đổ mồ hôi về chiều, sút cân.

Một số mẹo dân gian giúp trị dứt điểm ho đêm cho bé

  • Sử dụng lá xương sông non cùng với lá hẹ: mẹ rửa sạch và thái nhỏ 2 loai lá này, trộn với ít đường. Sau đó đem đi hấp cách thủy, chắt lấy nước rồi để nguội cho trẻ uống trong ngày.
  • Sử dụng củ cải trắng, gừng giã nhuyễn: Cho củ cải trắng, gừng đã xay nhuyễn vào bát sứ, thêm nước lọc và mật ong. Sau đó mẹ đem hấp cách thủy 10 - 15 phút, mỗi lần cho bé uống chỉ cần 2-3 thìa cà phê, ngày uống 3 lần.

Hy vọng qua bài viết, các bố mẹ đã biết được khi bé ho nhiều về đêm bố mẹ phải làm sao. Trường hợp trẻ ho về đêm là do bệnh lý nên sẽ tùy thuộc vào từng bệnh mà bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị đặc hiệu. Nên nhớ rằng, mọi loại thuốc dùng cho trẻ cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé yêu nhé!

Bé ho nhiều về đêm phải làm sao?
Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
7
4
4

Kiến thức chăm con rất hay luôn

10 tháng trước
Thích
Trả lời

từ hôm lạnh là tối đến mình cho con ngâm chân nước gừng ấm 15p xong lau khô chân, đi tất rồi đi ngủ

10 tháng trước
Thích
Trả lời

Đang lạnh với mưa trẻ ho sổ mũi nhiều, quan trọng nhất phải giữ ấm các mẹ ạ

11 tháng trước
Thích
Trả lời

Sợ nhất mùa lạnh con hay ho rồi sổ mũi mom nhỉ

11 tháng trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!