🔥 Bài đăng hot nhất

Chăm sóc bé sinh đôi có vất vả gấp đôi?

Mang thai và hạ sinh nhiều hơn một em bé đã vất vả, chăm sóc và nuôi dưỡng cùng lúc hai, ba em bé sơ sinh lại càng vất vả hơn. Mẹ hãy chuấn bị tinh thần đón niềm vui song hành với sự mệt mỏi nhân đôi nhé!

Nuôi bé sinh đôi (hoặc hơn) bằng sữa mẹ

Cho hai đứa trẻ sinh đôi bú quả là công việc lớn lao hơn nhiều so với việc chỉ cho một bé bú. Nuôi hai cái miệng khát sữa có thể làm bạn thấy quá tải vì suốt ngày lúc nào cũng chỉ có mỗi việc cho con bú (một số trẻ sơ sinh có thể đòi bú nửa tiếng một lần trong những tuần lễ đầu). Bạn sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, và luôn lo sợ không có đủ sữa cho bé bú. Tuy nhiên, nếu bạn nhận được đầy đủ các hỗ trợ cần thiết của các chuyên viên y tế, bác sĩ nhi, gia đình và bạn bè … bạn sẽ có thể hoàn thành nhiệm vụ nuôi con bằng sữa mẹ của mình, và điều này rất tốt cho sức khoẻ cả mẹ và con.


Những thách thức bạn phải vượt qua:

- Sợ rằng cho bú mẹ mất nhiều thời gian hơn bú bình: thật ra việc cho bú mẹ lại thuận tiện cho các bà mẹ sinh đôi hơn nhiều, vì bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn khi cho hai trẻ bú bình với hàng đống việc kéo theo như phải pha sữa công thức, phải rửa bình, tiệt trùng bình …

- Lập ra lịch cho bú: thật ra không nên cứng nhắc trong việc này vì mỗi đứa trẻ có thời gian no đói khác nhau, tốt nhất là cho bú theo nhu cầu của con bạn, cụ thể là theo đứa con nào háu đói hơn trong hai đứa sinh đôi của mình.

Cho 2 em bé cùng bú mẹ quả không phải việc đơn giản

- Cho 2 bé bú cùng một lúc : Bạn có thể cho 2 bé bú cùng một lúc với nhiều tư thế khác nhau. Có thể dùng khăn bông gấp lại để lên đùi (nếu ở nước ngoài thì có bán loại gối đặc biệt có thể đặt nằm 2 bé để cho bú cùng một lúc) rồi đặt hai bé lên ngang trước ngực. Có một tư thế khác là kẹp nách hai bé hai bên hoặc một bé thì kẹp nách, một bé thì nằm ngang trước ngực cũng áp dụng được. Hoặc nhờ một người khác trong gia đình bế giúp bớt 1 bé. Bạn cần phải kiên nhẫn và thử nhiều tư thế cho bú để phát hiện ra tư thế nào hợp với mẹ con bạn nhất.

Một điều nên làm nữa là nên luân phiên đổi bên cho mỗi bé sau mỗi lần bú, nhất là khi nhu cầu bú của hai bé không bằng nhau. Tuy nhiên, hơi khó để mỗi lần cho bú bạn lại phải ngồi nhớ xem lần trước bé này bú bên nào, bé kia bú bên nào để có thể đổi ngược lại, nên chỉ cần đổi sau mỗi 24 giờ thôi. Mục đích đổi bên là để cân bằng lượng sữa tiết ra và tránh bị viêm tắc tuyến vú. Ngoài ra, việc đổi bên cũng là một bài tập tốt cho hoạt động nhìn của bé được cân đối.

Cho hai bé bú cùng một lúc còn có ích lợi khác là tiết kiệm được thời gian và sau khi cho bú xong thì có thể dỗ cả hai bé ngủ cùng một lúc.

- Làm sao đủ sữa cho cả hai bé ?

Quy luật của thiên nhiên sẽ không làm bạn thất vọng, trời cho bạn sinh đôi thì cũng sẽ sinh đủ sữa cho bạn nuôi hai bé sinh đôi. Nếu thấy ít sữa, bạn cứ liên tục cho bé bú nhiều hơn, sữa sẽ tiết ra nhiều lên dần. Ngược lại, nếu bé bú không hết, bạn phải bơm hút cho sữa ra hết nhằm kích thích sữa mới tái tạo nhiều hơn, tươi mới hơn. Và hãy nhớ khi cho con bú bạn cũng phải uống bù nước đã mất qua sữa mẹ.

- Làm sao biết bé đã bú đủ ?

Cũng như với các trẻ em sinh một bình thường, hãy đếm số tã ướt và số lần đi tiêu tiểu của bé. Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, nếu bú đủ bé phải làm ướt tã ít nhất 1-2 tã trong vòng 24 giờ tiếp theo (ngày thứ hai), 3 tã trong vòng 24 giờ sau đó (ngày thứ ba), v.v... Sau một tuần, bé phải buộc mẹ thay 7-8 cái tã trong một ngày (số lần thay tã có thể ít hơn nếu dùng loại tã giấy có độ thẩm thấu cao). Và hết tuần đầu thì phân của bé trở nên lỏng và có màu vàng như mù tạt.

Nếu cẩn thận thì mẹ nên ghi lại giờ giấc cho bú, bé nào bú bên vú nào, và số tã bẩn của mỗi bé.

- Liệu mẹ có bị đau rát núm vú khi cho bú ?

Đau rát núm vú không bao giờ do cho bú nhiều mà do cách cho bú và tư thế cho bú không đúng. Khi bị đau rát, bạn có thể dùng chính sữa của mình và dùng thêm Lanolin (một loại lotion, hoặc vaseline làm ẩm da) để điều trị như sau: sau khi cho bú xong, vắt ra thêm vài giọt sữa nữa và để tự khô trên vú trong vòng 5-10 phút (sữa này giúp làm lành vết thương và diệt được vi khuẩn), sau đó bôi Lanolin lên.

Nếu bạn tự nhiên thấy thương một bé hơn bé kia?

Điều này cũng thường xảy ra, nhất là khi có một bé yếu hơn phải nằm lại bệnh viện, bạn có nhiều thời gian bên bé ở nhà hơn, bạn sẽ thấy thương bé ở nhà hơn. Hoặc ngược lại, bạn thấy thương đứa bé ốm yếu hơn. Khi đó, bạn nên sớm nhận ra tình cảm của mình nhằm cân bằng lại để cho các con của mình một niềm yêu thương, quan tâm chăm sóc bằng nhau. Việc cho con bú sẽ nhanh chóng dệt nên mối dây liên quan mật thiết giữa mẹ và con, san bằng mọi cách biệt.

Liệu có lúc nào để nghỉ ngơi không?

Có chứ! Mẹ cần phải nghỉ ngơi lắm chứ! Mỗi khi bọn trẻ ngủ, bạn cũng nên ngủ theo. Hãy huy động “lực lượng hỗ trợ” của mình, đầu tiên là ông xã. Nhờ anh ấy trông con dùm dù chỉ tạm thời 15-20 phút, để bạn có thể nghỉ một chút. Ngoài việc ngủ bù, bạn nên đi dạo bên ngoài, đi tắm nước nóng, hoặc đơn giản chỉ là đọc báo trong một căn phòng khác không có bọn trẻ ở bên cạnh. Khi nào việc cho bú đã ổn định giờ giấc, bạn cũng nên gửi con để đi chơi với ông xã. Hãy nhớ rằng vợ chồng mình đã từng là một đôi ăn ý trước khi sinh con và không được lãng quên mối quan hệ đó, đã đến lúc phải “làm nóng” lại mối quan hệ đó rồi đấy bà mẹ bận rộn ạ!

“Lực lượng hỗ trợ” - họ là ai?

Câu hỏi này hơi thừa nhưng lại là một ỵếu tố quan trọng giúp bạn rất nhiều trong việc chăm sóc những đứa con bé bỏng của mình. Ngoài việc nuôi con, bạn cũng nên để tâm tới việc tranh thủ tình cảm và sự giúp đỡ của những người thân như ông xã, bố mẹ ruột, bố mẹ chồng, anh chị em, bạn bè và thậm chí cả hàng xóm (ở nước ngoài còn có cả các nhân viên chăm sóc nhũ nhi tại địa phương hoặc do bệnh viện gửi đến). Lực lượng hỗ trợ này sẽ giúp đỡ đắc lực trong việc trông nom em bé, nấu nướng, dọn dẹp và đi chợ mua sắm …

Dỗ bé sinh đôi ngủ

Cho các bé đi ngủ cùng một lúc sẽ thành thói quen tốt cho bé và giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi. Nếu các bé có giờ ngủ chênh nhau, chúng sẽ không ngủ yên giấc và làm náo loạn cuộc sống của bạn.

Khi cho bé ngủ, trước đó nên cho bé được tắm nước ấm, cho bé vào giường rồi kể truyện, ôm ấp, âu yếm bé, xoa lưng, nói chuyện thì thầm với bé. Nếu bạn kiên nhẫn cho bé vào nếp theo giờ giấc, bé sẽ hiểu ra “đã đến giờ ngủ, phải nghe lời mẹ thôi”.

Nên bọc trẻ sơ sinh trong chăn tã, hoặc hữu hiệu hơn cả là trong những chiếc áo cũ của mẹ, vì mùi hương của người mẹ giúp cho bọn trẻ cảm thấy yên tâm, ấm áp và ngủ yên giấc hơn.

Không nên đợi đến khi bé ngủ rồi mới đặt bé vào nôi mà nên đặt bé vào nôi khi bé chỉ mới gà gật buồn ngủ thôi. Và cũng không nên đu đưa bé cho đến khi bé ngủ mới thôi. Mục đích của lời khuyên này là ta nên tập cho bé tự đi vào giấc ngủ một mình, không phụ thuộc vào việc đu đưa nữa.

Các nhà tâm lý học khuyên nên cho các trẻ sinh đôi ngủ cùng với nhau vì bọn trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu nếu được nằm chung, chạm vào người nhau, thậm chí chúng còn ôm lấy nhau hoặc mút tay của nhau nữa. Thường thì trong 3 tháng đầu nên cho 2 trẻ sinh đôi nằm ngủ chung trong một nôi, sau đó thì tách ra nhưng cố gắng sắp xếp sao cho chúng vẫn nhìn thấy nhau dù là nằm riêng trong 2 nôi.


Quấy khóc ban đêm, dỗ bé nào trước?

Thường thường bạn hay lao đến đứa bé đang quấy khóc trước mà bỏ quên đứa đang nằm yên lặng ngoan ngoãn. Các nhà tâm lý khuyên chúng ta làm ngược lại: tức là phải đến với đứa bé đang nằm ngoan trước và kiểm tra, đặt chúng nằm yên ổn trước, sau đó mới đến với bé đang khóc. Lý do là vì đứa bé ngoan sẽ có nguy cơ cảm thấy thiếu thốn tình thương của mẹ, và thường các trẻ sinh đôi không cảm thấy khó chịu với tiếng khóc lóc quấy rối của nhau bao giờ, vì vậy bạn không phải sợ rằng đứa bé đang khóc sẽ làm thức giấc anh/em của nó.

Khi nào bé sinh đôi ngủ yên suốt đêm?

Theo các chuyên gia, thời điểm các bé có thể ngủ thẳng giấc suốt đêm thường phụ thuộc vào cân nặng của chúng, chứ không phải là tháng tuổi của chúng. Điều này có nghĩa là nếu 2 trẻ sinh đôi nhà bạn lệch cân nhiều, chúng cũng lệch luôn về thời điểm có thể bắt đầu ngủ thẳng giấc suốt đêm. Để đối phó với việc cho bú đêm, khi 1 bé thức dậy đòi bú thì bạn nên đánh thức bé kia dậy luôn để cùng bú, kẻo không chúng thay phiên nhau thức xen kẽ đòi bú cả đêm thì đêm của bạn sẽ thành “đêm trắng” mất!

Kết luận

Khi có con sinh đôi, sinh ba… mức độ vất vả của việc chăm sóc cũng nhân đôi, nhân ba. Vì vậy, ngoài nỗ lực của bản thân, bạn cần có sự giúp đỡ hết lòng của các thành viên trong gia đình, hoặc phải thuê thêm vú em để giúp đỡ

(Sưu tầm)

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
105
8
6

Chăm sóc bé sinh đôi nên cũng vất vả gấp đôi, mình một bé mà chăm đuối luôn mà 2 bé


2 năm trước
Thích
Trả lời

mẹ sinh đôi thì từ lúc có bầu đã cực và có nhiều điều đáng lo hơn nhiều rồi

2 năm trước
Thích
Trả lời

Rất ngưỡng mộ các mẹ sinh đôi luôn ạ.

2 năm trước
Thích
Trả lời

Chuẩn luôn mom, mình 1 bé là đuối luôn dù có ngoại phụ

2 năm trước
Thích
Trả lời

Mình 1 bé đã không còn thời gian, rất ngưỡng mộ các mom sinh 2,3

2 năm trước
Thích
Trả lời

Một bé đã vất vả, sinh đôi lại thêm nhiều việc hơn. Mẹ nào sinh đôi phải nói rất giỏi luôn ạ

2 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!