Hạt hướng dương không chỉ là món ăn vặt được nhiều người yêu thích mà còn dùng trong hỗn hợp hạt
... Xem thêmHình ảnh bụng bầu 1 tuần và lưu ý cho mẹ mới mang thai
Hầu hết những phụ nữ mới mang thai lần đầu hay đang mong muốn thụ thai đều đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh sự thay đổi xảy ra bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Đặc biệt, ở tuần đầu tiên bà bầu sẽ có những dấu hiệu gì đặc trưng? Hãy theo dõi hình ảnh bụng bầu 1 tuần và lưu ý cho mẹ mới mang thai dưới đây nhé.
1. Những điều cần biết có thai tuần đầu tiên
Vào giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt, nang trứng của nữ giới sẽ chứa khoảng 20 quả trứng. Đối với chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày, thì khoảng 14 ngày sau đó là thời điểm rụng trứng. Một trứng được giải phóng từ nang trứng sẽ được loa vòi trứng đón vào ống dẫn trứng. Trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển vào buồng tử cung.
Nếu muốn có thai, nên quan hệ vào khoảng thời gian rụng trứng, vì đây là lúc có nhiều khả năng thụ thai nhất. Trung bình mỗi tháng một phụ nữ có 25% cơ hội mang thai, vì vậy không nên thất vọng nếu vẫn chưa đạt được kết quả như ý sau khi đã quan hệ đúng thời điểm, thay vào đó cần kiên nhẫn thử nhiều lần.
Trên thực tế, bà bầu tuần đầu tiên vẫn chưa thực sự chính thức mang thai. Bởi vì bác sĩ sẽ theo dõi thai kỳ và tính thời điểm dự sinh dựa theo ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Do đó, phụ nữ sẽ mang thai tuần đầu trước cả thời điểm diễn ra thụ tinh. Hay nói cách khác, tinh trùng gặp trứng vào khoảng tuần 1 đến tuần 3 của thai kỳ. Nếu thử thai tại nhà cho kết quả dương tính, chính xác lúc này thai kỳ đã vào tuần thứ 4 chứ không còn là tuần đầu tiên nữa.
2. Sự thay đổi của bà bầu tuần đầu
Chỉ trong vòng 40 tuần ngắn ngủi sắp tới, em bé sẽ phát triển từ kích thước nhỏ bé của một hạt anh túc trở nên tương đương với một quả dưa hấu đầy đặn. Chiều dài và cân nặng của bé khi mang thai tuần đầu đều bằng 0. Bên cạnh đó cũng không hề có hình ảnh bụng bầu 1 tuần.
Vậy tháng đầu mang thai có biểu hiện gì? Ở giai đoạn này, cơ thể phụ nữ đang trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai. Tử cung sẽ dày lên để làm tổ và nuôi dưỡng quả trứng đã được thụ tinh. Ngoài kết quả thử thai dương tính, những triệu chứng sớm của thai kỳ sau đây có thể là dấu hiệu mang thai:
- Máu báo thai: Khi trứng làm tổ ở thành tử cung sẽ tiết ra một ít máu, xuất hiện từ 6 - 12 ngày sau thụ tinh
- Chuột rút: Tương tự như biểu hiện thường gặp trong ngày kinh nguyệt
- Dịch âm đạo màu trắng đục: Liên quan đến sự dày lên của thành âm đạo và sự tăng trưởng của các tế bào lót, xảy ra ngay sau khi thụ thai
- Thay đổi ở bộ ngực: Nồng độ hormone biến đổi nhanh chóng sau khi thụ thai có thể khiến ngực bị sưng, đau hoặc nhạy cảm trong 1 - 2 tuần sau đó. Khu vực xung quanh nhũ hoa (quầng vú) cũng có thể bị sẫm màu
- Trễ kinh: Đây là triệu chứng sớm rõ ràng nhất của mang thai. Tuy nhiên rối loạn chu kỳ kinh nguyệt cũng là do một số nguyên nhân sức khỏe khác. Do đó phụ nữ có quan hệ tình dục không an toàn nên thử thai sau khoảng 1 tuần trễ kinh
- Các triệu chứng sớm khác của thai kỳ: Đi tiểu thường xuyên, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, nhức đầu, đau lưng hoặc chóng mặt và ngất xỉu,....
Nhìn chung, các dấu hiệu trên đều khá mờ hồ, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với những triệu chứng khác. Hơn thế nữa, biểu hiện khi có thai tuần đầu tiên của mỗi người phụ nữ cũng rất khác nhau. Do đó, cách tốt nhất là nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế chuyên sản khoa nếu chị em đang nghi ngờ có thai để được tư vấn và chẩn đoán xác định.
3. Lưu ý khi mang thai tuần đầu tiên
Nếu nghĩ rằng mình có thể đã mang thai tuần đầu, phụ nữ cần bắt đầu chú trọng đến sức khỏe, điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn để đảm bảo cơ thể ở trạng thái tốt nhất, sẵn sàng cho hành trình mang thai và nuôi dưỡng em bé sắp tới. Các điểm cần lưu ý cho bà bầu tuần đầu tiên là:
- Bỏ rượu bia, thuốc lá và tất cả các loại chất kích thích khác
- Chuyển đổi hoặc ngừng dùng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã trình bày về dự định có thai hoặc nghi ngờ đang mang thai
- Bổ sung vitamin vào mỗi buổi sáng, bao gồm canxi, sắt và vitamin B12
- Nạp ít nhất 400 microgam axit folic mỗi ngày, đặc biệt là trước khi thụ thai và trong những tuần đầu của thai kỳ, nhằm giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến não, tim và tủy sống của bé
- Theo dõi nhật ký chu kỳ kinh nguyệt những tháng gần nhất
- Loại bỏ tất cả thói quen xấu cho sức khỏe
- Cùng với chồng tìm hiểu về tiền sử bệnh án của hai bên gia đình, bao gồm những rồi loạn di truyền hoặc rối loạn nhiễm sắc thể.
Bà bầu tuần đầu cần lên lịch thăm khám định kỳ với bác sĩ sản khoa để xác định nguy cơ mắc các bệnh di truyền và các mối nguy hại từ môi trường, cũng như tìm hiểu về những thay đổi cần thiết trong lối sống để đảm bảo thai kỳ an toàn và em bé khỏe mạnh. Việc bắt đầu dùng 0,4 miligam, tương đương 400 microgam axit folic mỗi ngày giữ vai trò rất quan trọng. Bổ sung Axit folic 3 tháng trước khi có thai tuần đầu tiên đã được chứng minh có tác dụng hạn chế các khuyết tật xảy ra ở ống thần kinh, ví dụ như tật nứt đốt sống.
Thực tế, trong 3 tháng đầu thai kỳ chính là thời điểm nhạy cảm nhất. Vì thế, để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Hi vong thông tin trong bài" Hình ảnh bụng bầu 1 tuần và lưu ý cho mẹ mới mang thai" mang đến cho mẹ những kiến thức hữu ích khi mới mang thai.
(Vinmec)
Cảm ơn mom chia sẻ nha
Hình ảnh bụng bầu 1 tuần chẳng có gì thay đổi cả vì bạn chưa biết mình bầu luôn