🔥 Bài đăng hot nhất

Bật mí cách nấu lẩu riêu cua bắp bò chuẩn vị, ngon ngất ngây

Nguyên liệu cần chuẩn bị (dành cho 4 đến 5 người ăn):

  • Cua đồng: 1 Kg.
  • Sườn sụn: 500 gr
  • Bắp bò: 500gr
  • Đậu hũ: 200 g
  • Bún sợi nhỏ: 2 kg
  • Cà chua: 300gr
  • Tỏi: 10gr
  • Ớt: 10gr
  • Mắm tôm: 50 gr
  • Hành khô: 50gr
  • Cơm mẻ: 10 gr
  • Dấm bỗng: 10gr (nếu có)

Rau nhúng lẩu:

  • Rau muống bào: 200gr
  • Hoa chuối bào: 200gr
  • Tía tô: 200 gr
  • Kinh giới: 200gr
  • Giá: 200 gr
  • Ngò tàu: 200 gr


Gia vị nêm:

  • Hạt nêm: 10gr
  • Đường:10 gr
  • Muối: 10 gr
  • Dầu ăn: 10 ml

Hướng dẫn cách chọn nguyên liệu ngon

Chọn bắp bò ngon


Chọn bắp bò ngon

Một trong những nguyên liệu giúp tạo hương vị ngon cho món lẩu cua đồng đó chính là phần bắp bò. Bắp bò phải có độ mềm, thơm và dai vừa phải để khi nhúng lẩu sẽ mang đến hương vị mềm, ngọt khó cưỡng.

Lựa chọn cua đồng ngon


Lựa chọn cua đồng ngon

Khi lựa cua, bạn phải chọn những con cua còn di chuyển được nhanh, có đầy đủ chân và vẫn thấy sủi bọt khí. Khi lật ngửa con cua và sờ vào phần yếm thấy cứng và chắc tay thì con cua đó là con khỏe, thịt chắc, rất thích hợp để sử dụng nấu lẩu cua đồng.

Rau ăn kèm lẩu riêu cua bắp bò


Rau ăn kèm lẩu riêu cua bắp bò

Món lẩu này sẽ không hoàn hảo nếu như bạn thiếu các loại rau ăn kèm như: Rau muống, rau nhút, hoa chuối bào, giá đỗ,… Những loại rau này sẽ làm tăng hương vị cho món ăn cũng như làm thanh mát cho cơ thể.

Hướng dẫn cách chế biến lẩu riêu cua bắp bòchuẩn vị

Bước 1: Sơ chế sườn sụn và hầm


Sơ chế sườn sụn và hầm

Bí quyết để món lẩu được thanh ngọt tự nhiên đó chính là nhờ vào sườn sụn được ninh mềm. Sơ chế sườn sụn như sau:

  • Hành tím bóc vỏ, rửa sạch và băm nhuyễn.
  • Sườn sụn sau khi mua về thì bỏ vào thau, cho thêm muối và chà xát để giảm bớt mùi tanh của thịt rồi rửa sạch.
  • Cho sườn sụn vào nồi, cho thêm hành tím rồi hầm trong nồi tầm 30 phút để thịt được chín mềm.

Bước 2: Rán đậu hũ



  • Mang đậu hũ đem đi rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông vừa ăn với kích cỡ khoảng 1,5 cm. Cho chảo lên và đổ dầu vào, đợi đến khi dầu sôi và cho đậu hũ vào chiên ngập dầu đến khi vàng đều các mặt.

Bước 3: Sơ chế rau nhúng lẩu

  • Những loại rau sống rau muống bào, kinh giới,… cho vào rau ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 5 phút rồi rửa sạch lại với nước và đặt vào dĩa. Nếu phần hoa chuối quá nhiều, bạn để ra đĩa riêng.
  • Hành lá cắt phần gốc, bỏ những lá úa, già. Sau đó, mang đi rửa sạch và cắt khúc.
  • Cà chua đem đi rửa sạch và cắt thành từng múi cau vừa ăn.

Bước 4: Sơ chế bắp bò


Sơ chế bắp bò

  • Bắp bò sau khi mua về ngâm với nước muối pha loãng, mang đi rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó, thái thịt bắp bò thành những miếng vừa ăn, thịt được thái cành mỏng thì khi nhúng để chín đều và mềm hơn. Thái thịt xong, bạn trình bày ra dĩa để khi ăn dễ lấy và đẹp mắt hơn.

Lưu ý: Để cắt thịt dễ hơn, bạn có thể để thịt trong ngăn mát của tủ lạnh trong khoảng 15 phút.

Bước 5: Sơ chế cua đồng

  • Cua đồng có khá nhiều bùn đất nên bạn nên ngâm cua với nước trong vòng vài tiếng để cua được nhả bùn đất. Tiếp đó, bạn mang cua đi rửa sạch, gỡ phần mai cua và sử dụng muỗng để nạo gạch cua ra chén riêng. Còn phần cua còn lại, bạn đem đi giã nhuyễn và xay.


Sơ chế cua đồng

  • Thêm nước vào phần cua vừa xay nhuyễn và đảo nhẹ để phần thịt được tan. Lúc này, bạn đổ phần cua và nước vào ray để loại bỏ phần xác. Lặp lại nhiều lần cho đến khi lấy được 1,5 lít nước cua.
  • Tiếp theo, cho vào nồi nước cua một muỗng canh mắm tôm, 1 muỗng muối, 1 muỗng hạt nêm rồi để lên bếp nấu, lấy muỗng khuấy nhẹ để thịt cua được kết thành riêu và nổi lên bề mặt nước.
  • Lúc này, bạn phải rớt riêu cua ra tô để tránh cua bị vỡ, đợi đến khi ăn lẩu thì ho dần vào.

Bước 6: Xào gạch cua


Xào gạch cua

Cho chảo lên bếp, thêm dầu ăn và cho hành tím băm nhuyễn vào phi thơm. Sau đó, cho phần gạch cua vào rồi xào chín, thêm ½ muỗng canh nước mắm vào rồi đảo đều và đổ ra tô. Kế tiếp, cho thêm cà chua vào xào sơ rồi tắt bếp.

Bước 7: Tiến hành nấu nước lẩu

Nước sườn đã hầm chín ở bước 1, cho cà chua đã xào vào đợi đến lúc nước sôi. Nêm vào nồi lẩu 1 muỗng giấm, phần mẻ đã lọc và nêm thêm gia vị sao cho vừa ăn. Cuối cùng, thả riêu cua vào và rưới thêm gạch cua lên trên để gạch cua có màu sắc đẹp mắt.

Bước 8: Trình bày và thưởng thức lẩu



Khi đã hoàn tất các bước nấu lẩu riêu cua bắp bò, bạn múc nước lẩu ra một nồi nhỏ. Khi ăn, bạn cho hành lá, đậu phụ chiên, gốc hành giúp nồi lẩu được đẹp mắt hơn. Lúc ăn, bạn nhúng thịt bò và ăn với bún, sườn sụn giòn mềm và rau ăn kèm tươi ngon.

Một vài điều cần lưu ý

  • Nên lựa cua đồng vào những thời điểm như tháng 5, 6 hoặc tháng 10 để có thể lựa ra được những con cua ngon nhất. Lựa những con cua cái với kích thước vừa phải, không được chọn những con quá nhỏ hay quá to. Thông thường, cua cái sẽ có nhiều gạch và béo hơn so với cua đực.
  • Bắp bò ngon là bắp rùa, phần thịt này nằm giữa lõi bắp đùi to nằm ở chân sau. Không những vậy, bắp đùi thường sẽ mềm hơn so với thịt ở bắp chân trước và bắp hoa.
  • Nên chọn loại sườn có thịt và sụn, không nên mua thịt có sụn xương. Phải mua những miếng sườn tươi, màu hồng nhạt, có độ đàn hồi khi sờ vào thịt.
2
1
0 Bình luận
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!