🔥 Bài đăng hot nhất

Dạy con quản lý chi tiêu: Càng sớm càng tốt

Dạy con quản lý chi tiêu: Càng sớm càng tốt

Dạy trẻ làm quen với tiền sớm rất quan trọng, bởi nếu biết giá trị của đồng tiền, biết việc kiếm tiền không dễ, trẻ sẽ càng trân trọng đồng tiền hơn và sớm học được cách quản lý chi tiêu.

Mấy tuổi, trẻ em cần được dạy về tiền?

13 tuổi, Phương Anh có một sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng, một con lợn đất hơn chục triệu và một tài khoản lúc nào cũng rủng rỉnh vài trăm ngàn. Bí quyết “làm giàu” của Phương Anh là được cha mẹ cho phép tích lũy các khoản tiền như: tiền mừng tuổi, tiền thưởng học sinh giỏi, tiền bán ảnh (card) thần tượng, tiền thưởng cho việc đọc những cuốn sách dày và khó…

Hầu hết trẻ em thường dùng tiền mừng tuổi để mua sách vở, quần áo hoặc đi chơi nhưng Phương Anh thì khác, ngay khi nhận tiền mừng tuổi, cô bé đút lợn. Tích lũy đến khi con lợn béo hú, cô bé đập lợn và cùng mẹ mang tiền đi gửi tiết kiệm. Phương Anh chưa đủ tuổi nên sổ tiết kiệm sẽ đứng tên mẹ và mẹ cô bé luôn khẳng định đó là tiền của con. Tuy nhiên, mẹ cũng đề nghị, nếu trong trường hợp khẩn cấp, bố mẹ túng quá thì Phương Anh có thể cho bố mẹ mượn khoản tiền này. Và thực tế, năm ngoái khi gia đình xây nhà, Phương Anh đã cho mẹ mượn khoản tiền tiết kiệm và bảo đó là khoản tiền con đóng góp để có phòng riêng rộng đẹp nên sẽ không lấy lại.

Ngoài các khoản tiết kiệm từ các loại tiền thưởng trên, Phương Anh còn có một khoản thu nhập nho nhỏ từ việc trao đổi và bán card thần tượng. Từ năm 10 tuổi, Phương Anh nhờ mẹ lập tài khoản trên sàn TMĐT và khi rảnh rỗi sẽ săn sale mua một số ảnh, các đồ dùng học tập hay món đồ nhỏ xinh liên quan đến thần tượng để trao đổi và bán cho các bạn chung sở thích. Số tiền thu được từ việc bán hàng thực ra không nhiều vì việc chính của Phương Anh vẫn là học tập, nhưng nó là những viên gạch đầu tiên để cô bé chập chững bước vào con đường kinh doanh.

Mặc dù là “triệu phú”, nhưng Phương Anh chi tiêu rất tiết kiệm. Khi đi học, mỗi ngày cô bé chỉ lấy đúng 15k tiền ăn sáng. Cô bé hầu như không ăn quà vặt. Nghỉ hè, Phương Anh ở nhà, mẹ mua đồ ăn sáng gì Phương Anh ăn nấy, không đòi hỏi.

Có rất nhiều tranh cãi trái chiều về việc có nên cho trẻ tiêu tiền mừng tuổi/ tiền thưởng/tiết kiệm… hay không. Ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện đúng - sai vì cho trẻ tiêu tiền tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, mục đích tiêu tiền và cả hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Quyết định như thế nào là quyền của cha mẹ, nhưng thông qua các khoản tiền này, nếu bạn có thể dạy cho con bài học về quản lý chi tiêu, bài học về cách tiết kiệm tiền thì việc tiêu tiền sẽ trở nên có ý nghĩa hơn.

Thực tế cuộc sống cho thấy, những đứa trẻ được cha mẹ sớm dạy cách quản lý chi tiêu thì sau này thường sẽ tạo dựng được thói quen quản lý tài chính lành mạnh và có một tương lai thành công.

Không phải tự dưng người Do Thái – dân tộc được cho là thông minh nhất thế giới dạy trẻ cách quản lý chi tiêu từ khi mới lên 3. Cha mẹ Do Thái không chỉ dạy cho trẻ hiểu giá trị của đồng tiền, mà còn dạy trẻ cách kiếm tiền và tiết kiệm tiền khôn ngoan. Vì lẽ đó, ngay từ bây giờ, bạn hãy giúp con tiếp cận đồng tiền và quản lý chi tiêu một cách khoa học.

10 cách thú vị để dạy con về tiền:

1. Chơi trò chơi: Có rất nhiều trò chơi liên quan đến quản lý chi tiêu bạn có thể cùng con chơi như: ô ăn quan, cờ tỷ phú hay đi tìm kho báu...

2. Mua sắm vỉa hè: Tại đây, con dễ dàng chọn một cuốn sách hay một món đồ chơi với giá rẻ hơn khi mua tại các cửa hiệu hay ở các trung tâm mua sắm sang trọng. Hãy chỉ cho con sự khác biệt đó, hoặc chuyển đổi số tiền chênh lệch thành kem hoặc bim bim để con biết ý nghĩa của việc tiết kiệm và giá trị của đồng tiền.

3. Tham quan ngân hàng: Tại sao bạn không rủ con cùng vào ngân hàng để rút tiền hay chuyển khoản? Đây là cơ hội để bé được tận mắt chứng kiến các giao dịch để hiểu tiền mặt là gì, tài chính là gì? Ngay khi trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo, bạn đã có thể làm điều này, chứ không phải chờ đến khi con lớn.

4. Làm trợ lý kế toán: Hãy cho phép con được giúp bạn chi trả các hóa đơn. Bạn có thể nhờ con đưa trả giúp tiền nước và điện hàng tháng (nhắc con so sánh số tiền tháng trước với tháng này để con biết tiết kiệm); Hoặc có thể nhờ con kiểm tra lại hóa đơn thanh toán nhiều khoản, mục.

5. Bài học kinh tế từ siêu thị và nông trại: Khi đi siêu thị cùng cha mẹ, trẻ có thể giúp bạn chọn các món đồ và trả tiền, nhưng chúng có thể không biết những loại nông sản này có từ đâu. Vì vậy, nếu có thể, hãy đưa con về quê để được mua các nông sản từ những người nông dân, để trẻ nhìn thấy hành trình từ nông trại tới siêu thị của các loại nông sản. Bạn có thể gợi ý con suy nghĩ xem vì sao mua trực tiếp từ bác nông dân lại rẻ hơn mua tại siêu thị.

6. Phiếu giảm giá, tích điểm: Khi đi ăn uống hoặc mua sắm, nếu có phiếu tích điểm, hãy để trẻ đứng ra nhận. Trẻ sẽ rất vui khi thấy gia đình mình đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.

7. Tình nguyện viên: Tiền quan trọng, nhưng sử dụng tiền của mình để giúp đỡ người khác còn có ý nghĩa hơn. Hãy rủ con cùng mua sắm các món đồ từ thiện (do trẻ khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn làm) hoặc quyên góp quần áo cũ của mình cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

8. Khuyến khích con làm việc để kiếm tiền: Hãy khuyến khích trẻ làm các công việc vừa phải có thể kiếm những khoản tiền nho nhỏ: phụ giúp cha mẹ bán hàng, cho thuê sách truyện hoặc có thể vẽ tranh kiếm tiền… Đừng tịch thu những khoản tiền trẻ kiếm được, hãy giúp chúng quản lý những khoản tiền đó.

9. Lập sổ chi tiêu: Lấy một cuốn sổ nhỏ, chia hai cột. Một cột dạy con điền những khoản thu: Tiền bán đồng nát nhờ dọn nhà giúp mẹ, tiền lì xì, tiền bán tranh vẽ... Một cột điền các khoản chi: Quà sinh nhật cho bạn cùng lớp, mua truyện tranh... Hãy để con tự cân đối các khoản tiền của mình. Nếu con bạn có điện thoại riêng, hướng dẫn con tải app Sổ chi tiêu để nhập các số liệu thu/ chi vào và xem lại lịch sử chi tiêu cũng như các báo cáo hàng tháng để tự so sánh, rút ra các bài học.

10. Dạy con chi tiêu có kế hoạch: Khi con muốn đi chơi công viên cuối tuần/ đi biển/ tham gia một lớp học năng khiếu… bạn có thể yêu cầu con đóng góp một phần cho các kế hoạch này. Nếu con thích quá nhiều thứ vượt khả năng tài chính của bạn, hãy yêu cầu con sắp xếp các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên và giải quyết lần lượt từng mục tiêu.


Dạy con quản lý chi tiêu: Càng sớm càng tốt
Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
4
5
5

Quá hay luôn, bố mẹ dạy tốt ghê

1 năm trước
Thích
Trả lời

Mình cho con bỏ ống heo tiết kiệm từ bé

1 năm trước
Thích
Trả lời

Hay nè cảm ơn mm

1 năm trước
Thích
Trả lời

dạy con tiết kiệm quản lí tốt từ nhỏ chứ đừng dạy con ko biết xài tiền để rồi lớn lên ko biết cầm tiền rồi ko tính toán dc

1 năm trước
Thích
Trả lời

còn nhỏ quá chăc chỉ dạy con để tiền vô ống heo thôi

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!