🔥 Bài đăng hot nhất

KỸ NĂNG SỐNG DÀNH CHO TUỔI TEEN

Cấp 2 là lúc con bắt đầu ý thức nhiều hơn về bản thân và có những ước mơ riêng. Đây là thời điểm thích hợp để trang bị cho con kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình trưởng thành.


1. Tự thức dậy vào mỗi sáng

Một cuộc đời tự lập bắt đầu từ việc chúng ta có thể tự rời khỏi giường vào mỗi sáng. Con bước vào tuổi teen cũng là lúc cha mẹ tập cho con thói quen tự đặt đồng hồ thức dậy mỗi sáng, gấp gọn gàng chăn gối mà không cần nhắc nhở nữa rồi.


2. Học nấu những món cơ bản

Khi biết tự nấu ăn, con có thể chăm sóc bản thân tốt hơn. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn cho con khi bắt đầu học từ cách lựa chọn thực phẩm, đọc nhãn mác trên thực phẩm đóng hộp, cách bảo quản thức ăn. Sau đó, bạn có thể hướng dẫn con sử dụng đồ điện gia dụng như nồi cơm điện, lò vi sóng, bếp điện...

Khi con đã quen với nguyên liệu và dụng cụ nhà bếp rồi, bạn có thể cùng con nấu những món ăn cơ bản hoặc những món mà con thích. Ngoài ra, bạn có thể đăng ký các lớp học nấu ăn được thiết kế riêng cho trẻ, biết đâu con bạn lại bộc lộ ra tiềm năng “siêu đầu bếp” đấy.


3. Tập làm việc nhà

Làm việc nhà sẽ giúp con hình thành được ý thức trách nhiệm với cuộc sống gia đình và tập thói quen sống ngăn nắp, gọn gàng. Trước hết, hãy giao cho con những công việc nho nhỏ như rửa bát sau bữa ăn, xếp quần áo, tưới cây, dọn dẹp chính phòng ngủ của con. Con càng lớn, công việc bạn giao sẽ càng khó hơn như nấu cơm sau khi đi học về, lau dọn nhà cửa vào dịp lễ Tết. Bạn đừng quên hãy cùng làm việc nhà với con trong thời gian đầu, vừa hướng dẫn con cách làm việc hiệu quả, lại vừa có cơ hội dành thời gian trò chuyện, thắt chặt tình cảm gia đình.


4. Tự giác làm bài tập

Tự sắp xếp thời gian biểu để hoàn thành hết các bài tập chính quy và ngoại khóa là thử thách đối với trẻ mới vào cấp 2. Bước đầu, bạn hãy cùng con sắp xếp thời khóa biểu, số lượng bài tập về nhà và phân chia thời gian sao cho hợp lý. Hãy nhớ để cho con tự do quyết định và chịu trách nhiệm về việc học tập của mình. Sau khi có thời gian biểu hợp lý, con cần phải tự có ý thức học bài, làm bài tập của mình thay vì cha mẹ phải nhắc nhở liên tục. Ban đầu có thể con sắp xếp chưa tốt nhưng sau khi sau đó con sẽ chủ động điều chỉnh thời gian biểu thích hợp nhất cho mình.


5. Chọn quần áo phù hợp

Khi bước vào tuổi teen, ngoài đồng phục đến trường, con bắt đầu quan tâm đến quần áo, ảnh hưởng phong cách thời trang từ báo chí, mạng xã hội, đặc biệt là bạn bè. Và tất nhiên, có thể sự lựa chọn theo sở thích của con chưa phù hợp. Thay vì rầy la hoặc cấm đoán, cha mẹ nên cùng con lựa chọn trang phục. Hãy giải thích cho con trang phục dạo phố, đi chơi với bạn bè thì năng động, trẻ trung; khi dự tiệc thì nên chọn quần áo trang trọng; học ngoại khóa cần đơn giản thoải mái và nên chọn những món đồ dễ phối hợp hoặc có thể mặc trong nhiều tình huống.

6. Lập kế hoạch chi tiêu

Bước vào tuổi teen, con bắt đầu có nhu cầu tiêu tiền nhiều hơn. Chẳng hạn như sau giờ học, con muốn cùng bạn bè đi chơi ở trung tâm thương mại, đi uống trà sữa hoặc mua dụng cụ học tập mới. Lúc này, cha mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng tiền tiêu vặt một cách khoa học, và đây cũng là bước đầu tiên để con rèn luyện cách lập kế hoạch tài chính sau này. Hãy bắt đầu bằng việc lên danh sách chi tiêu rõ ràng như mua sách vở, dụng cụ học tập, đi chơi với bạn bè và tiết kiệm. Khi con trên 15 tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng thẻ ATM, mở tài khoản ngân hàng, chuyển tiền online.


7. Tự chăm sóc cơ thể

Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể con phát triển và có nhiều thay đổi. Cha mẹ nên hướng dẫn con cách chăm sóc, giữ gìn vệ sinh như thường xuyên tắm gội, sử dụng các sản phẩm ngăn mùi cơ thể, đặc biệt là cần dạy cho con sức khỏe giới tính, cách đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Đối với con gái, bạn cần hướng dẫn cách vệ sinh trong ngày đèn đỏ, còn với con trai thì hướng dẫn cách cạo râu.


8. Xử lý tình huống khẩn cấp

Con càng lớn, cơ hội tiếp xúc xã hội càng nhiều nên khả năng con gặp phải các tình huống khẩn cấp cũng cao hơn. Cần trang bị cho trẻ thông tin cần thiết để xử lý trong các tình huống khẩn cấp như sơ cấp cứu, cách gọi giúp đỡ, gọi cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát, cần phản ứng thế nào khi bị mất đồ; nhất là hướng dẫn con các cách đề phòng các trường hợp lừa đảo có thể gặp.


9. Giữ an toàn cho bản thân

Không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể ở bên cạnh để bảo vệ con. Vì thế, con phải được dạy cách xử trí và tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống nguy hiểm. Ví dụ như khi phát hiện có người lạ đi theo thì con nên lập tức gọi cho cha mẹ và tìm đến những chỗ đông người, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của bảo vệ, công an. Cha mẹ cũng cần dặn con không được nhận đồ ăn, thức uống từ người lạ. Trong một bữa tiệc thì không bao giờ được rời ly nước của mình. Với bé gái thì không nên bước vào thang máy nếu lúc đó chỉ có mình con và nhiều người đàn ông lạ. Cha mẹ có thể cân nhắc cho con đi học các lớp võ tự vệ để có thể rèn luyện thể chất, phản xạ tốt hơn.


10. Cách ứng xử, giao tiếp trong xã hội

Khéo ăn khéo nói có được cả thiên hạ. Ngay lúc con còn teen, cha mẹ nên làm gương và hướng dẫn con giao tiếp nhiều hơn với mọi người. Hãy dạy con cách trình bày câu chuyện với công an, cách nói chuyện với bác sĩ, hay cách hỏi tiếp tân, người phục vụ ở nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, bạn nên mua sách cho con đọc, hướng dẫn con các kiến thức về ngôn ngữ hình thể, cách nghe âm điệu giọng nói của người khác để đoán tâm trạng.


Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
23
3
3

Rèn cho bé tự lập sớm sẽ rất tốt, mình thấy tầm lớp 3 nên cho các bé tự lập rồi, tạo thói quen càng sớm càng tốt nè mom

2 năm trước
Thích
Trả lời

Độ tuổi cấp 2 đang bước vào gian đoạn mà có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, bên cạnh việc hướng dẫn tư vấn cho con khi cần. Thì các con trong giai đoạn này cũng cần tự học bà phát triển các kỹ năng cần thiết. Chia sẻ của mom rất hữu ích ạ

2 năm trước
Thích
Trả lời

dạy trẻ tính tự lập từ nhỏ rất tốt cho sau này, nhưng khó dạy quá mom ơi

2 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!