Bạn có thể bắt gặp nha đam ở bất kỳ đâu tại Việt Nam, trong vườn nhà, chậu cây, tủ lạnh, trong cá
... Xem thêmNHỮNG MẨU TRUYỆN CỔ TÍCH NGẮN CHO BÉ VÔ CÙNG HAY
Đọc truyện cổ tích ngắn cho con trước khi đi ngủ không chỉ là một thói quen, mà còn là một trải nghiệm quý báu giúp phát triển tư duy và tình cảm của trẻ.
Kích thích sự sáng tạo: Những câu chuyện đầy màu sắc và phong phú không chỉ giúp bé nghĩ ra những điều mới mẻ mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tưởng tượng của trẻ.
Xây dựng kỹ năng ngôn ngữ: Việc tiếp xúc với ngôn ngữ trong những truyện cổ tích, truyện kể giúp bé nắm vững từ vựng, cải thiện khả năng giao tiếp và hiểu biết về ngôn ngữ.
Tạo gắn kết gia đình: Thời gian đọc truyện là cơ hội tuyệt vời để cả gia đình quây quần, tận hưởng những giây phút gần gũi và tạo dựng kỷ niệm đáng nhớ.
Hãy cùng chia sẻ những truyện mà ba mẹ thích đọc cho bé nghe mỗi ngày nhé!
Truyện 1. Chú chồn lười học
Truyện cổ tích mẹ kể bé nghe giúp trẻ biết siêng năng hơn trong việc đi học. Truyện bắt đầu như sau:
Ngày xửa ngày xưa trong một khu rừng nọ, có một chú chồn được ba mẹ cưng chiều. Nhưng đã đến tuổi đi học chồn vẫn không chịu đến trường, lại còn không vâng lời bố mẹ.
Một ngày trốn học, chồn rong chơi thì bị lạc, tìm mãi không ra đường về nhà. Trên đường đi có bảng chỉ dẫn nhưng vì không chịu đi học nên chồn không biết chữ, không biết đọc.
Lúc này chồn mới thấy hối hận vì không chịu nghe lời bố mẹ đi học cho biết chữ. May mắn lúc này có bác sư tử đi qua, bác đọc bảng hướng dẫn và chỉ đường cho chồn về nhà với bố mẹ. Lần này về nhà, chồn sẽ không trốn học nữa.
Truyện 2. Chuồn chuồn lười biếng mải rong chơi
Ngày xửa ngày xưa, các con vật sống chung trong khu rừng, mỗi loài sẽ có một nhiệm vụ riêng. Chuồn chuồn được phân công trông coi thời tiết nắng mưa. Nhưng chuồn chuồn rất lười biếng, ham chơi, không chịu báo khi có mưa bão đến.
Một hôm chuồn chuồn ngủ quên thì giông bão thổi tới, các loài vật đều vội đi tìm nơi trú. Còn chuồn chuồn không bay đi kịp nên bị gió thổi, phải kêu cứu các bạn khác.
Lúc này, tò vò và ve sầu đã kịp thời ra giải cứu, đưa chuồn chuồn vào tổ của mình. Từ đó, chuồn chuồn không dám ham chơi, lười biếng, ngủ quên nữa, hàng ngày đều chịu khó quan sát thời tiết.
Truyện 3. Con lừa thích hát
Có một con lừa không thích thức ăn ở nhà nên quyết định đi đến cánh đồng gần đó ăn cỏ. Trên đường đi thì gặp một con cáo nên cả hai kết bạn. Sau đó chúng tìm thấy một cánh đồng trồng dưa hấu rất ngon.
Được ăn ngon, lừa rất khoái chí và nó nói với cáo là muốn ca hát ăn mừng. Nhưng cáo nói rằng nếu lừa hát thì con người sẽ biết chúng ăn trộm dưa, sẽ đến bắt. Lừa không chịu nghe nên cứ hát thật to, con cáo nghe vậy chạy đi mất.
Cuối cùng người nông dân đã nghe tiếng hát chạy đến bắt lừa trói lại vì tội ăn trộm. Ăn trộm là tính xấu, không nên học theo lừa và cáo.
Truyện 4. Hai anh em gà trống
Có hai chú gà cùng mẹ sinh ra, nhưng lại hay cãi nhau. Chú nào cũng nói mình đẹp nhất, oai phong nhất và giành nhau làm vua nông trại. Hôm nọ, cãi nhau xong hai anh em gà lao vào đấu với nhau một trận, ai thắng làm vua.
Đến cuối cùng, có một chú gà chiến thắng nên nhảy lên hàng rào cao cất tiếng gáy thị uy, ăn mừng chiến thắng. Không ngờ, chính tiếng gáy này khiến con chim ưng gần đó phát hiện ra, nó lao đến cắp gà bay đi mất tăm.
Chú gà còn lại do đấu xong quá đuối sức nên không thể kịp ứng cứu anh em của mình. Do đó, con phải biết yêu thương anh chị em trong nhà, đừng như hai chú gà xấu tính, cãi nhau, vật nhau, cuối cùng bị chim ưng bắt đi mất.
Truyện 5. Dê và cáo
Có một con cáo trong khu rừng nọ lẻn vào hang của sư tử ăn hết thức ăn trong đó. Ăn uống no nê, nó ra ngoài đi dạo nhưng không may trượt chân té xuống cái giếng sâu.
Nó cố leo lên để thoát ra ngoài nhưng không được. Bỗng nhiên có con dê đi ngang qua, dê hỏi cáo đang làm gì dưới đó. Cáo bèn nói rừng đang hạn hán, thiếu nước uống nên nó xuống giếng lấy nước, dê cũng nên xuống lấy đi.
Nghe vậy dê liền tin và nhảy xuống giếng. Cáo mượn lưng và những chiếc sừng dài của dê để leo ra bên ngoài. Chỉ có dê là bị kẹt lại trong giếng, trước khi đi cáo còn trêu dê ngốc, tin lời cáo nhảy xuống giếng.
Đây là câu chuyện dạy bé rằng không được tùy tiện nghe lời người lạ.
Truyện 6. Sự tích ngày Tết
Ngày xưa, con người chưa biết tính thời gian, cũng không biết mình được bao nhiêu tuổi. Có một ông vua nổi tiếng rất thông minh. Một lần, nhà vua nảy ra ý định ban thưởng cho người già nhất trong nước.
Nhưng vì không ai biết tính tuổi nên không chọn được người già nhất. Thấy vậy, nhà vua liền phái đoàn sứ giả đi tìm các vị thần để hỏi. Vị thần đầu tiên họ gặp là thần Sông có tóc mềm như nước, mặc áo trắng. Thần Sông trả lời:
– Ta ở đây đã lâu nhưng chưa bằng mẹ ta. Mẹ ta là Biển cả hãy đến hỏi mẹ ta.
Thần Biển mặc áo xanh, được hỏi thì chỉ tay lên mấy ngọn núi:
– Hãy hỏi thần Núi. Thần còn sinh ra trước cả ta. Khi ta lớn lên thì thần núi đã già rồi.
Cả đoàn lại đến gặp thần Núi, thần có da xanh rì đầy rêu, thần cười rồi chỉ tay lên trời:
– Hãy đến hỏi thần Mặt Trời. Lúc ta mới chào đời, ta phải nhắm mắt vì ánh nắng của thần. Thần Mặt trời còn ra đời trước cả ta đấy.
Đến đây thì đoàn sứ giả không biết đường nào để lên chỗ thần Mặt trời nên đành quay về. Đến một khu rừng, thấy một bà lão ngồi buồn rầu trước cây hoa đào. Sứ giả hỏi vì sao bà ngồi buồn ở đây. Bà trả lời:
– Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước con tôi đi xa, cây đào này nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở tôi lại ra hái một bông về để nhớ đến con tôi.
Một ý nghĩ chợt lóe lên, đoàn sứ giả từ biệt bà lão trở về kinh đô. Họ tâu lên vua việc gặp bà lão hái hoa đào tính thời gian chờ con. Nhà vua thông minh đã lập tức nghĩ ra cách tính tuổi con người, cứ hoa đào nở một lần thì tính một tuổi.
Vua còn truyền cho cả nước mỗi lần hoa đào nở sẽ mở hội 3 ngày 3 đêm. Về sau, những ngày này được gọi là Tết.
Truyện 7. Nhổ củ cải
Ngày xửa, ngày xưa có hai ông bà già và một cô cháu gái sống cùng một con Chó, một con Mèo và một chú Chuột nhắt. Một hôm ông lão phát hiện trong vườn có một cây củ cải khổng lồ chưa từng thấy.
Ông lão đến gần định nhổ củ cải lên nhưng kéo mãi củ cải vẫn không nhúc nhích. Ông bèn gọi “bà già ơi mau giúp tôi nhổ củ cải”. Bà liền chạy ra túm áo ông, nhưng cả hai nhổ mãi, nhổ mãi vẫn không được.
Bà già liền gọi “cháu gái ơi, mau lại đây giúp bà nhổ củ cải”, cháu liền chạy ra kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm củ cải, nhưng nhổ mãi, nhổ mãi chẳng ăn thua gì.
Cháu gái lại gọi “chó con ơi, mau lại đây giúp tôi nhổ củ cải”. Chó con liền chạy lại ngậm lấy bím tóc của cháu gái, cháu gái kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm củ cải. Nhưng nhổ mãi, nhổ mãi củ cải vẫn nằm im.
Chó liền gọi mèo ơi ra giúp nhổ củ cải. Mèo ra ngoạm đuôi Chó, Chó ngậm bím tóc cháu gái, cháu gái kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm củ cải. Củ cải vẫn không nhổ lên được.
Mèo liền gọi chuột nhắt ơi ra giúp nhổ củ cải. Chuột nhắt chạy lại, bám đuôi Mèo, Mèo ngoạm đuôi Chó, Chó ngậm bím tóc cháu gái, cháu gái kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm củ cải. Cả nhà cùng đếm 1, 2, 3… củ cải gan lì đã bị kéo lên khỏi mặt đất.
Tất cả sung sướng, nhảy múa quanh củ cải: “Nhổ cải lên! Nhổ cải lên! Ái chà chà! Lên được rồi!”. Đây là truyện dạy bé về sự đoàn kết, biết giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người thân sống cùng một nhà.
Hy vọng với những truyện cổ tích ngắn vừa hay vừa ý nghĩa sẽ giúp bố mẹ và các bé gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Bên cạnh đó, bé sẽ học được nhiều bài học bổ ích, rèn luyện khả năng ghi nhớ, trí tưởng tượng, ngôn ngữ ngay từ lứa tuổi mầm non.
Các mẹ có thể tham khảo để có thể đọc cho các con người trước khi đi ngủ cũng là một cách rất là hay
wow nhiều mẫu truyện hay qá, có nhiều truyện mình mới được đọc lần đầu luôn nè
Mình cũng thấy đã đọc những câu chuyện cổ tích như thế này cũng là một cách để giúp cho các con hình thành được những phẩm chất tốt đẹp