Minh muốn giảm cân, nên ăn uống và tập luyện như thế nào ạ?
Con gái thức khuya có tác hại gì không?
Con gái thức khuya có tác hại gì không? Bài viết sau đây sẽ chỉ ra những tác hại của việc con gái thức khuya. Cùng theo dõi nhé!
Sạm da, xuất hiện nếp nhăn
Nếu bạn đã từng thức khuya, thiếu ngủ thì hẳn sẽ nhận ra làn da vào sáng ngày hôm sau sẽ khô sạm và tối màu hơn bình thường. Trong thời gian chúng ta đi ngủ, cơ thể sẽ có cơ chế tự thải độc da, mà việc thức khuya sẽ làm ngưng trệ quá trình này, các độc tố tích tụ trong tế bào da, gây sạm đen da.
Ngoài ra, thức khuya còn cản trở sự tự phục hồi và chữa lành các tổn thương do các tác nhân có hại như tia UV, bụi bẩn, vi khuẩn gây ra. Đây là nguyên nhân khiến làn da tăng sự hình thành nếp nhăn, đốm nâu và mụn trứng cá.
Rối loạn kỳ kinh nguyệt
Rối loạn kỳ kinh nguyệt là một tác hại khác do thức khuya thường xuyên gây nên. Thức khuya làm rối loạn hoạt động của buồng trứng và tuyến yên, do đó làm giảm nồng độ các hormone sinh dục nữ như estrogen, progesterone. Sự rối loạn và mất cân bằng của các loại hormone này có thể dẫn đến một số tình trạng sức khỏe xấu như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, mệt mỏi, hội chứng tiền kinh nguyệt hay vô kinh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, đối với phụ nữ thức khuya trong thời gian dài, lượng máu kinh sẽ thay đổi bất thường, có màu nâu, đen và đau bụng dữ dội trong giai đoạn hành kinh.
Giảm ham muốn tình dục
Việc rối loạn nồng độ các hormone sinh dục kể trên ngoài việc gây rối loạn kinh nguyệt mà còn làm giảm ham muốn tình dục ở nữ giới.Estrogencó chức năng duy trì hoạt động sinh lý của cơ thể như sản xuất trứng hay ham muốn ở người phụ nữ. Không những thế, thói quen thức khuya còn làm cơ thể mệt mỏi, uể oải nên ít suy nghĩ đến chuyện chăn gối hơn .
Tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Nữ giới thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn gấp 1.5 lần so với người bình thường. Ngoài việc sụt giảm hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone, thức khuya làm ảnh hưởng đến sự sản sinh hormone melatonin, loại hormone tạo cảm giác buồn ngủ, giúp não nghỉ ngơi, điều hòa hoạt động trao đổi chất và ngăn chặn quá trình hình thành khối u của cơ thể.
Do đó, với nồng độ melatonin thấp hơn bình thường, phụ nữ thường xuyên ngủ không đủ giấc có thể tăng nguy cơ mắc ung thư vú cũng như ung thư buồng trứng.
Tăng huyết áp và nồng độ đường trong máu
Ngủ muộn làm rối loạn quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể, làm nồng độ glucose trong máu tăng cao và có thể dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thức khuya kéo dài còn ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây ra các bệnh liên quan như huyết áp cao, suy tim, thiếu máu cơ tim,…
Suy giảm trí nhớ
Lúc chúng ta chìm vào giấc ngủ là thời gian các tế bào thần kinh mới được tái tạo. Vì vậy nếu thức quá khuya sẽ làm giảm số lượng tế bào thần kinh, não không kịp hồi phục và chữa lành các hư tổn, dần dần sẽ làm người lờ đờ, thiếu tập trung và dẫn đến suy giảm trí nhớ. Thực tế cho thấy, người thường xuyên thức khuya sẽ có hiệu suất học tập làm việc kém hơn người ngủ đủ 7 tiếng/ ngày.
Mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa
Thức khuya làm niêm mạc dạ dày tiết nhiều dịch vị và rối loạn nhu động ruột, đây là những nguyên nhân căn bản của các bệnh liên quan đến ống tiêu hóa như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản,... Ngoài ra, người thường xuyên đi ngủ muộn cũng dễ gặp phải các tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng, táo bón,... nên các chị em cần hạn chế thói quen thức khuya để có sức khỏe tốt hơn.
Mệt mỏi, kém tập trung
Thức khuya ngủ muộn không chỉ tác động xấu đến một vài cơ quan mà còn là toàn cơ thể. Nếu thức khuya trong thời gian dài sẽ làm các cơ quan hoạt động kém hiệu quả, do đó cơ thể sẽ rơi vào trạng thái suy nhược, mệt mỏi và kém tập trung.
Suy giảm hệ miễn dịch
Thức khuya thường xuyên làm suy giảm chức năng của các hạch bạch huyết. Đây là cơ quan sản sinh kháng thể, giúp cơ thể chống lại các tác động xấu của virus, vi khuẩn, xây dựng sức khỏe đề kháng cho con người. Ngủ sau 23h và thời gian ngủ ít hơn 6 tiếng sẽ làm giảm số lượng bạch cầu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn người bình thường.
Trên đây là những tác hại của việc thức khuya, ngủ thiếu giấc đối với phụ nữ. Hy vọng thông qua bài viết này, mọi người sẽ ý thức được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của thói quen thức khuya với cơ thể và có những biện pháp khắc phục. Dù có bận rộn thế nào đi nữa, mong các chị em hãy luôn đặt sức khỏe của bản thân lên ưu tiên hàng đầu nhé!
Nhiều tai hại quá, có lúc mình thấy thức khuya quá còn bị rối loạn kinh nguyệt
mình thức khuya làm việc cái hôm sau mắt thâm, nổi mụn li ti liền
Dạo này mình đã hạn chế thức khuya hơn, thức khuya nhiều hại cho sức khoẻ và nhan sắc phụ nữ lắm
Thức khuya nhiều tác hại quá
Mình thường xuyên thức khuya luôn nên hay bị như rối loạn tiền đình vậy đó