Có mẹ nào con bị viêm tai giữa chữa trị bằng cách dân gian khỏi không ạ? Các mẹ chia sẻ e chút kinh nghiệm khi con bị viêm tai giữa với ạ?
Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon
Mẹ biết không, đọc truyện cho bé nghe sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn của con và tăng khả năng ngôn ngữ cho con đó mẹ! Bởi vậy, mỗi tối đi ngủ mẹ hãy là người bạn đồng hành đọc truyện cổ tích cho bé ngủ để đưa con vào giấc mơ cổ tích mỗi đêm mẹ nha!
- Nàng Tiên Ốc
Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn.
Bà luôn sống cô đơn trong chiếc lều rách nát, nhỏ hẹp chỉ đủ để che nắng che mưa, nhưng cũng chẳng đủ để ngăn cản những đợt gió rét lạnh khi mùa đông về. Hơn nữa bà cũng chẳng có con hay là cháu để ở bên cạnh chăm nom, đỡ đần mỗi khi trái gió trở trời hay ốm đau, bệnh tật.
Hằng ngày thì bà lão đều phải ra đồng để mò cua và bắt ốc, sau đó lại đem chúng đi đổi thành tiền để mua gạo, mua rau sống cho qua ngày.Vào một ngày nọ, trong lúc bà mải mê bắt ốc thì vô tình bắt được con ốc đẹp đẽ vô cùng. Con ốc này có vỏ màu xanh ngọc bích, cũng chỉ to hơn một chút so với ngón cái của bà lão, nhưng lại tỏa ra được những ánh sáng đẹp lấp lánh khi soi dưới ánh sáng mặt trời.
Bà lão vô cùng vui mừng, liền nâng niu nó trên đôi tay nhăn nheo, gầy guộc và chất đầy những vết chai sạn của mình. Bởi vì thương cho con ốc đẹp nên bà chẳng đem nó đi bán, bà đem nó về nhà mình và nuôi nó trong chiếc chum nước để ngay sân nhà.
Và lại như thường lệ, ngày nào bà cũng chăm chỉ, cặm cụi để làm công việc quen thuộc của mình. Mỗi ngày bà vẫn mang giỏ ra đồng để bắt ốc, mò cua. Tuy nhiên thì mỗi khi về nhà bà lại ngạc nhiên vô cùng. Bởi vì sân nhà đều được quét tước sạch sẽ tươm tất, còn vườn rau ở phía sau thì được nhặt cỏ sạch sẽ, trên bàn có sẵn cơm dẻo canh ngọt tinh tươm hết cả. Dù bà lão có cố sức nghĩ nhưng cũng chẳng thể nào đoán ra được người nào lại tốt bụng mà giúp mình những công việc này.
Ngày hôm sau thì bà cũng vẫn rời nhà ra đồng, tuy nhiên thì khi giữa buổi, bà lão quyết định quay về nhà để tìm hiểu thực hư mọi chuyện ra sao. Khi đến cổng nhà thì bà bỗng nhẹ bước chân, rón ra rón rén bước tới và núp ở sau cửa, bà muốn rình xem người nào đã giúp bà dọn nhà, nấu cơm mấy ngày hôm nay.
Và bà lão đã trông thấy được từ trong chum nước, có một cô gái rất xinh đẹp bước ra ngoài, cô có làn da trắng hồng, có đôi mắt đen to tròn như là mắt của bồ câu, đôi mắt xinh đẹp ấy ẩn dưới hàng lông mi dài cong vút. Cô có một mái tóc dài đen ánh và óng ả. Trên người cô khoác chiếc áo dài màu xanh ngọc bích, và dáng đi của cô thì rất nhẹ nhàng và uyển chuyển.
Cô làm việc nhà rất thành thạo và nhanh thoăn thoắt. Từ việc dọn dẹp cửa nhà, cho tới việc quét sân hay là nhổ cỏ vườn rau, cô làm đều rất nhanh nhẹn và sạch sẽ. Sau khi hoàn thành hết những công việc đó thì cô bắt tay vào đong gạo để nấu cơm.
Nhìn lén đến lúc này, bà lão cũng nhận ra được mọi chuyện. Bà liền nhẹ nhàng đi tới chỗ chum nước, nhanh tay lấy cái vỏ ốc để đập vỡ ra. Khi nghe có tiếng động thì cô gái xinh đẹp vội vội vàng vàng chạy về phía chum nước định chui lại vào trong chiếc vỏ ốc của mình, nhưng mà mọi việc đã muộn rồi, chiếc vỏ ốc của cô đã bị bà lão đập bể tan tành.
Bà lão bước tới ôm chầm lấy cô gái và bảo:
– Con gái à! Con hãy ở lại với mẹ đi!
Kể từ đó về sau thì bà lão cùng với cô gái xinh đẹp sống cùng nhau vui vẻ, hạnh phúc.
2.Thánh Gióng
Ngày xửa ngày xưa
Vào thời Hùng Vương có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một thân một mình. Một hôm sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kinh ngạc kêu lên: - "Ôi! Bàn chân ai mà to thế này!".
Bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng. Nhưng thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười gì cả.
Ngày ấy có giặc Ân kéo vào cướp nước ta. Giặc Ân rất hung hăng tàn ác, cầm đầu là một viên tướng tên gọi Ân vương, hình dung cổ quái dữ tợn. Chúng nó đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận, nhưng đánh không nổi. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm bậc tướng tài để giúp vua cứu nước.
Một hôm sứ giả đi đến làng chú bé Gióng. Nghe tiếng loa rao nói đến việc nhà vua cầu người tài, bà mẹ Gióng đang ru con, liền bảo đùa con rằng:
- Con ơi! Con của mẹ chậm đi chậm nói làm vậy, thì biết bao giờ mới đi đánh giặc giúp vua được đây!
Không ngờ Gióng nhìn mẹ mở miệng bật lên thành tiếng:
- Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!
Nói xong lại im bặt. Bà mẹ vừa mừng vừa sợ, vội đi kể chuyện với xóm giềng. Mọi người đổ tới, ai nấy cho là một sự lạ. Sau cùng một người nói:
- Ta cứ đi mời sứ giả đến xem thử nó muốn cái gì.
Khi sứ giả của nhà vua bước vào nhà nhìn thấy chú bé Gióng liền hỏi rằng:
- Mày là đứa trẻ lên ba mới học nói, mày định mời ta đến để làm gì?
Gióng trả lời rất chững chạc:
- Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!
Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé. Mọi thứ rèn xong nặng không thể tưởng tượng nổi. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách chở đến cho chú bé Gióng.
Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con:
- Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi, biết làm thế nào bây giờ?
Nghe nói thế, Gióng vụt ngồi dậy, nói:
- Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!
Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng nấu lên được nồi nào Gióng ngốn hết ngay nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng. Mọi người nô nức đem gạo khoai, trâu rượu, hoa quả, bánh trái đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu, Gióng ăn vợi hết bấy nhiêu, mà vẫn đòi ăn không nghỉ.
Sau đó, Gióng lại bảo tiếp:
- Mẹ kiếm vải cho con mặc.
Người ta lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm nóc nhà. Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm:
- Ta là tướng nhà Trời!
Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Đoạn từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đàng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc bấy giờ đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Khói bụi mịt mù, tiếng la hét kêu khóc như ri.
Nhưng tướng giặc Ân vương vẫn cố gào thét hô quân xáp tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang đầy rừng. Bỗng chốc gươm gãy. Không bối rối, Gióng thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng. Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói nghiến chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn nước. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc-sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng thiên vương.
Ngày nay chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim-anh, Đa-phúc cho đến Sóc-sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre là ngà (hay đằng ngà)
3.Sơn Tinh Thủy Tinh
Ngày xưa, vào đời Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên gọi là Mỵ Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Mỵ Nương được vua cha yêu thương rất mực. Nhà vua muốn kén cho nàng một người chồng thật xứng đáng.
Một hôm có hai chàng trai đến, xin ra mắt nhà vua để cầu hôn. Một người ở vùng núi Ba Vì, tuấn tú và tài giỏi khác thường: chỉ tay về phía đông, phía đông biến thành đồng lúa xanh, chỉ tay về phía tây, phía tây mọc lên hàng dãy núi. Nhân dân trong vùng gọi chàng là Sơn Tinh. Còn một người ở mãi tận miền biển Đông tài giỏi cũng không kém: gọi gió, gió đến, hò ma, ma tới – Chàng này tên gọi là Thủy Tinh.
Một người là chúa của miền non cao, một người là chúa của vùng nước thẳm, cả hai đều xứng đáng làm rể vua Hùng cả. Hùng Vương băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai. Nhà vua cho mời các quan lạc hầu vào bàn mà vẫn không tìm được kế hay. Cuối cùng, Hùng Vương phán rằng:
– Hai người đều vừa ý ta cả, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Ngày mai, nếu ai đem đồ sính lễ đến đây trước: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, thì được rước dâu về.
Sáng sớm hôm sau, Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến trước và được phép đưa dâu về núi. Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo, một hai đòi cướp lại Mỵ Nương.
Thủy Tinh hô ma, gọi gió, làm thành dông bão đùng đùng rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn tiến đánh Sơn Tinh. Nước ngập lúa, ngập đồng rồi ngập nhà, ngập cửa.
Sơn Tinh không hề nao núng, dùng phép màu bốc từng quả đồi, di từng dãy núi chặn đứng dòng nước lũ. Nước dâng lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời liền, cuối cùng Thủy Tinh đuối sức phải rút quân về.
Từ đó, oán ngày càng thêm nặng, thù ngày càng thêm sâu, không năm nào Thủy Tinh không làm mưa làm bão, dâng nước lên đánh Sơn Tinh và lần nào Thủy Tinh cũng thua, phải bỏ chạy.
4.Ăn Khế Trả Vàng
Trong một gia đình nọ, có hai anh em trai, mẹ mất sớm, cùng sống với người cha già rất hòa thuận. Ít lâu sau khi hai anh em lập gia đình, người cha bị bệnh nặng, qua đời. Bị vợ súi giục, người anh viện cớ mình là con cả, chiếm hết tài sản, chỉ chia cho người em một mảnh đất nhỏ với cây khế trong đó. Dù bị thiệt thòi, người em vẫn nín nhịn, nhận lấy phần của mình mà không một lời trách móc. Người em dựng một cái chòi gần gốc cây khế và ngày ngày, lên rừng đốn củi, đem ra chợ bán hoặc là, gánh nước làm thuê, sinh sống cho qua ngày.
Tuy cuộc sống vất vả khó khăn, nhưng vợ chồng người em vô cũng hòa thuận, yêu thương nhau và rất chịu khó làm ăn. Đến năm, cây khế được mùa, hai vợ chồng vô cùng vui mừng bảo nhau: “Cây khế năm nay sai quả, quả nào quả nấy chín mọng, thơm ngọt. Mình mang ra chợ bán chắc cũng kiếm được chút ít”. Vừa hái quả, người chồng trèo lên cây thả rỏ hái quả nặng chĩu, đầy ắp xuống, người vợ đón lấy mà miệng mỉm cười vui mừng.
Thế nhưng, bổng nổi lên trận gió lớn, cả hai vợ chồng lo lắng và hoảng hốt khi thấy một con chim lạ và to đậu trên cây. Nó đậu trên cây khiến người chồng chao đảo, phải bám vào một cành cây to thì mới giữ được thăng bằng, người vợ thì nấp vào gốc cây để tránh con vật to lớn ấy. Với sức nặng và kích thước khổng lồ, nó không những khiến cho vợ chồng người em kinh sợ mà còn làm cho cấy khế gãy cành và rơi rụng dập quả chín.
Người vợ lo lắng cho người chồng, lo lắng cho cả cây khế, nếu cứ thế này, cây khế sẽ không còn quả nào mất. Người vợ sót quả chín, chạy vội ra nhặt, vừa khóc than, van nài chim:
“Trời ơi! Chim ơi! Đừng ăn … đừng ăn nữa mà!”
Người chồng trách vợ: “Trời ơi, chốn đi… sao còn ngồi đó mà lượm khế? Mình mau chốn đi!!!”
“Ê chim, sao mày ăn khế của tao? Đi chỗ khác mau, đi đi… Trời ơi chim ơi, tao năn nỉ mày mà… Đừng ăn nữa… Gia tài của tao chỉ có mỗi cây khế này thôi, mày ăn hết thì tao lấy gì mà sống…? Mày ăn gì mà ăn dữ vậy?” – Người chồng than trách chim, cầu xin khẩn thiết.
“Cây khế của tôi…Chim ơi, tha cho vợ chồng tôi, vợ chồng tôi nghèo lắm chim ơi…” – Dù người vợ có quỳ lạy van nài nhưng chim cũng chưa chịu bay đi.
Thế nhưng, bỗng chim lạ cất tiếng nói: “Ăn một quả, trả một cục vàng – May túi ba gang mang theo mà đựng. Sáng sớm ngày mai ta sẽ tới đưa ngươi đi. Quạc quạc…quạc…”– Thế rồi con chim lập tức bay đi luôn.
Ăn khế trả vàng – Có thật không các em?
Người chồng vội trèo xuống, đến bên vợ mình. Hai vợ chồng định thần lại và suy nghĩ về câu nói của chim. Người chồng tin lời và cho rằng, đây chắc chắn là con chim thần, nhưng người vợ quả quyết phủ nhận chim thần sao lại đi phá phách cây trái như vậy và cho rằng con chim bày trò “ăn khế trả vàng” để đi lừa phỉnh người khác. Người vợ tiếc cho những trái khế chín rơi đầy trên sân, dập nát và lo lắng cho ngày mai, đói nghèo.
Đêm xuống, khi người vợ đã ngủ say, người chồng vẫn chằn trọc, đắn đó suy nghĩ về câu nói của chim thần: “Liệu có nên nghe và đi cùng chim để lấy vàng, nếu con chim đó nói thật, thì mình sẽ có vàng… Nhưng ngộ nhỡ, con chim chỉ lừa gạt mình, không đưa mình đi lấy vàng mà lấy cớ đó để ăn thịt mình thì sao?”. Người chồng phân vân lắm. Và cuối cùng, người chồng quyết định, cởi chiếc áo trên người ra, may một chiếc túi ba gang, sáng sớm hôm sau sẽ đợi con chim tới.
Sáng hôm sau, chim hạ cánh xuống gốc cây khế, cho người em ngồi lên lưng rồi bay vút lên trời, để lại người vợ đang lo lắng cho sự an nguy của người chồng. Chim bay qua bao núi cao, biển rộng, rồi bay tới 1 hòn đảo. Chim bay chậm lại và hạ cánh ở trước một cái hang chứa đầy sỏi đá. Người em cứ nghĩ mình đã bị chim lừa, ấy thế mà, nghe lời chim nói cứ nhặt đã bỏ vào túi, thì lập tức đá sỏi biến thành vàng. Chim ra hiệu, bảo người em muốn lấy bao nhiêu thì cứ lấy. Nhưng người em chỉ nhặt bỏ đầy túi ba gang rồi bảo chim nhanh chóng quay về.
Từ đó, vợ chồng người em trở nên giàu có. Họ mua gỗ về xây nhà, mua đất, thuê người làm về cày cấy và mua thóc gạo để giúp đỡ người dân ghèo đói.
Thấy hai vợ chồng người em đột nhiên giàu có, vợ chồng người anh lại sinh lòng ghen ghét, đố kị, vội vã sang chơi nhà người em để dò xét.
Sau khi nghe người em thật thà kể lại chuyện con chim thần ăn khế trả ơn, vợ người anh liền bảo:
“Giờ hai em đã giàu quá rồi! Anh với chị sẽ về ở trong miếng vườn với cây khế, đổi lại nhà cửa, ruộng vườn, anh chị sẽ giao hết cho hai em. Có được không?”
Vợ chồng người em cũng hiền lành, luôn chiều ý anh chị, chấp nhận lời đề nghị, và còn nhắn nhủ thêm: “Nhưng thôi, cứ coi như tụi em giữ giùm nó cho anh chị. Nếu sau này, anh chị có đổi ý, muốn đổi lại một lần nữa thì tụi em cũng trả lại mà.”
Đến ở trong túp lều tranh, vợ chồng người anh ngày đêm túc trực gốc cây khế, chờ chim thần đến. Một buổi sáng, chim thần bay đến ăn khế. Người anh liền đứng dưới gốc cây khế, giả khóc kêu than:
“Cả nhà chúng tôi chỉ trông vào cây khế, bây giờ chim ăn nhiều như thế thì chúng tôi lấy gì mà sống… ?”
Vẫn chưa thấy chim trả lời gì, cả hai vợ chồng lại kêu la, khóc lóc to hơn: “Vợ chồng tôi nghèo lắm, khổ lắm chim ơi, chim ăn thế thì chúng tôi biết trông cậy vào đâu?”
Chim liền đáp:“Ăn một quả, trả một cục vàng – May túi ba gang mang theo mà đựng. Sáng sớm ngày mai ta sẽ tới đưa ngươi đi. Quạc quạc…quạc…”. Nói xong, chim vụt bay đi.
Tối hôm đó, vợ chồng người anh bàn nhau khâu một cái túi chín gang để đựng được nhiều vàng. Rồi hai vợ chồng thức trăng suốt đêm, ngóng chờ chim đến.
Sáng hôm sau, chim vừa hạ cánh xuống sân, người anh vội chạy ra ngồi lên lưng chim giục chim đi gấp. Chim cất cánh bay bổng lên mây xanh, qua núi, qua biển, rồi hạ cánh xuống đảo vàng lần trước. Từ trên lưng chim bước xuống, người anh hoa cả mắt với vàng đầy la liệt, rải đầy cả đảo. Người anh chất đầy cả túi chín gang mà vẫn chưa chịu ra về. Trời sắp tối, chim cất tiếng ra hiệu hãy nhanh lên để còn trở lại đất liền, nhưng người anh vẫn cố nhét thêm vàng bạc vào lưng quan, túi áo rồi mới khệ nệ leo lên lưng chim.
Túi vàng quá nặng, chim phải cố gắng hết sức mới bay lên khỏi mặt đất được. Khi bay qua biển, bỗng có một cơn gió nổi lên rất mạnh, chim liền bảo người anh:
“Hãy mau bỏ bớt vàng đi cho nhẹ, kẻo hai ta sẽ cùng rơi xuống biển đấy!”
Nhưng người anh nhất quyết không nghe, không những vậy mà còn ôm giữ túi vàng chặt hơn nữa. Chim bay ngược gió rất mệt, cổ gập hẳn xuống, hai cánh mỗi lúc một yếu dần, một cơn gió lớn khiến chim nghiêng mình. Vàng trong túi đổ, tuột khỏi lưng chim, kéo theo người anh rơi xuống. Chỉ trong chớp mắt, những cuộn sóng khổng lồ đã nhấn chìm người anh tham lam cùng túi vàng xuống biển sâu.
5.Sọ Dừa
Xưa có vợ chồng nông dân đi ở cho một nhà giàu từ hồi còn nhỏ. Vợ chồng ăn ở hiền lành nhưng ngoài năm mươi tuổi vẫn không có con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi cho chủ, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, cuối cùng bà đành phải liều uống nước trong một cái sọ người ở một hốc cây. Nhưng lạ thay, uống vào khỏi cổ, bà thấy khoan khoái vô cùng, thấm thía tận ruột gan. Và từ đó bà có thai. Chín tháng mười ngày bà sinh ra một cục thịt tròn lông lốc như hình cái sọ, có mặt mũi, mồm, tai, nhưng không có tay chân. Chồng đã mất, lại sinh ra một quái thai, bà rất buồn phiền, định đem chôn sống nó đi. Nhưng bỗng cục thịt lên tiếng nói, gọi bà:
- Mẹ ơi! Con là người đấy mẹ ạ. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp! Bà cụ cảm động, ôm cục thịt vào lòng và nâng niu cho bú. Bà cụ đặt tên con là Sọ Dừa.
Nghe tin bà cụ đẻ ra quái thai, lão phú ông bắt bà đem chôn sống đi, nhưng bà không nghe. Lão đuổi bà ra ở túp lều ở góc vườn. Nhưng hằng ngày vẫn phải đi làm cho nhà lão. Mỗi bữa đi làm về bà đem phần cho Sọ Dừa một nắm cơm. Sọ Dừa lớn lên rất nhanh và ngày càng khôn ngoan, hiểu biết. Bà mẹ và những người chung quanh quen dần và ngày càng yêu mến Sọ Dừa.
Hằng ngày, khi bà mẹ đi làm, Sọ Dừa biến thành một chú bé rất xinh đẹp, dọn dẹp nhà cửa đâu vào đấy, rồi lại chui vào cái sọ như cũ. Lúc đầu bà cụ thấy sự lạ, nhưng rình mãi không thấy gì nên cũng đành thôi.
Một hôm bà mẹ buồn bã nói với Sọ Dừa rằng:
- Con người ta lên bảy tám tuổi đã biết đi chăn trâu chăn bò, mày thì tao chẳng trông cậy được gì! Ông chủ có một đàn dê, cần người chăn mà tao vẫn chưa tìm được ai.
Sọ Dừa nói:
- Mẹ ơi, con chăn được, mẹ nhận với ông chủ đi!
Bà mẹ nói với lão phú ông, cuối cùng lão ưng thuận cho Sọ Dừa đi chăn đàn dê cho nhà lão.
Hai mẹ con Sọ Dừa rất vui mừng. Quả nhiên Sọ Dừa chăn được và chăn rất giỏi. Lão nhà giàu thấy đàn dê mỗi ngày thêm béo tốt mà Sọ Dừa lại ăn rất ít, mỗi ngày chỉ hai nắm cơm rất nhỏ thôi.
Sọ Dừa chăn dê suốt ngày ở dãy núi xa làng. Việc đem cơm, lão phú ông giao cho ba người con gái luân phiên nhau. Hai người chị thường đứng rất xa gọi Sọ Dừa rồi để cơm đó, mặc Sọ Dừa tự lăn đến mà ăn. Còn cô gái út đem đến tận nơi cho Sọ Dừa. Và vì thế cô biết được một điều kỳ lạ: Sọ Dừa không phải là người trần, chàng là người trời - một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, tuổi chừng mười sáu, mười bảy. Cô thấy chàng nằm trên một cái võng đào mắc giữa hai cành cây, miệng thổi sáo, tiếng sáo khi bổng khi trầm, lúc khoan, lúc nhặt, làm cho cô bồn chồn, xao xuyến.
Từ đó, cô út đem lòng yêu trộm, nhớ thầm Sọ Dừa. Có gì ngon cô cũng để dành đem cho Sọ Dừa.
Một hôm, Sọ Dừa đòi mẹ đi hỏi một trong ba người con gái phú ông cho mình. Bà mẹ đang buồn phiền cũng ngạc nhiên, phì cười mà nói:
- Mày thì có ma nó lấy! Mình mẩy chân tay chẳng có mà lại đòi lấy vợ.
Nhưng Sọ Dừa thiết tha, nằn nì, thúc giục, cuối cùng bà phải đánh bạo kiếm một buồng cau đến nói với phú ông. Lão phú ông bĩu môi cười khẩy, rồi lên giọng nói với bà cụ:
- Mụ về bảo hắn sắm đủ lễ vật thì ta sẽ gả cho một đứa: một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm. Lại phải dựng một căn nhà ngói năm gian, câu đầu bằng bạc, xà ngang bằng đồng.
Lão nhà giàu thì đắc ý cho là mình thách như thế thì không đời nào nhà Sọ Dừa lo được. Bà mẹ thì lo, nhưng Sọ Dừa thì điềm nhiên bảo rằng:
- Mẹ sang nói ngay với ông chủ là con có đầy đủ các thứ ấy.
Không còn cách chối từ, lão phú ông phải gọi ba cô con gái lên hỏi xem có ai ưng thuận làm vợ Sọ Dừa không? Người chị cả nghe xong chối đây đẩy. Người con thứ hai thì trả lời lấp lửng là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", khiến lão phú ông cũng hơi lo. Còn cô con út thì trả lời dứt khoát rằng:
- Con bằng lòng lấy anh Sọ Dừa ạ!
Lão phú ông đành phải chấp nhận. Nhưng cả lão phú ông và bà mẹ Sọ Dừa đều phấp phỏng, không dám chắc là Sọ Dừa có đủ các đồ lễ vật như đã hứa.
Sáng hôm sau đến hạn nạp lễ vật mà tối hôm trước đó, bà mẹ vẫn chưa thấy gì ngoài túp lều tranh ở góc vườn. Sọ Dừa bảo bà cứ yên tâm, rồi đâu sẽ vào đấy. Quả nhiên, sáng sớm hôm sau, khi bà mẹ tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên một chiếc giường có đủ chăn hoa, nệm gấm; chiếc lều tranh đã biến đi đâu mất và thay vào đó là một tòa nhà ngói năm gian, cửa bức bàn, cột, xà đều trạm trổ, câu đầu bằng bạc, xà ngang bằng đồng đúng như lời thách của phú ông.
Bà mẹ rất ngạc nhiên về nhà cửa, đồ đạc và lễ vật sang trọng đủ mọi thứ. Bà nghĩ là mình nằm mơ, nhưng có điều làm cho bà tin là vẫn thấy Sọ Dừa lăn đi lăn lại trong nhà để sai bảo những người giúp việc.
Anh vừa gọi một tiếng, tức thì mấy chục người hầu hạ, cả nam lẫn nữ quần áo lộng lẫy đủ mầu sắc, từ nhà dưới chạy lên răm rắp làm theo lời sai bảo của Sọ Dừa.
Đúng giờ hẹn, cả đoàn nhà trai đem đủ lễ vật sang nhà gái đón dâu. Phú ông chẳng biết tính sao, đành phải nhận lễ vật và gả cô gái út cho Sọ Dừa. Dân làng ai cũng ngạc nhiên, hai người chị gái thì trề môi, tặc lưỡi hết lời chê bai, mắng nhiếc cô út. Còn cô út thì rất vui, lúc nào cũng tươi cười với mọi người.
Chiều hôm ấy, Sọ Dừa đón dâu về nhà. Cỗ bàn linh đình, làng xóm ngồi đầy nhà chuyện trò như pháo ran. Đến tối khi các cây nến đã thắp sáng trưng nhà trên nhà dưới thì không ai nhìn thấy Sọ Dừa đâu cả. Bỗng, từ phòng bên bước sang một chàng trai tuấn tú khôi ngô cùng với cô dâu. Chàng trai nói:
- Thưa các cụ cùng bà con hai họ, tôi là Sọ Dừa. Vợ chồng chúng tôi xin ra chào hai họ và cảm tạ bà con đã đến chia vui và giúp đỡ cho gia đình chúng tôi.
Bà mẹ ôm chầm lấy con dâu, mừng vui không nói nên lời. Tin này bay đi, ai biết cũng ngạc nhiên và vui mừng, riêng hai người con gái lớn của phú ông thì chỉ có ghen tuông và tức tối.
Sau khi cưới vợ, Sọ Dừa ra sức học hành và thi đỗ trạng nguyên được nhà vua trọng dụng.
Khi bà mẹ qua đời, quan Trạng Sọ Dừa từ kinh đô về chịu tang được ít lâu thì nhà vua có chiếu cử chàng đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một con dao, một hòn đá lửa và hai quả trứng gà, dặn vợ phải giắt luôn bên mình, khi gặp khó khăn sẽ phải dùng đến.
Hai người chị gái luôn ghen tị với em lấy được chồng tốt đẹp, giỏi giang, quyền cao chức trọng. Một hôm hai chị rủ em đi chơi thuyền trên sông gần biển, rồi lập mưu, đẩy thuyền em ra xa, dấu hết bơi chèo, khiến cho thuyền cô em bị đắm. Khi thuyền đã mất tăm, hai chị mới giả vờ hô hoán, kêu cứu.
Sau khi thuyền chìm, một con cá kình vô cùng to lớn đã nuốt chửng cả thuyền lẫn cô em út vào bụng nó. Nhớ lời chồng dặn lúc chia tay, cô rút dao rạch bụng cá, cá vẫy vùng một hồi rồi chết. Sau đó xác cá trôi vào bờ một hòn đảo, cô khoét bụng cá chui ra. Rồi cô xẻo thịt cá ra thành nhiều miếng, phần thì phơi khô, phần thì muối mắm để ăn dần. Cô lại dùng dao đánh vào hòn đá chồng đưa để lấy lửa nấu ăn và sởi ấm. Hai quả trứng gà để trong bọc, đủ ngày đã nở thành hai con gà, một trống, một mái.
Tháng ngày trôi qua, đàn gà sinh sôi nảy nở đông dần. Cô út tiếp tục sống một mình trên hoang đảo và chờ khi có thuyền thì nhờ giúp đỡ.
Bỗng một buổi chiều, cô nghe tiếng gà gáy: "ó ò o!... phải thuyền quan Trạng rước cô tôi về!". Cô chạy ra thì thấy một chiếc thuyền lớn, cắm cờ đuôi nheo tiến về phía đảo. Cô mừng lắm! Khi thuyền đến gần thì thấy Sọ Dừa bước lên mui và vợ chồng nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi không nói nên lời.
Biết rõ sự tình, Sọ Dừa rất thương vợ và căm giận hai người chị gái, nhưng chàng vẫn không nói cho ai biết. Về đến nhà, Sọ Dừa bảo vợ lánh vào phòng trong rồi bày tiệc mời cả nhà bố vợ và dân làng đến dự. Hai người chị thi nhau ăn mặc lộng lẫy để lôi cuốn sự chú ý của Sọ Dừa. Cả hai đều tranh nhau kể lể việc người em chết đuối.
Rượu uống được nửa tuần, Sọ Dừa đứng lên xin phép vào nhà đưa một người bạn ra chào hai chị và dân làng. Khi cô út theo chồng bước ra, mọi người kinh ngạc bàn tán xôn xao. Hai người chị rụng rời tay chân rồi nhân lúc mọi người hướng về cô út, cả hai lén ra ngoài và trốn đi biệt tích.
Trên đây là một số mẫu truyện cổ tích cho bé ngủ hay và mang nhiều ý nghĩa nhất được chọn lọc và chia sẻ cùng bạn. Hy vọng với những câu chuyện vừa thú vị vừa sâu sắc này, bé yêu của bạn sẽ có được một giấc ngủ thật ngon và được nuôi dưỡng tâm hồn để trở thành một người tốt.
đọc truyện cũng giúp gắn kết tình cảm
5 câu chuyện này hay nè
cảm ơn bạn đã chia sẻ
Bé nhà em thích nghe truyện trước khi ngủ lắm
Mình cũng rất thích những câu chuyện này
Ngày xưa đọc mà thuộc luôn mà giờ phải tìm sách mua đọc lại cho con thôi
phải mua truyện đọc cho con mỗi tối mới được