Bé nhà em 25 tháng nói mới vài từ đơn có bị chậm nói không ạ? Các mẹ chia sẻ em các tips hay để bé nói câu dài được không ạ?
Mách mẹ 8 chiêu cực hữu ích để rèn con vào nề nếp
1. Trẻ cần sự cụ thể
Bạn đừng rầy rà chung chung, kiểu như: “Trời ơi, sao con bày bừa thế này?”, “Giờ này mấy giờ rồi mà còn chơi, chưa chịu học bài?”… Trẻ cần những thông tin ngắn gọn, chính xác và cụ thể. Ngay từ 3 tuổi, một đứa trẻ đã hiểu và có thể tuân thủ rất nghiêm túc những yêu cầu như: “Con uống nước xong thì úp chiếc cốc vào đây (một vị trí chính xác) nhé!”, “Con cần rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn”, “Nắm tay mẹ khi đi qua đường”, “Nói nhỏ thôi trong quán ăn”…
Những yêu cầu ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện này khi được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ ăn sâu vào trẻ, tạo thành thói quen. Và nhiều thói quen như thế khi kết hợp lại sẽ tạo ra một nề nếp sinh hoạt tốt.
2. Để trẻ được “lựa chọn”
Mẹ lưu ý rằng tạo nề nếp không đồng nghĩa với luôn “áp đặt” con phải tuân thủ theo những gì mẹ muốn. Trẻ sẽ cảm thấy mất tự do, ức chế, mệt mỏi nếu như cái gì mẹ cũng “ra lệnh”, “yêu cầu”. Thay vào đó, bạn cần thực hiện điều này khéo léo, bằng cách đưa ra cho trẻ những chọn lựa và trẻ có thể “chọn” trong kiểm soát của người lớn.
Ví dụ, bạn yêu cầu con: “Đến giờ tắm rồi. Con muốn tắm với chiếc khăn màu hồng hay màu vàng?”, “Chúng ta đánh răng trước khi ngủ nào! Con muốn chọn cốc Mickey hay cốc con mèo để đựng nước súc miệng?”. Cứ thế, kèm theo những “yêu cầu” là những chọn lựa. Cách làm này giúp trẻ cảm thấy độc lập và bớt đi sự “phản kháng” với những nếp sinh hoạt mẹ uốn nắn con vào.
3. Linh hoạt “du di” trong giới hạn thời gian
Con của bạn dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ thôi. Thế nên, việc đã đến giờ tắt tivi đi học bài mà trẻ vẫn nài nỉ: “Cho con xem thêm chút nữa” chẳng có gì là khó hiểu. Thay vì khăng khăng bước tới tắt tivi, bắt trẻ ngồi vào bàn học với gương mặt bí xị, bạn có thể linh động “du di” với trẻ: “Được rồi! Mẹ cho con xem thêm 10 phút nữa. Khi kim dài chỉ đến số 8 là con tự tắt tivi và đi học bài nhé!”.
Sự thỉnh thoảng du di này khiến trẻ thấy “dễ thở” với mẹ và chấp hành những nề nếp sinh hoạt bạn đưa ra một cách vui vẻ, tự nguyện hơn.
4. Nghiêm khắc với trẻ khi cần
Trẻ sẽ ngày càng “lờn” và càng không chịu vào nề nếp nếu như mẹ hoặc bà cứ vỗ về, chiều chuộng, tỏ vẻ lo lắng khi trẻ bỏ ăn hoặc khóc lóc… Vì vậy, dù rất thương con và rất “xót ruột”, nhưng bạn cần giữ sự nghiêm khắc để trẻ hiểu rằng có những lúc mẹ sẽ rất “cứng cỏi”, nhé!
Chẳng hạn nếu trẻ cứ bày bừa đồ chơi trong khi bạn đã nhắc nhở và phân tích với trẻ 1-2 lần trước đó, bạn có thể đưa ra hình phạt cụ thể: “Nếu con không xếp những chiếc xe đồ chơi lên kệ một lần nữa, mẹ sẽ mang chúng cất vào kho và con không được chơi chúng nữa trong vòng 2 tuần!”. Khi việc này… lặp lại, hãy làm đúng như thế, đừng “nao lòng” vì những khóc lóc làm mình làm mẩy của con. Trẻ cần hiểu thế nào là kỷ luật và thế nào là hậu quả nếu cố tình làm trái đi những quy định đã được thỏa thuận.
5. Sử dụng cách nói “chỉ dẫn”
Khi bạn muốn tập cho con một thói quen tốt nào, nên ưu tiên cách nói mang tính “chỉ dẫn” hơn là cách nói mang tính “cấm đoán”. Chẳng hạn, với cùng một mong muốn là trẻ đi lên cầu thang từ từ, chậm rãi chứ không chạy nhảy, bạn nên nói: “Con vịn vào thành cầu thang, bước chậm thôi” chứ không nên nói: “Đừng chạy nhảy ào ào khi lên cầu thang vậy!”.
Cùng một nội dung, mẫu câu mang tính chỉ dẫn giúp trẻ tiếp thu và thực hiện tốt hơn là mẫu câu mang tính cấm đoán: “Đừng…”, “Không được…”.
6. Tránh xáo trộn nhịp thông thường
Trẻ sẽ không phân biệt được tại sao ngày thường trẻ phải thức dậy lúc 6h, trong khi ngày lễ Tết lại được “ngủ nướng” đến 8h. Trẻ cũng không hiểu tại sao ngày thường chỉ được xem tivi 30 phút, trong khi ngày lễ Tết mẹ lại cho phép xem đến cả tiếng đồng hồ. Khi bị xáo trộn nhịp sinh hoạt, nề nếp thông thường, trẻ vừa dễ bệnh vừa dễ… hoang mang, từ đó mất đi sự nghiêm túc thực hiện những nề nếp mẹ đã dày công tạo dựng.
Cách bạn nên làm là cố gắng giữ nhịp ăn ngủ, sinh hoạt của trẻ không quá khác biệt giữa ngày thường và ngày lễ Tết. Nếu có vài “chi tiết” trong ngày thay đổi, bạn nên giải thích rõ với trẻ, ví dụ như: “Hôm nay, sau khi ăn sáng xong, nhà ta sẽ đi chơi thay vì con phải đến trường. Vì hôm nay là ngày lễ, nên được nghỉ học, con nhé!”.
7. Làm gương và khách quan
Trẻ không thể hiểu tại sao mình phải đánh răng trước khi đi ngủ, nếu như bố mẹ… chẳng bao giờ phải đánh răng. Trẻ cũng không hiểu tại sao em hét toáng lên thì không bị mẹ la, trong khi trẻ hét toáng lên thì bị yêu cầu nói nhỏ.
Vì vậy, để tạo dựng cho con những nề nếp sinh hoạt chuẩn mực, bạn cần làm gương để con thấy. Trẻ cũng sẽ dễ dàng tuân thủ những nề nếp này, nếu như đó là quy định chung trong nhà, ai cũng phải làm theo. Chẳng hạn, trẻ sẽ rất ức chế nếu mẹ nói: “Mẹ cấm con chơi bóng trong nhà. Đổ bể đồ đạc thì làm sao?”. Nhưng trẻ sẽ làm theo, nếu mẹ nói: “Quy định là chúng ta chỉ chơi bóng ngoài sân. Ai cũng làm vậy cả, con trai ạ!”.
8. Làm thời khóa biểu
Một cái thời khóa biểu xinh xắn, dán ở vị trí dễ thấy sẽ giúp trẻ thực hiện đúng “giờ nào việc nấy”. Trong trường hợp con bạn còn quá nhỏ (3-5 tuổi), bạn có thể cho con chơi trò chơi xếp trình tự, bằng cách vẽ nhiều hình vẽ khác nhau trên những tấm thẻ bìa cứng và để trẻ sắp xếp xem việc nào làm trước, việc nào làm sau.
Ví dụ, trẻ cần biết cách xếp thẻ “rửa tay” đứng trước thẻ “ăn cơm”, cần xếp thẻ “tắm” đứng trước thẻ “thay quần áo”. Ban đầu chỉ là vài thẻ. Sau đó, bạn tăng dần tính phức tạp của trò chơi lên với số lượng thẻ và các hoạt động được mô tả trên thẻ ngày càng nhiều. Đến lúc trẻ có thể chơi thuần thục trò này, xếp được chính xác từng hoạt động phải làm trong ngày thì cũng là lúc bạn yên tâm rằng con đã tự hình dung được một thời khóa biểu, kể cả khi con chưa đến tuổi biết đọc biết viết rồi đấy.
(ST)
Mẹ ơi, gia nhập cộng đồng MarryBaby săn mã mua sắm Shopee, Tiki, Lazada,.... mua sắm bỉm sữa cho con! Thỏa thích tạo câu hỏi, bác sĩ sẽ trực tiếp trả lời miễn phí chỉ có tại Cộng đồng MarryBaby
id.marrybaby.vn